Hành trình hồi sinh rác thải nhựa của Unilever dưới mô hình kinh tế tuần hoàn
(Dân trí) - 63% bao bì có khả năng tái chế hoặc dễ phân hủy, 52% lượng nhựa nguyên sinh được cắt giảm trong sản xuất bao bì,… đây là những con số biết nói cho nỗ lực không ngừng nghỉ của Unilever trên hành trình xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn nhựa.
Không chỉ dừng lại ở những con số, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn nhựa của Unilever đã mang đến nhiều tác động tích cực, thiết thực và sâu rộng hơn thế. 2.500 lao động ve chai (phần lớn là phụ nữ) còn được cải thiện đời sống, điều kiện việc làm hàng ngày.
Những tác động tích cực của chương trình "Hồi sinh rác thải nhựa"
Từ năm 2021, Unilever Việt Nam phát động chương trình "Hồi sinh rác thải nhựa". Tham gia chương trình, các nữ "chiến binh xanh" - những lao động ve chai như cô Lương (Hà Nội) dần hiểu rõ vai trò của công việc mình làm, cũng như nhận được hỗ trợ cải thiện điều kiện làm việc, an toàn, sức khỏe trong cuộc sống.
"Chúng tôi cảm thấy tự tin hơn khi biết công việc của mình là một phần quan trọng của tương lai và xã hội. Chị em tham gia chương trình còn được tặng quà hàng tháng và động viên tinh thần", cô Lương chia sẻ về công việc của mình.
Chia sẻ của cô Lương là minh chứng cho tác động tích cực mà chương trình "Hồi sinh rác thải nhựa" mang lại cho hơn 2.500 lao động ve chai tự do trong suốt 2 năm qua. Một vài con số biết nói khác của dự án có thể kể đến như hơn 20.000 tấn rác thải nhựa được phân loại, thu gom và tái chế, hơn 150 cơ sở thu gom rác thải nhựa được thành lập.
Chương trình "Hồi sinh rác thải nhựa" là một mảnh ghép nhỏ trong bức tranh rộng hơn về mô hình tuần hoàn nhựa của Unilever, hướng đến mục tiêu góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, bảo tồn tài nguyên tự nhiên.
Bà Lê Thị Hồng Nhi - Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại Unilever Việt Nam - cho biết: "Dự án 'Hồi sinh rác thải nhựa' là một phần quan trọng trong chiến lược thúc đẩy tuần hoàn nhựa của Unilever Việt Nam, nhằm phân loại rác tại nguồn, thu gom và xử lý rác thải nhựa, đưa nhựa trở lại nền kinh tế và giảm khí thải nhà kính từ quá trình sản xuất".
Góp phần thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa của Unilever
Tháng 2/2020, Unilever Việt Nam đã tiên phong phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, doanh nghiệp SCG và Dow ký kết sáng kiến "Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa (PPC)". Hợp tác nhằm quản lý vòng đời sản phẩm và nâng cao nguồn cung nguyên liệu bền vững, nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo trên quy mô toàn quốc.
Đến nay sau 3 năm, sáng kiến "Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa (PPC)" đã thu hút gần 30 thành viên từ các thành phần khác nhau trong vòng tuần hoàn nhựa, gồm các tổ chức nhà nước, các đối tác như Duy Tân, Vietcycle, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, các đối tác phân phối bán lẻ như Central Retail…
Thông qua việc hợp tác, Unilever đã thành công thu gom và tái chế 25.000 tấn rác thải nhựa, đồng thời sử dụng chính các hạt nhựa tái sinh này để sản xuất thành bao bì, chai nhựa mới sản phẩm của doanh nghiệp. Những loại nhựa không thể tái chế sẽ được chuyển thành dầu đốt để tái sử dụng.
Bên cạnh đó, nhận thức được việc giảm thải và hồi sinh rác thải nhựa đòi hỏi nỗ lực từ nhiều phía, Unilever còn tiến hành truyền thông, giáo dục về việc phân loại rác tại nguồn cho gần 12 triệu người dân thông qua các kênh truyền thông trực tiếp và đại chúng.
Các nhà phân phối, bán lẻ sẽ mang những sản phẩm có bao bì nhựa tái sinh đến tay người tiêu dùng, đồng thời khuyến khích người tiêu dùng phân loại rác thải nhựa sau khi sử dụng, để vòng tuần hoàn của nhựa tiếp tục được diễn ra.
Ở thời điểm hiện tại, 63% bao bì của Unilever Việt Nam có khả năng tái chế hoặc dễ dàng phân hủy. Song song, Unilever Việt Nam cắt giảm 52% lượng nhựa nguyên sinh trong sản xuất bao bì nhờ vào việc cắt giảm trực tiếp và sử dụng nhựa tái chế.
Unilever cho biết đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% bao bì của sản phẩm Unilever đều có thể tái sử dụng, tái chế hoặc dễ dàng phân hủy, đồng thời, thu gom và xử lý rác thải nhựa nhiều hơn lượng bao bì sản phẩm mà doanh nghiệp bán ra.