Gia Lai

Đời "phu chè" nhọc nhằn bên những gốc chè cổ thụ

(Dân trí) - Thấp thoáng dưới tán rừng thông cổ thụ là bạt ngàn những đồi chè Biển Hồ (xã Nghĩa Hưng, Chư Păh, Gia Lai). Có lẽ tuổi của những gốc chè cổ thụ trên đại ngàn cao nguyên này cũng sánh ngang với tuổi đời của người dân nơi đây.

Những “phu chè” của thế kỉ 20

Nằm bên ngọn núi lửa Chư Đăng Ya và dưới tán thông trăm tuổi là bạt ngàn những đồi chè Biển Hồ. Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi về thăm lại những “phu chè” đã gắn cuộc đời mình với những cây chè trăm tuổi nơi đây.

Tâm sự của những "phu chè" Biển Hồ

Đã gần cái tuổi 70, nhưng đôi tay bà Trịnh Thị Sen (thôn 2, Nghĩa Hưng, Chư Păh) vẫn nhanh “thoăn thoắt” hái những đọt chè còn sương sớm. Uống ngụm nước chè mới om, bà Sen dõi mắt về hướng những đồi chè cổ thụ để nhớ thuở sơ khai khi Thực dân Pháp lên lập ấp, xây dựng đồn điền.

Dù đã đến cái tuổi 70 nhưng bà Sen vẫn cần mẫn với nghiệp phu chè
Dù đã đến cái tuổi 70 nhưng bà Sen vẫn cần mẫn với nghiệp "phu chè"

Bà Sen kể lại, từ năm 1942 khi đó Tây Nguyên còn là một vùng hoang vu, thú rừng còn sống cạnh người. Lúc ấy, người Pháp đã lập nên những đồn điền chè và kêu gọi những người dân ở các khu vực lân cận như Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên lên làm phu chè cho họ.

Làng tôi thời ấy có khoảng 100 người nhưng phải hái đến 3.000ha. Cuộc sống khó khăn lắm, mọi người phải sống trong những căn nhà chưa đầy 40 mét vuông do người Pháp xây sẵn. Mỗi căn nhà chứa được 5-7 công nhân và cả tháng chỉ được nghỉ 4 ngày, còn nữa là hì hục “bán mặt” cho những cây chè. Vì vậy mà vị mồ hôi của đời phu chè cũng đắng theo vị của cây chè nơi đây...”.

Nghề trồng chè đã nuôi lớn bao con người nơi xóm chè Biển Hồ này
Nghề trồng chè đã nuôi lớn bao con người nơi xóm chè Biển Hồ này

“Đến nay, nghề “phu chè” này đã trải qua 3 đời và nó như đã ngấm vào máu của tôi rồi. Rảnh rỗi tôi lại cùng với con cháu ra vườn chè để chỉ cho nó các kinh nghiệm hái nhanh, cách phân loại chè phù hợp. Cháu tôi đi học, buổi cũng ra phụ mẹ hái chè…”, bà Sen tâm sự thêm.

Cụ Phạm Thị Làm (SN 1922, thôn 2, Nghĩa Hưng) đang sống trong căn nhà cũ chưa đầy 40 mét vuông từ hồi thực dân Pháp xây cho công nhân làm đồn điền chè. Trải qua hơn 70 năm, nay nhà bà Làm đã phủ màu rêu phong, mùi ẩm mốc phảng phất...

Rót ly nước chè, cụ chậm rãi nói: “Tôi sinh ra tại huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, sau đó theo ba mẹ di tản lên thị xã An Khê (Gia Lai) và đặt chân lên vùng chè khi tuổi vừa tròn đôi mươi. Cuộc sống vất vả, khó khăn đủ bề. Ban ngày phải lao động hết thời gian để hái chè dưới cái nắng gắt. Ban đêm thì nghe tiếng bom đạn gầm, rú vang trời… Cứ như vậy, đến khoảng 30 năm sau thì các đồn điền tan rã và chúng tôi cũng quay sang làm một số công việc khác mưu sinh. Đến những năm gần đây thì nghề chè mới được khôi phục, phát triển lại.

