Bình Định:
Độc đáo những con "tôm hùm" làm từ... tre trông thật đến ngỡ ngàng
(Dân trí) - Từ những thanh tre thô kệch, nhưng qua bàn tay tài hoa của cụ Nguyễn Minh Châu (91 tuổi, Bình Định) đã cho ra đời những con tôm hùm tre giống y như thật được bán với giá từ 350 nghìn đến 1 triệu đồng.
Độc, lạ và giống y tôm thật
Nhà cụ Châu ở trên đường Ngô Gia Tự (phường Bình Định, thị xã An Nhơn), điều đặc biệt trên các vách tường trong nhà được treo những con tôm hùm “khổng lồ” bằng tre nhưng giống như thật đang ngoe nguẩy rất sống động.
Theo cụ Châu, thời trẻ cụ rất mê hội họa và nổi tiếng khéo tay nhất làng. Ngoài làm nông, cụ Châu còn làm thêm nghề đắp tranh nổi để mưu sinh. Tuy nhiên, nghề này dần bị mai một vì khách hàng không còn. Sau này, cụ lại chuyển qua làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như tôm tre, rồng tre, cua tre...
Sau nhiều thời gian mày mò, năm 1985, những con tôm hùm bằng tre đầu tiên của cụ Châu ra đời. Ban đầu, cụ Châu chỉ làm tôm to bằng ngón tay. Thân tôm làm bằng tre được hơ lửa ngả màu vàng, chứ không sơn phết, trông rất thô nên sản phẩm chẳng hút khách mua.
Không bỏ cuộc, cụ Châu tiếp tục mày mò, sau đó cho ra đời những con tôm hùm bằng tre to hơn, được sơn phết màu sắc giống y như tôm hùm thật. “Chú xem vỏ tôm hùm thật với tôm hùm bằng tre tôi làm xem con tôm nào là tôm hùm thật hơn, màu sắc con nào đẹp…”, cụ Châu hài hước.
Theo cụ Châu, để làm ra những tôm tre giống như thật, ban đầu cụ phải quan sát rất kỹ con tôm hùm thật. Thậm chí, cụ còn mua vỏ tôm hùm về để xem cấu tạo nó ra sao và đối chiếu với sản phẩm mình làm ra. Và phải mất hàng chục năm, cụ Châu mới có thể hoàn thiện được con tôm tre như bây giờ.
Tôm hùm tre xuất ngoại
Năm 1987, sản phẩm tôm hùm tre của cụ Châu được giải thưởng thủ công mỹ nghệ toàn quốc tại một hội chợ ở Quảng Ngãi. Bởi, sản phẩm tôm tre của cụ được đánh giá “mới nhất, độc nhất và giống thật nhất”. Từ đó, khách đặt hàng ngày càng nhiều và nghề làm tôm hùm tre trở thành nghề chính của gia đình cụ suốt 35 năm qua.
Theo cụ Châu, phần đầu của tôm hùm tre nhìn phức tạp nhưng được chế tác rất đơn giản, làm bằng gỗ cây bông gòn rất mềm và nhẹ. Sau đó, phủ lên lớp keo, rải thêm lớp cát mịn rồi gắn râu.
Hơn 35 năm làm nghề, cụ Châu cho rằng khó nhất là công đoạn tạo dáng cong cong của thân tôm. Thân tôm được làm bằng những khúc tre tròn, cưa xéo, xếp theo trình tự từ lớn đến nhỏ dần về phía đuôi và được kết nối nhau bằng dây thép.
Phần đuôi là những miếng tre được chẻ rất mỏng… xếp xòe ra. Râu tôm được làm bằng dây chuối quấn vào sợi thép để dễ ngoe nguẩy, tạo nét sinh động bề ngoài cho con tôm.
Để tôm tre không bị mối mọt tấn công, thì cây tre nguyên liệu sau khi chặt về phải ngâm liên tục trong 6 tháng dưới ao bùn. Sau đó, vớt lên phơi thật khô và có “bí kíp” riêng để tăng tuổi thọ cho tôm tre.
Theo cụ Châu, hiện cơ sở sản xuất tôm tre của gia đình cụ có 6 lao động, gồm: vợ chồng cụ Châu, vợ chồng anh Nguyễn Phúc Sơn (56 tuổi, con trai cụ Châu) và 2 người cháu họ.
Do tuổi cao nên vợ chồng cụ Châu chủ yếu phụ trách khâu nhẹ nhàng hơn là làm râu tôm. Hai người cháu gái chịu trách nhiệm việc lắp ráp các đốt tre để tạo hình cho con tôm. Những việc còn lại như: cưa đốt tre, sơn màu... đều do vợ chồng anh Sơn làm.
Sản phẩm tôm tre của gia đình cụ Châu được phân thành 3 loại (phân theo kích cỡ), gồm: loại nhỏ nhất có giá 350.000 đồng/con, loại trung bình có giá 400.000 đồng/con, cỡ lớn 1 triệu đồng/con. Bình quân, mỗi tháng gia đình cụ bán được khoảng 200 - 300 con tôm tre, ngày Tết thì số lượng có thể tăng gấp 2-3 lần.
Dù không quảng bá, thậm chí đến cái biển gắn trước nhà cũng không có. Thế nhưng, sản phẩm tôm hùm làm bằng tre của gia đình cụ Châu được nhiều người biết đến. Nhiều khách trong Nam, ngoài Bắc cũng gọi điện đặt hàng. Thậm chí, nhiều Việt kiều cũng rất thích sản phầm này nên đặt hàng để mang qua tận Mỹ để làm quà tặng.
Ngoài ra, hiện nhà cụ Châu còn là một trong những điểm tham quan được nhiều du khách mỗi khi đến thị xã An Nhơn. Bởi vậy, tôm hùm tre trở thành món quà lưu niệm hấp dẫn nhờ sự độc đáo ở miền “đất Võ, trời Văn” Bình Định.
Doãn Công