PhotoStory

Hàng chục hộ dân sinh sống giữa nghĩa trang lớn nhất TPHCM trong nhiều năm

Thực hiện: Hoàng Giám

(Dân trí) - Nghĩa trang Bình Hưng Hòa có quyết định di dời từ năm 2011, tuy nhiên vẫn còn khoảng gần 7.200 mộ phần chưa có người nhận. Một xóm trọ hơn 10 hộ dân vẫn bám trụ, sinh sống tại đây suốt nhiều năm qua.

Hàng chục hộ dân sinh sống giữa nghĩa trang lớn nhất TPHCM trong nhiều năm - 1

Nằm lọt thỏm giữa nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TPHCM), một xóm trọ với khoảng hơn 10 hộ dân sinh sống hàng chục năm tại đây và chưa từng có ý định rời đến nơi ở mới.

Hàng chục hộ dân sinh sống giữa nghĩa trang lớn nhất TPHCM trong nhiều năm - 2

Lối đi vào xóm trọ là một con đường đất, 2 bên không có nhà dân, chỉ thấy rải rác mộ phần trên những khu đất trống, hoặc được phủ kín một phần bởi cây xanh, cỏ dại.

Hàng chục hộ dân sinh sống giữa nghĩa trang lớn nhất TPHCM trong nhiều năm - 3

Trong ảnh là những ngôi mộ chưa có người nhận còn sót lại tại nghĩa trang sau nhiều đợt bốc dỡ hài cốt được thực hiện theo quyết định của thành phố.

Các hộ "kéo điện" từ những gia đình sống bên ngoài khu vực nghĩa trang cách đó vài trăm mét để thắp sáng. Từ xa, có thể nghe được tiếng hát hò phát ra từ một căn nhà đang có tiệc mừng trong xóm.

"Việc bốc dỡ các ngôi mộ được thực hiện khá rầm rộ trong giai đoạn đầu khiến nhiều người bất ngờ, nhất là người dân địa phương. Họ chưa từng chứng kiến cảnh tượng này", ông Hòa, một cư dân của xóm trọ nói.

Hàng chục hộ dân sinh sống giữa nghĩa trang lớn nhất TPHCM trong nhiều năm - 4

Ông Hòa kể bản thân đã sống ở khu nghĩa trang này hơn 20 năm. Tức là từ lúc xóm trọ mới hình thành. Ngày đó, ông thường làm thuê cho những người đến đây chôn cất người thân, trông coi, làm cỏ và vệ sinh các ngôi mộ. Tuy nhiên ông đã thất nghiệp trong nhiều năm.

Ở độ tuổi xế chiều, ông thường đến khu Nhà Quàn (nhà tang lễ nhỏ trong nghĩa trang) hóng mát. "Tôi không sợ khi đến đây vào ban đêm, thậm chí là thích vì sự yên lặng. Mọi thứ đã quá quen thuộc, không khác gì chỗ nghỉ ngơi trong chính ngôi nhà của mình", ông Hòa nói.

Hàng chục hộ dân sinh sống giữa nghĩa trang lớn nhất TPHCM trong nhiều năm - 5

Buổi chiều là lúc xóm trọ có đông người hơn những thời điểm khác trong ngày vì mọi người đã trở về nhà sau một ngày bận rộn công việc bên ngoài. Bà Trâm (67 tuổi) là cư dân nhiều năm của xóm trọ, ngồi nói chuyện với mọi người trên một mộ phần ven đường.

"Khi nghĩa trang còn hoạt động, tôi trông coi và cắt cỏ cho nhiều ngôi mộ. Thân nhân người quá cố sẽ trả tiền công nên cuộc sống cũng không quá khó khăn. Tình hình giờ đã khác. Mấy tháng rồi không có việc, tôi ăn ở nhờ đứa cháu gái 18 tuổi cũng là một cư dân của xóm", bà Trâm nói.

Hàng chục hộ dân sinh sống giữa nghĩa trang lớn nhất TPHCM trong nhiều năm - 6

Cách nhà bà Trâm vài chục mét là nơi sinh sống của ông Bè (gốc Hà Nội). Ông chuyển vào xóm ở được 7 năm nay, hàng ngày hấp khoai lang, bánh lá mang đi bán tại các trường học ở quận Bình Tân.

Trước đây ông thuê nhà tại nhiều quận của TPHCM để mưu sinh. Khi tuổi đã ở độ xế chiều, ông quyết định chuyển về xóm trọ nhằm tiết kiệm chi phí ăn ở.

Hàng chục hộ dân sinh sống giữa nghĩa trang lớn nhất TPHCM trong nhiều năm - 7

Trong cuộc trò chuyện, ông Bè rất ngại việc nhắc đến nơi ở của mình. Ông cho rằng điều này sẽ làm ảnh hưởng đến công việc buôn bán của gia đình. Trung bình mỗi người kiếm được trên dưới 200.000 đồng/ngày, nếu tiết kiệm thì tạm đủ cho việc chi tiêu.

