Hệ quả không ngờ sau trào lưu “hot” vẽ quầng thâm cai nghiện điện thoại cho trẻ

(Dân trí) - Những ngày qua, trào lưu vẽ bút màu, tạo quầng thâm mắt để cai nghiện điện thoại cho con được nhiều bà mẹ Việt hưởng ứng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo, phương pháp trên không những không giúp các bé từ bỏ thói quen xem điện thoại mà còn có thể ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý non nớt của bé.

Mới đây, một bà mẹ Thái Lan gây “sốt” khi chia sẻ độc chiêu cai điện thoại hiệu quả cho các bé. Theo đó, người này cho biết, con gái chị bị nghiện điện thoại, ngày nào cũng phải xem từ 1-2 tiếng.

Dù đã dùng nhiều biện pháp cai nghiện cho con từ việc nhẹ nhàng khuyên bảo đến mắng mỏ nhưng vẫn không hiệu quả.

Hệ quả không ngờ sau trào lưu “hot” vẽ quầng thâm cai nghiện điện thoại cho trẻ - 1

Độc chiêu cai nghiện điện thoại của bà mẹ Thái Lan gây "sốt" và nhận được hưởng ứng của nhiều bậc phụ huynh

Nhân lúc con gái ngủ say, người mẹ này đã lấy bút chì đen, tạo quầng thâm xung quanh mắt. Sau đó, chị nói dối cô bé rằng, đây là hậu quả của việc xem quá nhiều điện thoại. Kết quả là bé gái đã òa khóc nức nở, sợ hãi xin mẹ chữa bệnh cho mình và hứa sẽ không bao giờ xem điện thoại nữa.

Chỉ một thời gian ngắn đăng tải, độc chiêu cai nghiện điện thoại của người mẹ trên đã nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ và bình luận. Tại Việt Nam, rất nhiều bà mẹ cũng thích thú áp dụng và cho rằng đây là một biện pháp hiệu quả để cai nghiện điện thoại cho trẻ.

Nhiều bà mẹ Việt vẽ quầng thâm ở mắt, cai nghiện điện thoại cho trẻ

Tuy nhiên, chia sẻ với PV Dân trí, nhiều chuyên gia giáo dục cảnh báo, phương pháp trên không những không giúp các bé từ bỏ thói quen xem điện thoại mà còn có thể ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý non nớt của bé.

Ts Vũ Thu Hương, chuyên gia tâm lý, giáo dục trẻ cho biết, không thể sử dụng chiêu trò nói dối để dạy trẻ. Trẻ sớm muộn cũng sẽ biết sự thật. Khi đó, mối quan hệ giữa trẻ và bố mẹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Trẻ sẽ nghĩ bố mẹ là lừa dối mình và nghĩ mình bị bố mẹ coi thường, qua mặt. Một nền giáo dục được xây dựng trên nền tảng thiếu tôn trọng trẻ thì sẽ nhận được phản ứng bất mãn và thiếu tin tưởng vào cha mẹ.

Đồng thời khiến trẻ dễ dàng tạo 1 vỏ bọc tự vệ với cha mẹ để tự trốn riêng vào đó. Nghiêm trọng hơn, trẻ có thể sẽ tìm cách lén lút sử dụng máy điện thoại ở ngoài vùng kiểm soát của cha mẹ. Đến lúc đó, nếu trẻ nghiện máy hay tò mò xem các hình ảnh, trang web nhạy cảm, có hại cho trẻ thì bố mẹ cũng không thể nắm bắt kịp thời”, Ts Vũ Thu Hương khẳng định.

Hệ quả không ngờ sau trào lưu “hot” vẽ quầng thâm cai nghiện điện thoại cho trẻ - 2

Việc cai nghiện điện thoại cho trẻ theo Ts Vũ Thu Hương là một “cuộc chiến” đòi hỏi các bậc phụ huynh phải kiên trì. Tuyệt đối không nên đột ngột quát mắng, tịch thu máy điện thoại của con mà không có sự giải thích thuyết phục.