70 năm sau…

Sau giải phóng, những đồn điền chè này được giao cho Nhà nước quản lý. Vượt qua mọi khó khăn thời bao cấp, các công nhân xưa nay vẫn tiếp tục bám trụ với nghề hái chè.

Những công nhân đầu tiên trên mảnh đất đỏ bazan như bà Lam, bà Sen tuổi cũng xế chiều. Nhưng hàng ngày, các bà vẫn cần mẫn, hăng say hái những đọt chè từ sáng đến chiều tối. Nối nghiệp của cha ông, con cháu cũng nhận khoán thêm những đồi chè để phát triển kinh tế.

Trên rẫy chè trăm tuổi là 3 thế hệ cùng mưu sinh nối nghiệp nhau
Trên rẫy chè trăm tuổi là 3 thế hệ cùng mưu sinh nối nghiệp nhau

Theo chúng tôi quan sát, trên đồi chè trăm tuổi thì có 3 thế hệ cùng nhau hái chè, chị Võ Thị Kim Bông (38 tuổi, con bà Sen) cho hay: “Cái nghề chè này từ đời Pháp rồi, tôi lớn lên đã thấy những cây chè tốt tươi. Năm lên 4 tuổi, tôi đã ngồi trong những chiếc sọt chè và được mẹ gánh lên đồi chè. Những lúc đau bụng, tiêu chảy thì mẹ tôi lại lấy những đọt chè này để chữa cho tôi. Cũng nhờ những đọt chè này đã nuôi tôi khôn lớn đến ngày hôm nay. Vì mẹ tôi già nên đã sang lại vườn chè rộng hơn 1ha để chúng tôi chăm sóc, nối nghiệp mẹ…”.

“Cuộc sống đời chè này khó khăn. Với giá thị trường chỉ khoảng 5-7 triệu đồng/tấn, sau khi trừ các chi phí thì mỗi năm lãi cả nhà được khoảng 50 triệu/năm. Nhưng chúng tôi vẫn bám trụ với cây chè này, coi như một nghề cổ truyền của ông cha…”, chị Bông cho biết thêm.

Đời "phu chè" nhọc nhằn bên những gốc chè cổ thụ - 4

Trên đồi chè còn có em Cao Thị Hiền Vi (15 tuổi, con chị Bông) đang cần mẫn, chăm chỉ tập hái những đọt chè. Em Vi tâm sự: “Tranh thủ sau thời gian đi học con thường đi hái chè giúp gia đình. Cũng nhờ có bà và mẹ chỉ cho cách hái nên ngay từ nhỏ con đã hái rất nhanh. Con cũng biết nghề hái chè là nghề truyền thống của gia đình con. Dù mệt nhưng con vẫn thấy tự hào”.


Những gốc chè đã hơn 70 năm tuổi

Những gốc chè đã hơn 70 năm tuổi

Ông Đỗ Văn Túc, trưởng thôn 2, xã Nghĩa Hưng chia sẻ, hiện giờ thôn chỉ còn 4 căn nhà giữ lại từ thời Pháp thuộc với lối kiến trúc như mái nhà được lợp ngói vảy cá, cửa gỗ, nền gạch... Đời sống kinh tế người dân dần được nâng lên nên cũng thay thế những ngôi nhà theo lối kiến trúc xưa bằng những ngôi nhà khang trang, sạch đẹp.

Thu nhập bình quân đầu người trong thôn 30 triệu đồng/người/năm. Còn cái nghề chè này cũng đã gắn bó với người dân từ rất lâu. Giờ đây con cháu họ lại nối nghiệp, tuy nghề vất vả nhưng đa số ai cũng có ăn. Thôn cũng đã đạt các tiêu chí "thôn nông thôn mới, xã nông thôn mới".

Phạm Hoàng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm