Gia đình 3 thế hệ dũng cảm “cướp cơm” của Hà Bá

(Dân trí) - Người dân sống tại khu vực chân cầu Cẩm Lệ (Đà Đẵng) không một ai không biết đến gia đình ông Ngô Văn Léo với 3 thế hệ mưu sinh trên dòng sông Cẩm Lệ đã hàng chục năm nay. Điều đặc biệt là cả gia đình ông đều khoác lên mình cái nghiệp cứu người nhảy cầu tự tử mà người dân nơi đây vẫn thường gọi là cướp "miếng ăn" trước miệng Hà Bá.

Ông Ngô Văn Léo tên người dân nơi đây thường gọi là Sáu Léo (trú tại An Hòa 8, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng). Ông Léo và gia đình đã hơn 20 năm mưu sinh trên con đò nhỏ tại dòng sông Cẩm Lệ, ông đã gặp không biết bao nhiêu trường hợp nhảy cầu tự tử tại lòng sông này.

Người đau buồn chuyện gia đình, người nợ nần chồng chất, những bạn trẻ thì cãi vả, chia tay, thất tình, học hành thi cử không thành,... vì suy nghĩ chưa thấu mà muốn nhảy cầu để tìm đến cái chết. Nhưng chính tại đây hầu hết họ đều được ông và gia đình ông cứu sống.

Khi vừa gặp gỡ ông Léo, ấn tượng vào đập vào mắt chúng tôi là một dáng người cao gầy, làn gia đen rám nắng, nhưng có một nụ cười đầy nhân hậu.

 Gia đình ông Ngô Văn Léo thường xuyên cứu người nhảy cầu tự tử
Gia đình ông Ngô Văn Léo thường xuyên cứu người nhảy cầu tự tử

Ông Léo cho biết, từ khi còn nhỏ ông đã theo cha kiếm sống trên con sông này, lúc xưa nghèo khó chưa có cầu xây, người dân thường hay qua lại con sông bằng ghe, bằng đò. Hằng ngày ông theo cha cùng đưa khách sang sông, cha ông lúc đó cũng là một người hay cứu người bị đuối nước và chính cha ông đã dạy cho ông cách bơi lội, cách cứu người gặp nạn trên con sông này. Có lẽ chính vì vậy mà cái nghiệp cứu người, vớt người ngấm vào ông lúc nào cũng không hay.

Theo ông Léo, mỗi năm có vài 3 vụ nhảy cầu tại con sông này, nhưng đa số đều được ông và gia đình ông cứu sống. Chưa tính có nhiều vụ người chết vì đuối nước trôi dạt trên sông này ông cũng là người lặn tìm và vớt thi thể họ lên bờ.

Ông Léo kể: “Cách đây một năm lúc ông và vợ ông là bà Huỳnh Thị Lới đang ngủ trên ghe nhà. Vào khoảng hơn 12h khuya ông và vợ bật dậy vì nghe tiếng động lạ, tiếng chó sủa râm ran, bằng kinh nghiệm nhiều năm sống tại đây ông biết ngay là có chuyện không lành. Hai vợ chồng ông vội bật đèn pin dọi ra phía giữa lòng sông thấy một cậu thanh niên bị nước cuốn đi đang vùng vẫy, ngụp lặn, ông và vợ hối hả chèo ghe ra giữa dòng tiến về phía cậu thanh niên đó”.

 Anh Ngô Văn Phương - con trai ông Léo vẫn theo ông gắn bó trên dòng sông này và vẫn tiếp tục nghiệp cứu người cùng cha.
Anh Ngô Văn Phương - con trai ông Léo vẫn theo ông gắn bó trên dòng sông này và vẫn tiếp tục nghiệp cứu người cùng cha.

Ông Léo nói, lúc đó là mùa mưa nước sông dâng cao, dòng nước chảy quá xiết cuốn cậu thanh niên đó càng lúc càng ra xa, bức quá vì cứu người đuối nước còn hơn cứu lửa, ông đã lao nhanh người xuống dòng nước cố gắng bơi nhanh về phía cậu ấy, sau hơn 10 phút vật lộn ông mới đưa được cậu ta vào đến bờ.

Cậu thanh niên đó mặc dù đã uống no nước nhưng vẫn cố nói sao lại cứu cháu làm gì. Lúc đó ông và vợ ông đã từ từ khuyên nhủ rằng có chuyện gì cũng đừng dại dột mà nghĩ quẩn thế. Nếu cháu chết đi thì chỉ để lại đau thương cho gia đình cháu, ơn sinh thành nuôi dưỡng của ba mẹ không phải để cháu làm như vậy. Lúc đó cậu ta bật khóc quá trời rồi một hồi sau mới bình tỉnh lại.

“Hay có trường hợp 3 cậu bé ham chơi trượt ngã xuống sông, dòng nước cuốn mỗi đứa mỗi nơi, khi ông nhìn thấy đã chèo nhanh ghe về phía chúng. Cứu được hai đứa ông tưởng chừng không thể cứu được đứa cuối cùng nhưng vẫn cố bơi ra đưa đứa trẻ vào bờ. Khi cứu được cả 3 đứa trẻ ông cũng mệt đuối hết sức và phải ngồi nghỉ mấy tiếng đồng hồ mới đứng dậy đi được” ông Léo nhớ lại.

Trải qua mấy chục năm như vậy ông Léo đã không còn nhớ mình đã từng cứu sống được bao nhiêu người nữa. Có người vì một phút suy nghĩ dại dột được ông cứu sống sau đó mang ơn ông và nhận ông làm cha nuôi, còn có gia đình, bố mẹ của những nạn nhân được ông vớt thi thể lên bờ lại kính trọng coi ông như người trong nhà của họ.

Ông Léo suy nghĩ rằng, mình cứu người, vớt người không vì mục đích để họ trả ơn hay đền đáp gì cả, mà dù có đền đáp ông cũng chưa từng nhận bất cứ gì từ những người mà ông từng cứu sống. Chỉ là vì cái nghiệp từ cha ông đã làm như vậy rồi đến ông và kể cả bây giờ con trai ông là anh Ngô Văn Phương nhiều năm nay vẫn được ông nhắc nhở và theo ông thực hiện điều đó.

Bây giờ không ai qua sông bằng đò nữa vì đã có cầu, nhưng ông vẫn gắn bó với con sông này, dưới gầm cầu này. Khi người nhà nạn nhân đến đây để cầu siêu, thả đèn hoa, phóng sinh, thuê ông thì ông chở. Và khi vẫn còn gắn bó trên dòng sông này ông hay con trai ông vẫn vậy, thấy người gặp nạn thì ông vẫn sẽ cứu.

Bà Phan Thị Trường ( trú ở phường Hòa Thọ Đông) trồng rau xanh bên chân cầu Cẩm Lệ bộc bạch: “Gia đình ông Léo đã ở đây vài chục năm nay, và chính ông ấy đã cứu vớt không biết bao nhiêu mạng người có ý định tự tử khi nhảy xuống cây cầu này. Cha ông ấy trước đây cũng cứu người như thế, bây giờ vợ và con trai ông Léo vẫn làm như vậy, vì thế mà chúng tôi thường gọi gia đình ông Léo là gia đình 3 thế hệ cứu người trên sông, cướp miếng ăn trước miệng Hà Bá”.

Chí Lê