Độc nhất Việt Nam: Dệt lụa từ tơ sen, bán giá đắt như vàng

(Dân trí) - Để làm ra chiếc khăn dài 1,7m phải cần tới 4.800 cuống sen. Một người thợ chăm chỉ, thạo việc một ngày cũng chỉ làm được từ 200-250 cuống. Tính ra để hoàn thiện một chiếc khăn cũng phải mất đến một tháng trời.

Cận cảnh loại lụa “đắt như vàng” được dệt từ tơ sen ở Việt Nam

Không chỉ nổi tiếng và được nhiều người biết đến khi là nghệ nhân nghiên cứu ra phương pháp bắt tằm tự dệt chăn tơ, nghệ nhân Phan Thị Thuận (65 tuổi, Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội) còn là người đầu tiên ở Việt Nam dệt vải từ tơ sen.

Bà Thuận là thế hệ thứ 3 trong gia đình nối nghiệp dệt lụa. Cả tuổi thơ của bà gắn liền với việc chăn tằm, ươm tơ. Lên 6 tuổi, bà đã được bố mẹ dạy nghề và đã thành thạo trong các công đoạn dệt vải.

Trải qua nhiều biến động, thăng trầm của lịch sử, đến nay bà Thuận được xem là một trong số ít những nghệ nhân còn bám trụ với nghề dệt lụa ở Phùng Xá.

Nghệ nhân Phan Thị Thuận đã có gần 60 năm gắn bó với nghề dệt lụa truyền thống
Nghệ nhân Phan Thị Thuận đã có gần 60 năm gắn bó với nghề dệt lụa truyền thống

Trong công xưởng rộng khoảng 500m2, người phụ nữ 65 tuổi vẫn thoăn thoắt đưa thoi dệt vải. Trong đó, nhiều sản phẩm lụa do bà Thuận sản xuất gây được tiếng vang và được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Bà Thuận cho biết cơ duyên đến với nghề dệt vải từ tơ sen rất tình cờ. Năm 2017, trong một lần đại biểu Quốc hội cùng với cán bộ huyện Mỹ Đức tới thăm cơ sở sản xuất, một nữ đại biểu gợi ý bà Thuận thử nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm lụa bằng tơ sen. “Ban đầu tôi thấy rất lạ, tò mò vì chưa nghe thấy sản phẩm này bao giờ. Tuy nhiên khi lên mạng tìm hiểu thì mới biết, việc dệt lụa từ tơ sen khá phổ biến và được ưa chuộng ở Myanmar”, bà Thuận nói.


Không chỉ nối tiếng và được nhiều người biết đến khi là nghệ nhân nghiên cứu ra phương pháp bắt tằm tự dệt chăn tơ, bà Thuận còn là một trong những người Việt đầu tiên dệt vải từ tơ sen.

Không chỉ nối tiếng và được nhiều người biết đến khi là nghệ nhân nghiên cứu ra phương pháp bắt tằm tự dệt chăn tơ, bà Thuận còn là một trong những người Việt đầu tiên dệt vải từ tơ sen.

Sau hôm đó, bà Thuận dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu. Thời điểm đó, bà Thuận tự bỏ tiền túi, đầu tư mua một đám ruộng về trồng sen thử nghiệm. Tuy nhiên, việc lấy sợi tơ sen khó hơn gấp nhiều lần so với tơ tằm truyền thống.

“Sợi tơ sen mảnh, dễ đứt nên phải rất khéo léo, tỉ mẩn mới có thể rút được sợi tơ. Đặc biệt, tất cả các cuống sen phải được xử lý trong vòng 24 tiếng đồng hồ nếu không cuống sẽ bị khô, tơ bị rút sợi, hỏng hoàn toàn”, bà Thuận kể.

Không có kinh nghiệm, ở Việt Nam lại chưa có ai làm nên thời gian đầu bà Thuận liên tục gặp thất bại. Nhiều người cũng khuyên bà, việc làm lụa từ sen là một việc không thể. Để tập trung và tránh bị phân tán, nữ nghệ nhân này phải đóng cửa, ở một mình trong phòng nhiều tháng trời.

Để làm ra chiếc khăn dài 1,7m phải cần tới 4.800 cuống sen
Để làm ra chiếc khăn dài 1,7m phải cần tới 4.800 cuống sen

Tháng 7/2018, bà Thuận tham gia đề tài "Nghiên cứu thử nghiệm mô hình sản xuất sợi tơ từ cuống lá sen" cùng với Viện Kinh tế sinh thái (Bộ Khoa học & Công nghệ). Sau nhiều nỗ lực, sản phẩm lụa từ tơ sen đầu tiên của bà Thuận cùng với các cán bộ của Viện đã thành công.

“Cầm chiếc khăn lụa trên tay, có thể cảm giác rất rõ sự mịn màng, êm của sợi tơ và đặc biệt là sự tinh khiết mà không một loại tơ nào có thể sánh được”, bà Thuận nói.

Tuy nhiên, theo nghệ nhân này, vải tơ sen tuy có đẹp và nhiều ưu điểm song các công đoạn sản xuất thì rất cầu kỳ và hoàn toàn phải làm thủ công. Trong đó, khó nhất là việc lấy sợi tơ từ cuống sen.

Cuống sen sau khi được thu về sẽ phải rửa sạch bùn và gai, cuống càng sạch thì sợi tơ càng trắng đẹp. Để lấy được tơ, nghệ nhân Thuận phải dùng dao khứa xung quanh cuống sen, sau đó dùng tay vặn và kéo tơ, đồng thời vê cho sợi tơ sen tròn lại. Công đoạn này phải diễn ra khéo léo, không cắt quá sâu nếu không sẽ làm đứt luôn sợi tơ bên trong.

Vải tơ sen tuy có đẹp và nhiều ưu điểm song các công đoạn sản xuất thì rất cầu kỳ và hoàn toàn phải làm thủ công
Vải tơ sen tuy có đẹp và nhiều ưu điểm song các công đoạn sản xuất thì rất cầu kỳ và hoàn toàn phải làm thủ công

Để làm ra chiếc khăn dài 1,7m phải cần tới 4.800 cuống sen. Một người thợ chăm chỉ, thạo việc một ngày cũng chỉ làm được từ 200-250 cuống. Tính ra để hoàn thiện một chiếc khăn cũng phải mất đến một tháng trời.

Do những yêu cầu phức tạp và sự kỳ công trong các công đoạn nên giá thành các sản phẩm lụa tơ sen rất cao. Trung bình một chiếc khăn làm từ tơ sen có giá trên thị trường vào khoảng trên 4 triệu đồng, tùy loại.

Cũng vì giá thành đắt nên hiện nay, sản phẩm này chủ yếu được làm theo đơn đặt hàng, hoặc phục vụ các dòng khách cao cấp, khách nước ngoài. Trong năm ngoái, xưởng sản xuất của bà chỉ làm được 12 chiếc khăn lụa tơ sen, người tiêu dùng muốn mua phải đặt trước vài tháng.

Không chỉ thế, khi sen hết mùa, xưởng của nghệ nhân Phan Thị Thuận cũng không thể sản xuất ra loại khăn từ loại tơ đặc biệt này. Vì thế việc dệt lụa từ tơ sen vẫn chỉ là việc làm thời vụ, chưa thể đưa vào sản xuất đại trà, nhân rộng.

“Hiện tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, làm sao để nâng cao chất lượng, rút ngắn các công đoạn sản xuất. Tuy nhiên, đây là việc khó, nên đòi hỏi nhiều thời gian, công sức. Hiện tại chủ yếu tôi mới đang tập trung các sản phẩm lụa tơ tằm bởi loại này giá phải chăng lại không tốn công sức”, bà Thuận nói.

Trên thế giới, Myanmar được xem là nước đầu tiên có nghề dệt vải lụa từ tơ cọng lá và cọng hoa sen. Nghề dệt vải lụa thủ công từ tơ sen của nước này có từ khoảng năm 1910 và khởi nguồn từ ngôi làng KyaingKan (Chaing Kham) – cực nam của hồ Inlay với sản phẩm ban đầu là tấm áo cà sa dâng lên các nhà sư trụ trì trong vùng.

Đánh giá về việc dệt lụa từ tơ sen, PGS.TSKH Nguyễn Duy Chuyên (Viện Kinh Tế Sinh Thái, Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, đây là kết quả bước đầu trong con đường tạo dựng một nghề tơ lụa từ cây sen. “Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục ủng hộ để nghề mới phát triển thành một làng nghề cho những vùng đất ngập nước của Việt Nam”, ông Chuyên nói.

Hà Trang - Trọng Trinh