Kon Tum:

Độc đáo chợ 10 nghìn đồng "nuôi chữ" của trẻ em vùng cao

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Dọc đèo Măng Rơi (Kon Tum) có một khu chợ đặc biệt mà chủ là các em nhỏ người Xơ Đăng. Những sản vật địa phương được các em vất vả vào rừng hái và bày bán với giá niêm yết là 10 nghìn đồng/túi.

Bắt đầu đi từ dưới chân đèo Măng Rơi (thuộc xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô) lên huyện Tu Mơ Rông, chúng tôi đã bắt gặp những sạp hàng mini được dựng tạm hai bên tuyến đường Quốc lộ 40B.

Chủ sạp hàng là những cô bé, cậu bé khoảng 10 tuổi đang bày bán những sản vật của địa phương như: sắn, khoai lang, rau rừng, măng rừng, bầu, bí… Những mặt hàng này đều được làm sạch và bỏ vào túi nhỏ. Đặc biệt, tất cả mặt hàng này đều được niêm yết giá chỉ 10 nghìn đồng/túi.

Gọi là chợ nhưng thực chất chỉ là những căn chòi lán được dựng tạm bằng tấm phên tre đan vội để che nắng, mưa cho các em ngồi. Những lán này được dựng ngay bên vệ đường và sau lưng là những vách núi cao thăm thẳm.

Độc đáo chợ 10 nghìn đồng nuôi chữ của trẻ em vùng cao - 1

Sau nhiều giờ đồng hồ, hai chị em A Sinh đã bán hết gần chục túi măng rừng.

Theo người dân bản địa, những chợ này thường nhộn nhịp vào mùa hè. Lúc ấy, trẻ em Xơ Đăng thuộc các xã như Đăk Trăm, Văn Lem, Kon Đào.. thường đi vào rừng để hái măng rừng, rau rừng… rồi đến những sạp này để ngồi bán.

Khi chúng tôi vừa dừng ở lưng chừng đèo Măng Rơi đã có những đứa trẻ người Xơ Đăng gọi mời: "Chú ơi mua mì, mua măng về luộc ăn ạ….". Những đứa trẻ xung quanh cũng cười và cất tiếng mời gọi trong ánh mắt hồn nhiên.

Độc đáo chợ 10 nghìn đồng nuôi chữ của trẻ em vùng cao - 2

Số tiền kiếm được, hai chị em dành tiết kiệm để mua quần áo mới cho những ngày học đang cận kề.

Có mặt từ rất sớm, cậu bé Y Sin (10 tuổi, thôn Kơ Xia, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô) đã dẫn theo em trai mình là A Khương (8 tuổi) đến chợ để bán khoảng 10 túi củ sắn, 5 bó rau rừng và vài trái bí, bầu, dứa… Những thứ này đều được chia sẵn ở nhà trước theo đúng 10 nghìn đồng/túi.

Y Sin nói: "Từ sớm, hai anh em cháu đã ra vườn đào sắn, hái rau trong vườn rồi gùi khoảng 3 km lên chỗ này bán. Mỗi ngày thu về được khoảng từ 80 - 100 nghìn đồng. Số tiền này, chị em cháu sẽ bỏ tiết kiệm vào heo đất để mua sách vở, quần áo mới khi đến trường học".

Độc đáo chợ 10 nghìn đồng nuôi chữ của trẻ em vùng cao - 3

Những sản vật này đều được các em dậy từ rất sớm và cùng chúng bạn lên rừng để hái về bán.

Tương tự, em Y Mây (9 tuổi, thôn Kơ Xia, xã Đăk Trăm) chia sẻ: "Sáng sớm, em cùng cả nhà lên rẫy. Bố mẹ thì đi làm cỏ sắn còn em cùng các bạn đi hái nấm, măng và rau rừng rồi đi bộ xuống những lán này để bán. Có hôm em bán được 50 nghìn đồng, cũng có lúc bán được cả tiền trăm nghìn, dành dụm mua sách vở" 

Dọc theo tuyến đường, chúng tôi đã bắt gặp Y Lanh (15 tuổi, xã Văn Lem, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) đang gùi rất nhiều rau rừng từ trên đỉnh núi xuống con đường chính.

Độc đáo chợ 10 nghìn đồng nuôi chữ của trẻ em vùng cao - 4

Khu chợ 10 nghìn đồng này nằm trên đỉnh đèo Măng Rơi và chạy dọc tuyến đường Quốc lộ 40B.

Y Lanh ngại ngùng nói: "Nhà  em có 7 anh em, Y Lanh lớn rồi nên nhường cái chữ cho em nhỏ đi học. Thường buổi sáng em lên rẫy giúp bố mẹ đi cỏ rồi gùi rau rừng về bán lúc xế chiều. Mỗi ngày cũng bán được vài trăm nghìn và em đã đưa cho bố mẹ mua đồ ăn cho cả gia đình. Em cũng muốn đi học lắm mà giờ quên hết cái chữ rồi".

Theo quan sát, những sạp chợ này nằm trên Quốc lộ 40B từ huyện Đăk Tô đi huyện Tu Mơ Rông. Chiều chiều, những cán bộ làm việc ở 2 huyện khi đi qua đều dừng lại để mua ủng hộ các em. Nhiều người còn chụp ảnh, trò chuyện rất vui vẻ.

Độc đáo chợ 10 nghìn đồng nuôi chữ của trẻ em vùng cao - 5

Hàng hóa rất đa dạng, do bà con tự đi hái trong rừng hoặc trồng trên nương rẫy theo lối canh tác truyền thống, không phân bón nên rất sạch.  

Ông Trương Đình Tuệ - Chủ tịch UBND xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô) cho biết: "Khu chợ 10 nghìn đồng này đã tồn tại từ rất lâu. Tận dụng thời gian nghỉ hè, các  em nhỏ của 2 huyện Đăk Tô và Tu Mơ Rông thường vào rừng để hái rau rừng và đưa những thứ mình trồng được ra bán. Khu chợ này cũng tạo thu nhập cho những em học sinh trong những ngày cận kề năm học mới. Đồng thời, giới thiệu những đặc sản, thực phẩm sạch đối với du khách".