Đổ xô mua vàng, ăn "vàng" lấy may ngày vía Thần Tài
(Dân trí) - Vào ngày vía Thần Tài, nhiều người Việt có thói quen đi mua vàng để cầu may. Ngoài ra, nhiều gia đình còn mua các món ăn mạ vàng, món ăn giả vàng về làm lễ cúng rồi thụ lộc.
Mua vàng bằng mọi giá, chấp nhận cảnh xếp hàng, mua giá cao
Anh Nguyễn Tiến Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, mấy năm nay, năm nào cũng vậy, cứ đến Tết là vợ anh dành riêng một khoản tiền để mua vàng trong ngày vía Thần Tài.
"Vợ tôi bảo cầu "phát" thì mua 2 chỉ, cầu "tài" thì mua 5 chỉ mà cầu "lộc" thì mua 1 chỉ. Năm nay, kinh tế gia đình tôi phù hợp để mua 2 chỉ nên đã dành ra khoảng 13 triệu đồng. Vợ tôi tin rằng, mua vàng đúng ngày vía Thần Tài là may mắn nên bằng mọi giá phải mua được vàng trong ngày này", anh Phúc nói.
Về cơ bản, anh Phúc đồng tình với mong muốn của vợ. Tuy nhiên, điều khiến anh đau đầu là năm nào, chị vợ cũng yêu cầu anh chở lên tận phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cách nhà 15km để mua vàng.
Anh Phúc thở dài: "Tôi cho rằng, mua vàng ở đâu cũng được nhưng vợ nói phải mua ở những cửa hàng lớn, ở phố vàng của Thủ đô. Mà những cửa hàng lớn thì thường phải xếp hàng chờ đợi rất lâu. Năm nào tôi cũng phải dậy sớm, lọ mọ từ 5-6h sáng. Vậy mà có hôm tới nơi vẫn phải chờ cả tiếng".
Chị Nguyễn Thị Hương Lan (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng có thói quen mua vàng ngày vía Thần Tài. Chị Lan cho hay, vì nghe nói mua vàng vào ngày này sẽ gặp may mắn nên có năm chị chấp nhận cảnh chờ đợi vài tiếng dù giá có thể cao hơn những ngày trước hoặc sau đó.
Đến các tiệm vàng lớn ngày 10/1 âm lịch, chị Lan nhiều lần chứng kiến cảnh người dân vác hàng bao tải tiền đi mua vàng. Điều này càng giúp chị củng cố niềm tin rằng, chuyện gặp may mắn khi mua vàng ngày Thần Tài là có thật.
Làm chủ một quán ăn, anh Trần Văn Tuấn cũng luôn nghĩ "có thờ có thiêng, có kiêng có lành". Tuy nhiên, ngay năm đầu tiên anh hưởng ứng phong trào mua vàng cầu may, công việc đã gặp không ít trục trặc. Sau đó, cây vàng anh mua bán còn bị lỗ. "Sau này, tôi không mua nữa và thấy mọi việc vẫn bình thường, làm ăn vẫn rất tốt", anh Tuấn nói.
Là một người chưa từng mua vàng ngày Thần Tài, anh Phạm Duy Long (32 tuổi, Sơn Tây, Hà Nội) cho rằng, mỗi người mỗi quan điểm, có người cho đó là mê tín, có người lại lấy đó làm niềm tin. Về phần mình, anh không tin vào chuyện mua vàng sẽ may mắn ngày Thần Tài.
Bàn về thói quen mua vàng ngày vía Thần Tài của người Việt, trao đổi với Dân trí, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, chưa có một cuộc điều tra xã hội học hay tài liệu nào chứng minh việc mua vàng ngày Thần Tài sẽ đem lại may mắn hay tài lộc cả năm. Đây chỉ là quan niệm dân gian và được truyền miệng cho nhau.
Theo PGS. TS Lê Quý Đức, hiện tượng đổ xô đi mua vàng là do yếu tố lây lan cho rằng mua vàng thì sẽ sung túc, no ấm. Thấy người nọ mua thì người kia cũng làm theo.
Vàng vốn là biểu tượng cho sự giàu có, ăn nên làm ra và cũng là một cách tích trữ của cải vật chất. Vì thế nhiều người tin rằng, việc mua vàng sẽ tạo ra cơ hội lời lãi trong kinh doanh, trong buôn bán, dự trữ. Dần dần thói quen này trở thành tập quán của người Việt.
"Cũng không thể phủ nhận trong số những người đi mua vàng nhiều người có tâm lý hám lợi, tâm linh. Ngoài ra, những năm gần đây, giá vàng thường có xu hướng tăng. Vậy nên ngoài yếu tố tâm linh, hám lợi, thì yếu tố kinh tế cũng tác động tới hành vi của người dân", chuyên gia này cho hay.
Bỏ nửa triệu đồng ăn "vàng" để lấy may
Chuyên gia văn hóa, TS. Đinh Đức Tiến (khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) cũng từng chia sẻ rằng, ngày vía Thần Tài của người Việt chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc. Trước đây, ngày Thần Tài chỉ giới hạn ở giới thương nhân, lái buôn.
Những năm gần đây khi kinh tế, giao thương phát triển, nhu cầu mua bán của người dân tăng cao nên ngày vía Thần Tài cũng được nhiều người hưởng ứng. Tuy nhiên, do tính chất thương mại hóa các hoạt động tín ngưỡng nên nhiều phong tục, tín ngưỡng trong đó có ngày vía Thần Tài đang dần bị biến tướng.
Cách đây không lâu, một cửa hàng thậm chí còn dát vàng 24k lên giò, chả để người dân mua về dâng cúng rồi thụ lộc bằng vàng thật. Năm nay, các món ăn dát "vàng", giả vàng như bánh hũ vàng, thỏi vàng cũng rất được ưa chuộng.
Nhân dịp lễ Thần Tài, một cửa hàng ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã tung ra món bánh xu xê thỏi vàng. Người bán cho biết, bánh xu xê làm theo phong cách truyền thống. Các set bánh được điểm dát vàng và bạc. Đây là loại lá vàng, lá bạc dùng trong chế biến thực phẩm nên khách hàng hoàn toàn có thể ăn được.
Không lựa chọn bánh thỏi vàng, chị Trần Thị K. A (34 tuổi, quận Thanh Xuân) thường chọn mua bánh kem hũ vàng với giá khoảng 500.000 đồng một chiếc về làm lễ cúng.
"Năm nay là năm con mèo nên tôi chọn mua bánh được trang trí thêm tiền vàng, ngân lượng và con mèo tài lộc. Năm nào tôi cũng phải đặt hàng từ trước 3 ngày mới có bánh để cúng đúng vào ngày 10 âm lịch. Dâng cúng xong tôi cùng gia đình thụ lộc để được may mắn", chị K. A nói.
Mua vàng, trang sức, phong bao lì xì mạ vàng hoặc ăn những thứ có liên quan đến vàng dường như đã trở thành thói quen của nhiều người Việt trong ngày vía Thần Tài.
Theo các chuyên gia văn hóa, xét về góc độ tinh thần, việc mua vàng dịp đầu năm đáp ứng nhu cầu chính đáng của con người, tạo động lực để họ phấn đấu trong năm mới.
Tuy nhiên, tùy điều kiện mỗi gia đình có thể lựa chọn mua hoặc không mua vàng. Không bắt buộc phải mua vàng trong ngày vía Thần Tài, không nên tin rằng cứ đi mua vàng là cả năm làm ăn phát đạt. Điều này dễ khiến mỗi người cảm thấy u mê, dần sa vào mê tín dị đoan.
Theo PGS. TS Lê Quý Đức, việc tin rằng ăn vàng, đồ giả vàng là sẽ gặp may mắn, sung túc quanh năm cũng là do tâm lý lây lan. "Nghĩ như vậy là mê tín. Và tôi cho rằng, những ai có suy nghĩ này thì cũng không phải là người có đầu óc về kinh tế", ông nói.