Hệ quả không ngờ sau trào lưu “hot” vẽ quầng thâm cai nghiện điện thoại cho trẻ - 3

Theo các chuyên gia, không thể sử dụng chiêu trò nói dối để dạy trẻ.

Chuyên gia này cũng đưa ra gợi ý 4 bước cai nghiện điện thoại cho trẻ mà phụ huynh có thể áp dụng:

Bước 1: Các phụ huynh đầu tiên là nên can thiệp vào việc sử dụng điện thoại của con ở trường. Cha mẹ có thể gọi đến trường báo là con sử dụng điện thoại trong giờ, và thậm chí còn gọi điện cho anh chị em, người thân để hỏi bài trong lúc làm bài kiểm tra.

Theo TS Hương, việc phát hiện này sẽ làm cho trường con giật mình và thầy cô nên thể hiện quan điểm nghiêm khắc khi thu điện thoại của con trong giờ học, chỉ trả vào giờ về. TS Hương nhấn mạnh, nếu nhà trường sợ kiện tụng và mất tài sản nên tịch thu không được triệt để cũng không sao, miễn là con bắt đầu phải quen với việc thỉnh thoảng không có điện thoại để chơi.

Bước 2: Chúng ta có thể lấy cớ các việc con chưa hoàn thành để phạt con tịch thu điện thoại theo giờ. Mỗi tội sẽ tịch thu 2 giờ. Ban ngày con đi học, tối về với mẹ, cứ hôm nào có lỗi sai, các phụ huynh lại tịch thu điện thoại trong 2 giờ. Ban đầu, cả tuần chỉ nên thu 1 buổi.

Đến những tuần sau, con bị tịch thu nhiều hơn. Dĩ nhiên, trong 2 tiếng con không có điện thoại, chúng ta không nên để con ngồi chơi để dễ lên cơn nhớ điện thoại. Các trách nhiệm cá nhân như tắm, giặt, lau nhà lau cửa, gấp quần áo, dọn dẹp…. khiến cho 2 tiếng đó qua đi nhanh chóng. Trong lúc con làm, cha mẹ nên giám sát con cẩn thận để thời gian trôi qua mà con không nhớ đến việc sử dụng điện thoại.

Bước 3: Lấy cớ con bị phạt rồi mà vẫn mắc lại lỗi cũ, cha mẹ ra quyết định tịch thu điện thoại của con trong 2 tiếng tất cả các buổi tối.

Trong 2 tiếng đó, hãy quy định con phải đọc hết 40 trang sách (không hết tăng thời gian bị cấm điện thoại). Đọc xong, con phải trình bày cho mẹ xem con vừa đọc về cái gì. Thời gian còn lại, cha mẹ yêu cầu con dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa và làm những việc cá nhân khác.

Bước 4: Cha mẹ tiếp tục lấy lý do con vẫn chưa hoàn thành trách nhiệm để tịch thu điện thoại thông minh. Thay vào đó, cha mẹ nên mua máy điện thoại không có tính năng kết nối internet, đổi sim con vào điện thoại đó và tịch thu smartphone trong 2 tuần. Nếu áp dụng theo những bước này, con sẽ không quá phụ thuộc vào điện thoại thông minh.

Theo TS Thu Hương, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, các bậc phụ huynh không nên để con nhỏ của mình sử dụng điện thoại di động hay bất cứ thiết bị không dây nào. Ngay bản thân người lớn cũng cần hạn chế tối đa việc sử dụng điện thoại di động.

“Chỉ cần điện thoại di động của bạn đang bật, nó sẽ liên tục phát ra bức xạ, ngay cả khi bạn đang không gọi điện. Nên hãy tắt điện thoại nếu có thể. Hơn nữa, bạn cấm con sử dụng mà bạn lại cầm suốt ngày thì con sẽ cảm thấy đó là một điều bất hợp lý và đương nhiên là con sẽ đấu tranh để được sử dụng điện thoại.”, Ts Thu Hương lý giải.

Hà Trang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm