Quảng Bình:
Diện mạo mới của bản làng vùng biên
(Dân trí) - Từng là một trong những bản dân tộc tách biệt với bên ngoài, cuộc sống vô cùng khó khăn, thế nhưng nhờ có con đường tuần tra biên giới đi qua và trong tương lai gần là ánh sáng đèn điện từ dự án năng lượng mặt trời, cuộc sống người dân bản Troi đang dần đổi thay, vượt qua cái đói, cái nghèo vốn có.
Bản Troi thuộc xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, một bản làng nằm trong vùng biên giới Việt Nam – Lào, đây là nơi sinh sống của người dân tộc Ma Coong.
Cũng như nhiều bản làng dân tộc khác tại Quảng Bình, trước đây người dân bản Troi sống sâu trong rừng, tách biệt hoàn toàn với bên ngoài, không điện, không đường, cuộc sống tự cung, tự cấp, để có nguồn lương thực, thực phẩm, đồng bào phải hái lượm, săn bắt trong rừng, trên núi, dưới suối, dưới khe.
Ông Đinh Bu, Trưởng bản Troi cho biết, toàn bản hiện có 19 hộ với 114 nhân khẩu, trước đây người bản Troi sống biệt lập trong rừng, nhưng sau nhờ sự vận động của cán bộ địa phương và lực lượng biên phòng họ mới về cắm bản, dựng nhà ở vị trí hiện tại.
Và cũng từ đó, người dân bắt đầu trồng ngô, trồng sắn, được các cán bộ biên phòng dạy cách trồng lúa, nhờ vậy mà cuộc sống dân bản dần no ấm hơn, người dân càng yên tâm chăn nuôi, chăm lo con lợn, con gà, con dê... để phát triển kinh tế.
“Trước đây bản không ai biết cái chữ, cái ăn khi mô cũng thiếu. Họ chỉ biết vào rừng hái măng, đào củ ăn thôi. cuộc sống vất vả lắm. Nhưng giờ nhờ có Đảng, có Nhà nước, người dân bản Troi đã đỡ khổ hơn nhiều rồi. Bà con được no cái bụng rồi, còn có ngô, có lúa để dành nữa. Con em trong bản và người dân còn được các thầy dạy cho cái chữ, vui lắm”, Trưởng Bản Bu chia sẻ.
Với những chính sách hỗ trợ thiết thực, cuộc sống của bà con dân tộc tại bản Troi đang dần được đổi thay rõ rệt, bản có trường học, dân trong bản đã được dùng nước sạch.
Vào cuối năm 2016, khi con đường tuần tra biên giới được đưa vào sử dụng, khoảng cách giữa bản Troi và miền xuôi cũng gần hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao lưu, buôn bán, vận chuyển nông sản.
“Trước đây nói về xuôi là khó lắm, không đi được mô, phải đi bộ băng rừng để ra ngoài, nhưng giờ sướng rồi, có đường mới đẹp, đi được xe máy vô tận bản, nhờ vậy mà tui về xuôi nhiều, sướng cái bụng lắm”, ông Đinh Trựt, một người dân bản Troi vui mừng nói.
Không chỉ có đường giao thông, hiện nay dự án năng lượng mặt trời cũng đang dần hoàn thiện, chỉ một ngày không xa, bản Troi sẽ có điện, đây chính là điểm tựa để bản làng dân tộc nơi biên giới đi lên, vượt qua cái đói, cái nghèo, phát triển cùng đất nước.
Ông Đinh Hợp, Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch cho biết, các công trình giao thông, điện năng lượng và cả nước sạch thực sự đã đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân, góp phần giải quyết khó khăn về giao thông của người dân bản, mở rộng giao lưu giữa các vùng, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho đồng bào, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tạo được lòng tin của đồng bào dân tộc đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, qua đó góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an ninh trên địa bàn.
“Bản Troi cũng như nhiều bản làng dân tộc tại địa phương còn rất nhiều khó khăn, 100% hộ nghèo, nhiều bản còn phải đi bộ băng rừng mới vào được, tuy nhiên với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của chính quyền và Đồn Biên phòng Cà Roòng, đời sống, nhận thức của bà con đang dần được nâng lên, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương”, ông Hợp cho hay.
Dù cuộc sống của người dân còn nhiều vất vả, nhưng với con đường bê tông mới đi thẳng vào bản, với ánh sáng đèn điện sẽ thắp sáng bản làng vùng biên trong tương lai chính là tiền đề thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc, đưa diện mạo bản làng thêm khởi sắc, góp phần tích cực vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo tại xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung.
Tiến Thành