Đôi vợ chồng lệch nhau 43 tuổi nên duyên từ chuyện tình "bác cháu" ở Hà Nam giờ ra sao?

(Dân trí) - Sau 8 năm hôn nhân, cặp vợ chồng lệch nhau 43 tuổi ở Hà Nam đã có 3 mặt con. Cuộc sống vất vả khi không có việc làm, con nhỏ chồng lại đau ốm khiến người vợ trẻ không tránh khỏi cảm giác mệt mỏi, muốn buông xuôi…

Câu chuyện tình yêu của ông Ngô Thanh Học (78 tuổi) và chị Nguyễn Thị Bích (35 tuổi) ở xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục (Hà Nam) được xem là kỳ lạ, hiếm gặp.

Thời điểm làm đám cưới, chị Bích mới bước sang tuổi 29 còn ông Học đã 70 tuổi. Vượt qua bao dị nghị, dèm pha đến nay sau 8 năm chung sống, cặp đôi lệch tuổi này đã có với nhau 3 người con (2 gái, 1 trai), trong đó, hai người con đầu sinh đôi vừa tròn 5 tuổi, người con gái út mới lên 2 tuổi.

Căn nhà cấp 4 của đôi vợ chồng lệch tuổi ở Hà Nam được bà con trong thôn giúp đỡ xây dựng
Căn nhà cấp 4 của đôi vợ chồng lệch tuổi ở Hà Nam được bà con trong thôn giúp đỡ xây dựng

Cuộc sống vất vả của đôi vợ chồng lệch tuổi

Căn nhà cấp 4 của đôi vợ chồng ông Học, chị Bích được bà con trong thôn giúp đỡ xây dựng cách đây vài năm. Trong nhà tuềnh toàng gần như không có đồ vật gì giá trị, quần áo đồ đạc trẻ con ngổn ngang bày la liệt khắp mọi nơi.

Thấy khách đến, người đàn ông gần 80 tuổi, cúi lom khom vội gọi vợ về tiếp chuyện. Chừng vài phút sau, chị Bích tất tả bế hai người con trở về. Người phụ nữ có khuôn mặt còn khá trẻ, nhưng khắc khổ, đôi mắt đượm buồn liên tục bật khóc khi kể về chuyện gia đình.

Ông Học - người chồng trong câu chuyện tình yêu đặc biệt đã bước sang tuổi 80 ngậm ngùi chia sẻ về hoàn cảnh gia đình.
Ông Học - người chồng trong câu chuyện tình yêu đặc biệt đã bước sang tuổi 80 ngậm ngùi chia sẻ về hoàn cảnh gia đình.

Chị Bích tâm sự, ông Học – chồng chị năm nay đã gần 80 tuổi, tóc bạc, chân yếu và sức khỏe không được tốt nên thường xuyên đi viện. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều do một tay chị xoay sở, gánh vác. “Niềm vui mỗi ngày của tôi giờ là con cái, con khỏe thì mẹ khỏe mẹ vui. Con ốm, thì mẹ con lại từ đưa nhau lên viện. Đứa bé ốm, đứa lớn cũng phải theo lên vì không ai trông, cực khổ vô cùng”, chị Bích rơm rớm nói.

Người phụ nữ này cho biết, ông Học tuổi cao, già yếu nên không thể làm được việc gì để kiếm tiền. Tất cả chi tiêu trong gia đình đều trông vào khoản lương chế độ 1,6 triệu của ông Học. Trong đó 1 triệu là tiền đóng học cố định cho hai người con đầu, còn lại bao nhiêu là tiền ăn, sinh hoạt của 5 người trong gia đình.

Trước đây, chị Bích còn tranh thủ thỉnh thoảng đi nhặt ve chai, kiếm đồng ra đồng vào nhưng gần đây, con cái đau ốm liên tục nên gần như chị có thời gian rảnh. Cuộc sống vốn khó khăn lại càng thêm eo hẹp. Cũng may là người dân trong thôn thương tình thường xuyên ủng hộ quần áo, gạo sữa cho mấy đứa nhỏ nên cả gia đình cũng tạm đủ chắp vá, đắp đổi qua ngày.

Căn nhà tuềnh toàng, những đứa trẻ vô tư chơi đùa trên sàn xi măng
Căn nhà tuềnh toàng, những đứa trẻ vô tư chơi đùa trên sàn xi măng

Mối lương duyên đặc biệt

Kể về mối lương duyên đặc biệt của mình, chị Bích trầm ngâm, giọng đứt quãng cho biết đó là “duyên số”. Sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mất sớm, mẹ tàn tật bản thân chị Bích cũng bị dị tật ở chân nên không làm được việc nặng. Hai mẹ con chị sống nương tựa vào nhau và chủ yếu trông chờ vào khoản trợ cấp 300 nghìn tiền khuyết tật của người mẹ.

Dù sống cùng thôn nhưng ban đầu chị Bích và ông Học không hề biết nhau. “Lúc ông ấy đi lính thì tôi còn chưa sinh ra, đến khi ông ấy về làng thì tôi lại đi làm ăn xa. Mãi đến sau này, khi mẹ tôi đau ốm, bệnh tật tôi mới về ở hẳn quê để chăm sóc thì mới có cơ hội nói chuyện nhiều”, chị Bích kể.

