TP.HCM:
Đón tết tha hương, gửi nỗi niềm trên “cây điều ước”
(Dân trí) - Quanh năm làm việc vất vả, chắt chiu từng đồng nhưng gánh nặng mưu sinh vẫn khiến nhiều người không thể về quê sum họp dịp tết. Nỗi nhớ quê hương, nhớ mái ấm gia đình cào xé họ, những nỗi niềm ấy được gói gọn gửi vào “cây điều ước”.
Lặng nhìn bức ảnh con thơ ở quê, chị Nguyễn Thị Hiền (26 tuổi, quê Thái Bình, công nhân KCN Tân Bình, quận Tân Bình, TP.HCM) rơm rớm nước mắt, vậy là Tết năm nay chị không thể về với con, đứa con gái của chị Hiền giờ cũng vừa tròn 5 tuổi. Đây là cái Tết thứ 2 chị xa con nhỏ, vài món quà chị đã chuẩn bị sẵn, gói ghém cẩn thận gửi người cùng quê đem về cho con dịp Tết.
Chị Hiền tâm sự, chị cùng chồng rời quê Thái Bình vào Nam làm công nhân đã 7 năm, trong 7 năm đó, chị đã lặng lẽ đón 4 cái Tết xa nhà. “Những ngày cận Tết, không đêm nào nào tôi không nhớ về con, nhớ về căn nhà mái ngói nhỏ nằm nép mình bên cánh đồng. Muốn về quê đón Tết với con, với mọi người trong gia đình nhưng điều kiện không cho phép. Ngoài quê bây giờ đang lạnh lắm, không biết con tôi có chịu được không, nó sống thiếu hơi ấm của mẹ ngay từ nhỏ…”, chị Hiền nghẹn ngào.
“Mấy hôm trước, tôi được mấy đứa em trong khu trọ rủ lên nhà văn hóa Thanh Niên xem ca nhạc miễn phí. Ở đó tôi phát hiện rất nhiều người tụ tập quanh một cái cây gọi là cây điều ước. Tôi cũng viết ước mơ của mình lên tấm thiệp trên đó, với tôi được về quê với con dịp Tết là điều mong muốn nhất”, chị Hiền tâm sự.
“Cây điều ước” nằm trong khuôn viên nhà văn hóa Thanh Niên (quận 1) mấy ngày qua được khá nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ tìm đến viết lên những nguyện vọng, tâm tư của mình. Với nhiều người, “cây điều ước” như một điều mới mẻ, nét độc đáo trong không khí xuân năm nay, họ tìm đến để chụp ảnh lưu niệm, để tìm cảm giác mới. Tuy nhiên, với những người đón Tết tha hương thì “cây điều ước” như một nơi để gửi gắm nỗi niềm, tâm tư, gửi gắm nỗi cực nhọc sau một năm nặng gánh mưu sinh nhưng vẫn không thể sum họp cùng gia đình.
Đứng nép mình bên “cây điều ước”, Lê Thị Hải Y. (22 tuổi, quê Quảng Ngãi) cho biết, Y. đang làm việc tại một công ty ở quận Thủ Đức, năm nay công ty làm ăn thua lỗ nên chưa trả lương và không có thưởng Tết. “Họ hứa ra Tết khi vượt qua khó khăn sẽ bù đắp lại cho mọi người. Rất nhiều người làm cùng với em đã không thể về quê đón Tết cùng gia đình. Đây là năm đầu tiên ăn Tết trong này, điều ước của em treo trên cây chỉ đơn giản là công ty sớm thực hiện lời hứa để em được về thăm bố mẹ, bố mẹ già rồi, Tết đến mọi người rất mong em về”.
“Cây điều ước” tại nhà văn hóa Thanh Niên còn là nơi gửi gắm điều ước của nhiều bạn sinh viên không có điều kiện về quê đoàn tụ cùng gia đình dịp Tết. Những điều ước giản dị, mộc mạc, “đậm chất” sinh viên được thể hiện như: “Ước có một việc làm thêm dịp Tết”, “Ước được ngủ với mẹ một đêm”, “Ước được ăn bánh trưng mẹ gói”, “Ước được dọn nhà cùng cha”…những điều ước ấy rất gần gũi và rất chân thực. Có lẽ bất cứ ai trong chúng ta cũng từng trải qua và luôn mong muốn được lập lại khi mùa xuân về.
Bên cạnh nhiều hoàn cảnh không có điều kiện về quê đón Tết, Dịp Tết Bính Thân 2016, Thành đoàn TP HCM sẽ hỗ trợ khoảng 3.500 vé xe miễn phí cho sinh viên, công nhân có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết. Theo đó, Thành đoàn sẽ vận động kinh phí hỗ trợ 2.500 vé xe cho sinh viên nghèo vượt khó ở các tỉnh xa đang học tập tại các trường ĐH - CĐ trong TP HCM. 1000 vé còn lại sẽ tặng cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn, chưa có dịp về quê ăn Tết cùng gia đình.
Cũng nằm trong các hoạt động dịp Tết, Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên TP.HCM còn chuẩn bị hơn 6.500 đầu việc làm thêm dịp Tết và đã giới thiệu cho gần 5.400 bạn có nhu cầu làm thêm dịp tết Bính Thân 2016.
Trung Kiên