Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Hà Giang lấy giá trị văn hóa làm động lực cho phát triển
(Dân trí) - Nhiều giá trị văn hóa truyền thống trước đây có nguy cơ bị mai một nay được phục dựng, bảo tồn lại để phục vụ khách du lịch ở Hà Giang.
Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch là nội dung quan trọng thuộc Dự án 6 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 hướng tới mục tiêu hướng tới mục tiêu: Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người.
Nằm ở biên giới cực Bắc của Tổ quốc, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 90% đã tạo cho Hà Giang kho tàng văn hóa đặc sắc được lưu giữ từ ngàn đời. Sự đa dạng trong kho tàng văn hóa đã và đang tạo ra cơ hội lớn để phát triển các loại hình du lịch nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Do vậy, công tác bảo tồn, gìn giữ văn hóa các dân tộc đang được tỉnh triển khai đa dạng, tạo đà cho du lịch phát triển bền vững. Thực hiện quan điểm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, lấy văn hóa vừa là động lực cho phát triển vừa là mục tiêu của sự phát triển, tỉnh Hà Giang xác định bảo tồn văn hóa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Bà Nguyễn Thị Hoài - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Giang - cho biết: "Đưa văn hóa thành động lực cho phát triển, tỉnh Hà Giang vừa chú trọng tới công tác bảo tồn, phụ dựng các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; thực hiện số hóa các di sản để hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá đạt kế quả cao hơn; song song với công tác bảo tồn, thì Hà Giang cũng đặc biệt chú trọng tới việc bài trừ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh".
Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh Hà Giang đã tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp như: Ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; nghị quyết về xóa bỏ các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu xây dựng nếp sống văn minh; tiến hành kiểm kê nhận diện 131 di sản văn hóa vật thể, 446 di sản văn hóa phi vật thể làm cơ sở xây dựng các kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Tập trung nguồn lực tổ chức phục dựng và nâng cao chất lượng tổ chức các lễ hội truyền thống với quy mô cấp tỉnh và khu vực có 8 lễ hội, quy mô cấp huyện 15 lễ hội và cấp xã 58 lễ hội.
Thực hiện đề án bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ 16 làng văn hóa du lịch cộng đồng đảm bảo mục tiêu bảo tồn kiến trúc truyền thống, phục dựng các loại hình dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, nghề thủ công truyền thống. Thông qua đó tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng, vừa tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững cho người dân.
Ông Triệu Mềnh Kinh Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng Nậm Hồng, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì cho biết "Từ khi thôn làm du lịch cộng đồng hình ảnh và mảnh đất con người xã Thông Nguyên được lan tỏa rộng rãi trong và ngoài nước. Hàng chục xã viên, người dân có thu nhập từ làm du lịch.
Nhiều giá trị văn hóa truyền thống trước đây có nguy cơ bị mai một nay được phục dựng, bảo tồn lại để phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó quá trình tiếp xúc, làm du lịch thì nhận thức hiểu biết của người dân đã nâng lên rõ rệt".
Một trong những giải pháp cụ thể bảo tồn văn hóa truyền thống, tỉnh Hà Giang đã và đang phát huy vai trò "hạt nhân" của đội ngũ người có uy tín trong cộng đồng. Thực hiện trao truyền những giá trị văn hóa cho thế hệ trẻ thông qua Đề án đưa kỹ năng sống và truyền dạy văn hóa truyền thống các dân tộc vào trường học.
Thông qua đó không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giữ vững an ninh chính trị và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và trong những năm tiếp theo.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 gồm nhiều dự án và tiểu dự án thành phần. Trong đó có Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.Dự án hướng tới mục tiêu hướng tới mục tiêu: Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người.
Như Quỳnh