"Người ta biết mình sống ở nghĩa trang, rồi làm khoai, làm bánh bán sẽ rất ngại mua", ông trầm ngâm.

Hàng chục hộ dân sinh sống giữa nghĩa trang lớn nhất TPHCM trong nhiều năm - 8

Ông Em (64 tuổi) bắt đầu sống ở khu nghĩa trang Bình Hưng Hòa khi còn là một thanh niên. Mấy mươi năm miệt mài làm lụng khiến cơ thể ông suy nhược nghiêm trọng. 

Cầm trên tay ảnh chụp X-quang lồng ngực, người đàn ông này cho biết theo lời bác sĩ thì phổi ông đã tổn thương nặng và dường như không có cơ hội phục hồi. 

Di chứng từ căn bệnh khiến ông đi đứng khó khăn, không thể tự mình sinh hoạt, ăn uống. Ông Em sống nhờ vào sự chăm sóc của bà Xuân (vợ ông) và người con trai năm nay 34 tuổi.

Hàng chục hộ dân sinh sống giữa nghĩa trang lớn nhất TPHCM trong nhiều năm - 9

Gia đình nhiều người nhưng chỉ có mỗi con trai là lao động chính với nghề thợ hồ, công việc bấp bênh khiến cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Mấy tháng nay ông Em phải nằm nhà lay lắt vì không còn tiền đến bệnh viện.

Bà Xuân nhớ về những năm tháng tuổi trẻ tươi đẹp. Lúc đó ông Em là người khỏe mạnh, làm lụng rất siêng năng. Quanh khu Bình Hưng Hòa ai có việc thuê là ông đều nhận, làm bất kể ngày đêm, mưa nắng với mong mỏi mua được nhà. 

Hàng chục năm trôi qua, bà Xuân nói ước mơ này ngày càng xa vời. Áp lực từ tiền thuê nhà trọ mỗi tháng gần 5 triệu khiến bà không còn tâm trí để mơ mộng, hay suy nghĩ việc khác.

Hàng chục hộ dân sinh sống giữa nghĩa trang lớn nhất TPHCM trong nhiều năm - 10

Ông Công tuổi đã ngoài 60, có hơn 30 năm ông sống trong căn nhà lá sập xệ bên trong nghĩa trang. Nhiều người nói ông là "lão quái" trước hết vì ông là cư dân lâu năm tại đây, một phần vì tính cách khó gần của ông.

Hàng chục hộ dân sinh sống giữa nghĩa trang lớn nhất TPHCM trong nhiều năm - 11

Người đàn ông này nhiều năm nay chỉ sống một mình trong căn nhà đổ nát bên trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa, ít giao tiếp với người lạ. Nhiều năm trước khi nghĩa trang Bình Hưng Hòa còn hoạt động, ông là người trông coi, chăm sóc thuê hàng trăm ngôi mộ xung quanh nhà. 

Nhưng rồi những ngôi mộ được chính quyền chủ trương bốc dỡ, ông mất việc từ đó. Ông Công quyết không bỏ "nhà", gần 10 năm nay ông sống biệt lập, làm bạn với đàn chó và những ngôi mộ vô chủ.

Hàng chục hộ dân sinh sống giữa nghĩa trang lớn nhất TPHCM trong nhiều năm - 12

Ông Công nói mình đã sống quen ở đây, mọi thứ đều là bầu bạn, có tình cảm nên không muốn rời đi.

Hàng chục hộ dân sinh sống giữa nghĩa trang lớn nhất TPHCM trong nhiều năm - 13

Tối ở Bình Hưng Hòa, mọi thứ trở nên im lặng. Ngoài những cư dân của xóm trọ vội vã đi về trên những con đường đất dẫn vào nghĩa trang, những người từ nơi khác thường không chọn đến đây lúc đêm muộn.

Có một điều kỳ lạ là cho dù hạ tầng điện nước không đảm bảo, môi trường sống không tốt nhưng những hộ dân sống tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa lại không có ý định đến nơi khác sinh sống. 

Dự án giải tỏa nghĩa trang Bình Hưng Hòa bắt đầu thực hiện từ năm 2011, với kinh phí đầu tư gần 2.500 tỉ đồng nhằm mục tiêu cải tạo môi trường sống cho hơn 300.000 người dân xung quanh.

Những năm gần đây, việc bốc dỡ các ngôi mộ diễn ra khá chậm chạp. Theo số liệu của UBND quận Bình Tân, còn hơn 7.200 ngôi mộ ở Bình Hưng Hòa chưa có người đến nhận.