Giảm tác hại thuốc lá: Vẫn câu chuyện "người dùng chờ luật"
(Dân trí) - Bộ Công thương cho biết đang nghiên cứu, đề xuất chính sách quản lý đối với các loại thuốc lá thế hệ mới, đảm bảo chặt chẽ, phù hợp Luật hiện hành và thông lệ quốc tế.
Có một thực tế được ghi nhận qua khảo sát là phần lớn người hút thuốc lá cho biết họ không thế cai hẳn thuốc, bởi vậy, họ quan tâm đến các sản phẩm giảm thiểu tác hại để thay thế.
Điều này phần nào lý giải nguyên nhân của tình trạng buôn lậu những sản phẩm thuốc lá được cho là giảm tác hại (gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng) đang ngày càng tăng cao.
Không có nguồn hàng chính thống, người dùng đang "tiếp tay" cho buôn lậu phát triển
Việt Nam hiện vẫn đang nằm trong nhóm 15 nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất trong khu vực, đứng thứ 3 ASEAN.
Bên cạnh đó, việc cai bỏ thuốc lá chưa bao giờ là điều dễ dàng vì thực tế cho thấy chỉ có 5- 8% cai thuốc thành công, tuy nhiên tỷ lệ tái nghiện lại lên đến 95%.
Do đó, việc người nghiện thuốc tìm đến các sản phẩm thuốc lá được cho là giảm tác hại, thông qua đường hàng xách tay, buôn lậu là điều dễ hiểu.
Thống kê trong năm 2020, Tổng cục Quản lý Thị trường đã kiểm tra, xử lý các vụ việc về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá điếu, cigar, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng với tổng số 3.422 vụ và tịch thu 181.898 đơn vị gồm máy vape, thiết bị hút, điếu hút, chai tinh dầu… với giá trị hàng tỷ đồng.
Bất chấp dịch bệnh, hoạt động này vẫn sôi động với 285 vụ bị phát hiện mỗi tháng. Con số này chỉ mới là "bề nổi của tảng băng chìm" và vẫn đang tăng trưởng dương, bởi mức phạt hành chính hiện nay quá nhẹ, không đủ sức răn đe.
Ông Ngô Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam nhận định: "Buôn lậu thuốc lá là siêu lợi nhuận. Hiện, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nhập lậu chỉ có thể xử vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quy định về 'Hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu.'"
Trong khi đó, đối với người tiêu dùng, những người hút thuốc lá lâu năm đang chuyển từ thuốc lá điếu sang các sản phẩm thuốc lá giảm tác hại hiện cũng đối mặt với nguy cơ mua phải hàng không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng sức khỏe nhưng với giá siêu cao.
Khảo sát của Viện Kinh tế Kỹ thuật Thuốc lá trên một số mẫu đã cho thấy hàm lượng các chất gây hại trong thuốc lá lậu cao hơn 1,5 lần so với tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Cơ quan quản lý và người dùng đều chờ quy định
Việc chưa có những quy định cụ thể đối với những giải pháp giảm thiểu tác hại thuốc lá đã dẫn đến nhiều bất cập, thiếu đồng bộ trong việc xử lý các hành vi buôn lậu thuốc lá thế hệ mới.
Trong nhiều năm qua, đã có nhiều hội thảo giữa các bộ ban ngành được diễn ra để thảo luận về việc quản lý như thế nào đối với sản phẩm này, trong đó bao gồm các hội thảo về luật quản lý, kỹ thuật sản phẩm khác biệt như thế nào so với thuốc lá điếu đốt cháy, cũng như các hội thảo về tác động của sản phẩm lên các khía cạnh đời sống.
Những hội thảo này nhằm mục đích tạo cơ sở cho Chính phủ sớm đưa ra định hướng quản lý đối với nhóm sản phẩm mới này.
Cũng trong tháng 10/2020, Chính phủ gửi Công văn 8750 yêu cầu các bộ ngành sớm đưa ra hướng đề xuất quản lý để góp phần phòng chống tình trạng buôn lậu thuốc lá hiện nay.
Trước đó, trả lời báo chí, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - đơn vị được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì dự thảo quản lý thuốc lá thế hệ mới cho biết, hiện Bộ đang tiếp tục tiếp thu ý kiến góp ý của các Bộ, ngành và phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất chính sách quản lý đối với các loại hình thuốc lá thế hệ mới, đảm bảo chặt chẽ, phù hợp Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và Chiến lược Quốc gia về giảm thiểu tác hại của thuốc lá, phù hợp thông lệ quốc tế.
Thực tế cho thấy nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá không khói, được cho là giảm tác hại so với thuốc lá điếu, đang là rất lớn.
Do vậy, trong nhiều năm qua những người hút thuốc lá phải tìm đến các nguồn hàng lậu dù biết rằng giá cả đắt đỏ lại không đảm bảo nguồn gốc xuất xứ.
Điều này làm cho thị trường hàng lậu ngày càng phát triển mạnh và trở nên khó kiểm soát khi thiếu các biện pháp chế tài nghiêm minh.
Do đó, việc sớm có quy định rõ ràng để quản lý mặt hàng này là đòi hỏi thực tế để làm cơ sở cho các cơ quan chức năng không bị lúng túng trước việc xử lý các đối tượng sai phạm, góp phần ngăn chặn buôn lậu; đồng thời đem lại lợi ích cho người nghiện thuốc lá, giúp họ có cơ hội lựa chọn giải pháp tốt hơn cho sức khỏe của mình, của người liên quan và của cộng đồng.