Theo chị Bích, hoàn cảnh của ông Học cũng rất khó khăn. Trước đây, người đàn ông này từng tham gia chiến trường Quảng Bình, Quảng Trị sau đó lang bạt khắc các tỉnh ở phía Nam. Những năm 1990, ông Học trở về quê nhà và sống trong căn nhà lá lụp xụp do bố mẹ để lại. Tuổi đã cao, gia cảnh lại nghèo khó nên không có người phụ nữ nào để ý tới. Hàng ngày, ông Học đi lượm ve chai và làm thuê thời vụ cho người dân trong làng để mưu sinh.

Ông Học đã già yếu, bước đi khó khăn nên không làm được việc nặng nhọc
Ông Học đã già yếu, bước đi khó khăn nên không làm được việc nặng nhọc

Ban đầu, thấy ông Học tuổi đã cao, lại thường xuyên đau ốm, bệnh tật, không ai chăm sóc chị Bích đem lòng thương. Mỗi lúc rảnh rỗi, chị lại sang chơi, hỏi thăm hoặc phụ giúp ông những công việc lặt vặt. Thời điểm đó, chị Bích vẫn gọi ông Học là “bác, xưng cháu”.

“Tôi bắt đầu để ý ông ấy từ hôm ông ấy trổ tài xem tướng. Khi tôi nhờ xem giúp đường tình duyên, ông Học bảo tôi sắp gặp được người gắn bó cả đời. Lúc đó tôi đã 29 tuổi, con gái tầm tuổi đó ở quê được xếp vào dạng ế, “quá lứa, lỡ thì”, nên tôi chợt nghĩ thôi thì chẳng cần tìm đâu xa chi bằng tìm ngay người bên cạnh là ông ấy”, chị Bích kể.

Sau ngày hôm đó, cả hai để ý, quan tâm đến nhau hơn. Có món gì ngon, chị Bích cũng nấu và mang cho ông Học, khi thì bát canh cua, lúc khúc cá kho. Về phần mình, tình cảm của ông Học dành cho chị cũng lớn dần lên. Được một thời gian, chị Bích là người chủ động đề nghị: “Hay là bác cưới em”. Ông Học lúc đầu cũng ngỡ ngàng không tin nhưng sau đó thấy tấm chân tình của chị Bích nên đồng ý.

Cuộc sống vất vả của chị Bích và ông Học
Cuộc sống vất vả của chị Bích và ông Học

Biết chuyện họ hàng hai bên ra sức phản đối. Mẹ chị Bích ôm con, vừa khóc vừa nói: “Mày có tý tuổi đi lấy người già như thế thì sau này mọi gánh nặng đều đến tay thôi, khổ lắm con ạ”. Chị Bích cho biết, bản thân chị lúc đó không nghĩ ngợi quá nhiều mà chỉ nghĩ đơn giản: “rổ giá cạp lại”, nếu không ở được với nhau thì cũng có mụn con để nương tựa sau này.

Đến tháng 8/2010 cả hai chính thức đăng ký kết hôn và về chung một nhà. Ông Học dành dụm được 20 triệu tổ chức cỗ cưới ở nhà với khoảng 70 khách mời. Đám cưới của ông Học – chị Bích thời điểm đó, gây xôn xao cả một vùng quê yên bình. Bên cạnh những lời chúc phúc cũng không ít lời dị nghị, dèm pha.

Năm 2013, chị Bích mang thai và sinh đôi được một trai, một gái. Hai bé sinh non nên hay ốm vặt. Suốt những năm tháng đó, đôi vợ chồng lệch tuổi thường phải dắt díu lên viện chăm con. Cuộc sống khó khăn, vất vả lại không có việc làm nên họ thường xuyên phải chạy vạy, vay mượn.

Đến năm 2016, chị Bích lỡ mang bầu lần 2, gánh nặng kinh tế càng trở lên nặng trĩu. Người phụ nữ này nghẹn ngào cho biết, chồng chị sức khỏe ngày một kém nên kinh tế và mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều do một tay chị gánh vác, thu xếp. “Mỗi lần đi đẻ, chỉ có tôi và con. Chồng chỉ đạp xe mang cơm lên viện rồi về luôn, không chăm sóc gì được nhiều. Mấy mẹ con cứ thui thủi, tủi thân lắm”, chị Bích bật khóc.

Không có việc làm, chồng lại tuổi cao sức yếu nên cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Chị Bích bảo, bữa cơm gia đình hiếm khi có một bữa tươm tất, chủ yếu là tận dụng vườn nhà có gì thì ăn nấy. Đứa con gái út của chị, đến tuổi ăn dặm nhưng cũng chẳng mấy khi biết đến mùi thịt, cá. Bữa ăn là cháo trắng nấu mỡ, họa hoằn lắm mới có chút xương hầm cùng.

Trong cuộc trò chuyện với PV, người phụ nữ 35 tuổi liên tục cúi mặt, giọng nghẹn ngào. Chị thừa nhận bản thân đã không lường trước được những khó khăn, vất vả khi lấy chồng lệch tuổi. Giờ mong mỏi lớn nhất của người phụ nữ này là con cái khỏe mạnh, ngoan ngoãn để chị có thời gian đi làm thuê, kiếm thêm đồng ra, đồng vào.

Hà Trang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm