Độc đáo nhà hàng đến ăn, trả... rác rồi về
(Dân trí) - Nhà hàng mới mở ở Semarang, Indonesia, đang thực hiện chiến dịch giúp đỡ người nghèo có thu nhập dưới 267.000 đồng một tháng bằng cách nhận rác thay tiền.
Căng-tin Khí Mê-tan (Methane Gas Canteen) được điều hành bởi cặp vợ chồng Sarimin và Suyatmi và được dựng lên ở nơi ít ai nghĩ đến: bãi rác Jatibarang.
Người dân sống ở nơi đây thường đến khu đổ thải này để nhặt rác bằng nhựa hoặc kính để đem bán. Sarimin và Suyatmi cũng đã có 40 năm nhặt rác trước khi mở nhà hàng và giờ thì họ luôn bận rộn làm món ăn ngay giữa khu đổ thải này.
Thực khách không cần mang tiền mặt khi đến ăn vì những người nhặt rác nghèo có thể dùng chính chất thải tái chế họ vừa nhặt được để đổi món ăn. Hai vợ chồng sẽ có trách nhiệm cân rác, tính giá trị những gì vừa cân được rồi trừ vào tiền ăn và trả khách tiền thừa.
Đây là một phần của kế hoạch giảm thiểu rác trong khu đổ thải và tái chế rác nhựa của cộng đồng.
"Tôi nghĩ là chúng tôi tái chế được một tấn rác nhựa mỗi ngày, khá là nhiều. Bằng cách này, rác nhựa sẽ không bị dồn ứ lên, rơi xuống sông và gây ngập lụt". Sarimin kể. "Kế hoạch này không chỉ giúp ích người nhặt rác mà có ích cho tất cả mọi người".
Nhà hàng có đủ chỗ cho 30 người cùng lúc và mỗi suất ăn có giá dao động từ 9.000 đến 18.000 đồng. Một số suất ăn có cá, súp rau, cơm và trứng luộc cùng một số món truyền thống khác.
Kể từ sau khi mở nhà hàng, thu nhập của hai vợ chồng đã tăng gấp đôi lên đến 340.000 một ngày. Agus Junaedi, cựu quản lý bãi rác Jatibarang, có ý tưởng mở nhà hàng từ năm 2014 sau khi thị trưởng Semarang là ông Hendrar Prihadi yêu cầu giảm lượng rác thải trong bãi. 40% trong tổng số 800 tấn rác được đổ vào bãi mỗi ngày là nhựa và không thể phân hủy.
Khi đó, giá của rác thải nhựa rất bèo, chỉ khoảng 908 đồng cho một kg. Vậy nên chẳng ai muốn nhặt rác nhựa. "Chúng tôi đã nghĩ, sao không để những người nhặt rác trả tiền ăn bằng rác nhựa?", Agus kể.
Một vụ hỏa hoạn năm 2014 đã phá hủy hơn 4 héc-ta đất và khiến Agus nhận ra rằng khí mê-tan ở bãi rác có thể trở thành một món hàng giá trị. Hiện người dân ở Jatibarang đều có thể dùng khí mê-tan miễn phí.
Agus cho biết: "Chúng tôi muốn thay đổi cái nhìn của mọi người, rằng rác là sản phẩm có giá trị. Hi vọng rằng mọi người sẽ bắt đầu thu thập rác thải để giảm thiểu lượng rác đổ vào bãi mỗi ngày".
"Tôi rất vui khi thấy khách hàng ăn uống vui vẻ", Sarimin kể. "Những người nghèo cũng nên có quyền ăn uống khỏe mạnh và tôi muốn cho họ cơ hội đó càng nhiều càng tốt".
Theo Ngô Vân
Theo OC