Dự án Hòa nhập người khuyết tật họp sơ kết 6 tháng đầu hoạt động
(Dân trí) - Ngày 4-5/8, tại thành phố Hội An (Quảng Nam) diễn ra cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm và chia sẻ kinh nghiệm Dự án "Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam" (dự án Hòa nhập).
Dự án do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) là Chủ dự án.
Đồng chủ trì sự kiện là ông Trần Đức Hùng, Phó Tổng Giám đốc NACCET - Trưởng Ban quản lý dự án và Bà Cris Fentross, Quyền Phó Giám đốc USAID Việt Nam - cùng đại diện lãnh đạo của 3 nhà thầu quản lý dự án Hòa nhập, gồm Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP), Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Y tế cộng đồng (CCRD).
Tham dự sự kiện này, Đại diện các cơ quan chính phủ và các đối tác của USAID có ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế; Ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc Hội; đại diện Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật và một số Liên hiệp Hội/Hội hoạt động trong lĩnh vực có liên quan đến người khuyết tật. Đại diện các địa phương thụ hưởng dự án có các Sở/ban/ngành liên quan thuộc 8 tỉnh tham gia dự án, gồm: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Kon-Tum, Tây Ninh, Bình Phước và Đồng Nai. Đại diện tỉnh Quảng Nam có sự tham dự của ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân dân tỉnh.
Cuộc họp được tổ chức nhằm đánh giá kết quả bước đầu đã đạt được của dự án cũng như lập kế hoạch 6 tháng cuối năm 2022 và chuẩn bị lập kế hoạch cho giai đoạn 2 (từ 2023-2026), đồng thời cùng nhau chia sẻ các bài học kinh nghiệm, các mô hình dự án có kết quả tốt, tiềm năng với các đối tác triển khai chương trình hỗ trợ người khuyết tật nói chung của USAID.
Phát biểu khai mạc tại sự kiện, ông Trần Đức Hùng - Phó Tổng giám đốc NACCET - Trưởng ban quản lý Dự án" đánh giá: "Dự án đánh dấu 1 bước tiến lớn của Hoa Kỳ trong việc thực hiện các nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh để lại tại Việt Nam, dự án có tính nhân văn nhân đạo sâu sắc góp phần hàn gắn vết thương, khép lại quá khứ, cùng hướng đến tương lai hợp tác và thịnh vượng".
Tại Hội nghị, khoảng 200 đại biểu tham dự đã chia sẻ và thảo luận về các thông tin liên quan đến những kết quả sơ bộ của dự án trong giai đoạn 1 (từ tháng 10/2021 đến tháng 6/2022).
Trong 6 tháng đầu, đối tượng thụ hưởng của Dự án từ TW tới địa phương đã được hỗ trợ trên cả 4 mục tiêu: Củng cố và phát triển nguồn nhân lực phục hồi chức năng cho các địa phương tham gia dự án; cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng có chất lượng cho người khuyết tật; cung cấp các thiết bị, dụng cụ trợ giúp và chăm sóc cho người khuyết tật tại cộng đồng; phát triển câu lạc bộ/nhóm người khuyết tật và kết nối việc làm cho người khuyết tật.
Trên cơ sở những kết quả đạt được bước đầu, các đại biểu đã cùng thảo luận về những giải pháp kỹ thuật, công tác quản lý và đề xuất kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo của dự án.
Trong các phiên thảo luận, các đại biểu tham dự đều được các nhà chuyên môn có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan, hỗ trợ và dẫn dắt các nội dung kỹ thuật để việc thảo luận đạt được chất lượng tốt nhất.
Tham gia cuộc họp, các đại biểu đã cùng đóng góp ý kiến về lộ trình sửa đổi một số nội dung và điều khoản của Luật Người khuyết tật và Chiến lược quốc gia về Phục hồi chức năng. Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự cũng chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng đa chuyên ngành; hòa nhập với người khuyết tật; hỗ trợ sinh kế; hỗ trợ tâm lý; chăm sóc người khuyết tật tại nhà và tại cơ sở khám chữa bệnh.