Dự án nuôi gà công nghệ cao giúp vùng quê nghèo phát triển
(Dân trí) - Dự án nuôi gà công nghệ cao Mebi Farm của Tập đoàn Mebi Group góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.
Khu chăn nuôi gà đẻ trứng công nghệ cao theo tiêu chuẩn Nhật Bản nằm trong Nông trại đô thị sinh thái Mebi Farm có diện tích hơn 70 hecta, nuôi 1,2 triệu gà đẻ trứng và 400.000 gà hậu bị được chia làm 2 giai đoạn. Nông trại được đầu tư cơ sở hạ tầng bao gồm nhà gà hậu bị, nhà gà đẻ, hệ thống xử lý nước bao gồm nước thải và nước uống, hệ thống xử lý phân, xử lý không khí, hệ thống thu gom và đóng gói trứng, trạm trộn cám, hệ thống điện năng lượng tái tạo…
Mục tiêu của dự án là sản xuất ra những quả trứng gà thơm ngon, bổ dưỡng, an toàn, đồng bộ và truy xuất nguồn gốc. Do đó, thiết kế đảm bảo theo đường đi một chiều để an toàn sinh học và trang thiết bị, hệ thống chăn nuôi đồng bộ để quả trứng số 1 đến số một triệu có chất lượng được kiểm soát như nhau, nhờ đó, giúp trang trại Mebi Farm đạt các tiêu chí an toàn sinh học, tuần hoàn và khép kín.
Phá vỡ vòng lặp tìm việc quanh năm
Tân Thắng vốn là vùng đất khá cằn cỗi vì giáp biển, chủ yếu là đất cát. Người dân chủ yếu dựa vào nghề sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, trồng rừng nhỏ lẻ.
Trước đây, gia đình anh Nguyễn Văn Công, chị Nguyễn Thị Hiên thuộc diện khó khăn của xã. Vì chăm lo cho hai con còn đang trong độ tuổi đến trường, với công việc chăm sóc cây cảnh theo dự án, nhiều khi dự án hoàn thành, chị lại phải tìm công việc mới. Vòng lặp cứ thế trôi qua cho đến khi Mebi Farm được khởi công xây dựng ở xã nhà, giúp chị Hiên tìm được công việc đủ trang trải cuộc sống.
Ngoài chị Hiên, nhiều công nhân ở đây chia sẻ niềm vui khi dự án khởi công xây dựng, đem đến cho người lao động địa phương nguồn thu nhập ổn định.
Ông Lê Trọng Quốc - Trưởng ban quản lý dự án Mebi Farm - cho biết khi đi vào hoạt động, Mebi Farm cần khoảng 120 nhân sự lao động phổ thông ở vòng ngoài. Những người này thực hiện nhiệm vụ chăm sóc cây cảnh, rau sạch.
"Khi tuyển dụng nhân sự, chúng tôi ưu tiên tuyển dụng nhân sự tại địa phương. Ngoài việc chi trả tiền lương đều đặn, đầy đủ, chúng tôi mong muốn cho người dân tiếp cận được quy trình chăn nuôi sạch, bền vững theo chuẩn quốc tế", ông Quốc cho hay. Cũng theo vị này, dự án khi đi vào hoạt động sẽ tuyển lượng lớn công nhân kỹ thuật cao để đào tạo và vận hành.
Niềm vui lớn nhờ con đường
Buôn bán trên con đường dẫn lối vào Mebi Farm được 20 năm nay, bà Đậu Thị Màu cho biết đường số 6, đoạn từ quốc lộ 55 đến công trình Mebi Farm khi chưa xây dựng thường lầy lội, khó di chuyển. "Đường trước kia rất khó đi, sình lầy làm người dân té liên tục. Tôi buôn bán ở đây cũng ế ẩm, lấy hàng hóa khá khó khăn, phải ra tận ngoài xã chở về", bà Màu kể.
Khi quyết định đặt khu nuôi gà công nghệ cao ở đây, ban giám đốc Mebi Farm đã hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng công trình đường số 6, thôn Hàm Thắng, xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân đoạn từ quốc lộ 55 đến công trình Mebi Farm dưới sự đồng hành của UBND xã Tân Thắng. Đường bê tông có tổng chiều dài hơn 2,5km, rộng 6m được chia làm 2 giai đoạn đầu tư.
Giai đoạn 1 đường dân sinh hoán đổi Mebi Farm có tổng chiều dài 1.031m, là đường Mebi Farm đầu tư 100% kinh phí để xây dựng với trị giá 3,2 tỷ đồng. Ở giai đoạn 2, Mebi Farm tiếp tục đồng hành cùng địa phương đóng góp hơn 1,5 tỷ đồng để xây dựng tiếp 1,6 km và nâng cấp mở rộng mặt đường. Đường dân sinh một mặt hỗ trợ cho người dân trong vùng xung quanh dự án thuận lợi trong việc đi lại và phát triển kinh tế hộ gia đình, mặt khác làm cơ sở hạ tầng giao thông bền vững kết nối các khu vực chức năng quan trọng của dự án.
Con đường đi vào hoạt động là bước ngoặt cho người dân trong khu vực, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao hơn "Tối lại có nhiều người đi ra đường để tập thể dục, nói chuyện với nhau vui lắm", ông Trần Văn Đạt, một người dân tại đây, cho hay.
"Trước kia, người dân đi lại rất khó khăn. Nhưng sau khi con đường được đưa vào vận hành, người dân rất phấn khởi", ông Nguyễn Thanh Trường, Bí thư Đảng ủy xã Tân Thắng chia sẻ.