Hành động của ông chủ giàu có chợ Long Biên khiến nữ phu xe bật khóc
“Đêm đó, nếu ông chủ giàu có nhất nhì chợ Long Biên không giúp đỡ, tôi đã bị mắng, bị đánh và phải đền một số tiền lớn cho khách… ”, chị Phương (Kim Động, Hưng Yên) kể lại.
Những chủ hàng khiến phu xe “khóc thét”
Theo lời các phu xe, giàu có, thu nhập mỗi tối có thể lên đến hàng chục triệu đồng, tuy nhiên nhiều chủ hàng không hề xởi lởi.
“Đã thỏa thuận thẳng thắn trước khi chuyển hàng thế nhưng sau khi hoàn thành công việc, họ lại cố tình bớt tiền của mình. Thậm chí có người còn “quỵt” tiền của phu kéo”, chị Nguyễn Thị Phương (SN 1971, quê Kim Động, Hưng Yên) cho biết.
Vẫn theo lời chị Phương, đã có lần chị phải làm không công vì những người chủ ghê gớm.
“Người chủ thuê tôi kéo 20 giành nhãn từ chợ Long Biên vào cửa hàng (cách chợ khoảng 200m). Số tiền công theo thỏa thuận ban đầu là 100 nghìn. Tuy nhiên lúc kéo xong tôi vào cửa hàng lấy tiền thì không được vì người nọ đổ người kia. Cuối cùng, tôi phải ra về tay không”, chị Phương nói tiếp.
Chị Phương kể, đồng nghiệp của chị còn gặp những chủ hàng oái ăm hơn. “Họ thuê phu kéo đi quãng đường khoảng nửa cây số nhưng chỉ có 2, 3 thùng hàng (tiền công tính theo thùng hàng, mỗi thùng 2 đến 5 nghìn đồng). Vì thế để đỡ tốn thời gian, người phu kéo đã tận dụng gộp hai ba đơn hàng lại rồi vận chuyển một thể.
Không ngờ lúc giao hàng xong, người chủ tuyên bố không trả tiền. Không chỉ thế người chủ này còn chửi té tát vì mình tự ý kéo chung hàng của họ với hàng của những người khác”, chị Phương cho biết.
Chị Nguyễn Thị Hậu (32 tuổi, quê Ý Yên, Nam Định) cũng bức xúc vì việc bị "xử ép" ở chợ.
Theo lời chị Hậu, có những chủ hàng xấu tính đến mức, thuê phu kéo kéo hàng nhưng khi xong thì tìm cách nợ tiền. Phu kéo đến đòi tiền thì họ tìm cách gạ gẫm, đòi phu kéo đi chơi cùng rồi mới trả tiền.
“Người chủ này chuyên lấy hàng từ những xe tải ở miền ngược xuống. Tuy nhiên không bao giờ ông ta trả tiền ngay cho những phu xe. Tôi kéo cho ông ta 3 lần, mỗi lần được hơn 100 nghìn đồng nhưng khi tôi đến đòi thì ông ta nói bằng giọng thiếu đứng đắn.
Ông ta bảo tôi đi chơi cùng một ngày rồi sẽ trả tiền và cho tôi thêm tiền ăn tiêu. Tuy nhiên “đói cho sạch, rách cho thơm” tôi không khát tiền đến mức dễ dãi như vậy”, chị Hậu khẳng định.
Nghĩa tình ở xóm chợ gọi nhau “tao - mày”
Chị Lê Thị Bích (quê Bình Lục, Hà Nam, 6 năm làm phu kéo ở chợ Long Biên) lại cho rằng, có những chủ hàng xấu tính nhưng cũng có rất nhiều những người chủ tốt bụng.
“Có lần thấy tôi bị cảm, một người chủ hàng còn pha cho tôi cốc trà gừng rồi đưa đồ ăn cho tôi, sau đó bảo nhân viên đi mua cho tôi vỉ thuốc. Nhiều lần khác, đặc biệt là những dịp lễ Tết hay biết tôi sắp về quê với con, họ còn cho tôi hoa quả để mang về. Những hành động đó khiến tôi rất cảm động”, chị Bích nói.
Đồng quan điểm với chị Bích, chị Phương (Kim Động, Hưng Yên) cũng hào hứng khi nói về người chủ hàng lớn nhất nhì khu chợ Long Biên này.
Chị Phương cho biết, người chủ này (nhân vật xin giấu tên) làm ăn lớn, quản lý nhiều nhân viên và cư xử rất đàng hoàng.
“Nhiều thanh niên xếp hàng trên xe tải rất ngang ngược. Họ ít tuổi hơn nhưng nói chuyện với các phu xe bao giờ cũng xưng hô "mày - tao". Nếu lỡ bốc hàng không nhanh, họ có thể quăng thẳng thùng hàng vào người mình hoặc nhảy khỏi ô tô tải rồi lao vào hành hung.
Chủ hàng của các nhân viên đó biết nhưng họ mặc kệ. Thế nhưng ở chỗ ông chủ này, không bao giờ có chuyện nhân viên đánh người”, chị Phương nói.
Không những thế, theo chị Phương, người chủ ở đây còn sống rất có tình và luôn cảm thông với những người phu kéo.
“Có lần, tôi lấy hàng ở chỗ ông ấy mang cho khách. Tuy nhiên không hiểu lý do gì, cuối buổi khách của tôi lại báo thiếu 2 thùng đào. Tôi sợ đến run người vì đào đầu mùa rất đắt. Số tiền đó bằng mấy đêm kéo xe của tôi. Tôi thất thểu đến chỗ xe tải của ông ấy để thông báo với hy vọng rất mong manh.
Nhưng thay vì chửi mắng và mặc kệ tôi đền hàng cho khách, ông ấy sai nhân viên lấy bù cho tôi hai thùng đào rồi bảo tôi mang về cho người ta. Tôi nhận hai thùng hàng mà rơi nước mắt. Bởi đêm đó, nếu người chủ hàng không phải ông ấy, tôi đã phải đền tiền cho người khách kia”, chị Phương nói tiếp.
Chị Phương cho rằng, ở môi trường chợ búa, mọi người nói chuyện với nhau đầy bỗ bã và không hề giữ ý nhưng họ vẫn sống rất có tình có nghĩa.
Theo Vietnamnet