Đi chợ thời... Covid

Nhân Hà

(Dân trí) - Làm sao để có thực phẩm khi lệnh phong toả kéo dài hay đơn giản là bạn không muốn ra ngoài vì sợ lây nhiễm bệnh? Giao hàng tận nhà đang trở thành một dịch vụ quan trọng tại Trung Quốc.

Thầy giáo về hưu Liu Yilin (Vũ Hán, Trung Quốc) đã tích trữ gạo, dầu, mỳ và thịt, cá khô ngay khi có tin đồn về một dịch bệnh có nguy cơ lây lan cao. Tuy nhiên, sự chuẩn bị này chỉ đáp ứng được nhu cầu ban đầu của người đàn ông 66 tuổi. Lệnh phong toả kéo dài sau đó đã khiến ông thiếu hụt rau xanh, hoa quả. Đúng lúc này, ông biết đến dịch vụ mua sắm tận nhà.

Theo ông Liu, người dân Vũ Hán phải ở trong nhà và cách duy nhất liên lạc với thế giới bên ngoài là internet. Do đó, họ đã đặt hàng online với người nông dân, tiểu thương hay siêu thị để mua các thực phẩm thiết yếu. Và các nhân viên cộng đồng sẽ giúp chuyển hàng từ người giao hàng đến tay từng người dân.

Mỗi sáng, Liu sẽ đưa 1 mẩu giấy có tên, số điện thoại cho nhân viên gác khu phố, và người này có nhiệm vụ gom đồ chuyển đến khu phố.

Theo công ty thương mại điện tử JD, nhu cầu thương mại điện tử và dịch vụ vận chuyển đã tăng mạnh trong đại dịch Covid-19. Khoảng 220 triệu sản phẩm đã được bán chỉ trong giai đoạn từ 20/1-28/2, chủ yếu là các sản phẩm từ sữa và ngũ cốc với các đơn thịt gà và bò tăng gấp 3 lần so với cách đó 1 năm.

Đi chợ thời... Covid - 1
Đội quân vận chuyển hàng hoá ăn nên làm ra trong mùa Covid

Các công ty thương mại điện tử đều có mức tăng trưởng 400-600% trong mùa dịch Covid so với cùng thời điểm năm trước với các mặt hàng bán chạy là khẩu trang, chất khử trùng, cam quýt, quả tươi và khoai tây.

Dịch vụ cho mượn nhân viên từ các công ty đang lao đao vì dịch Covid để làm công việc vận chuyển hàng hoá online cũng trở nên phổ biến. Nó vừa giúp người lao động có việc làm vừa giúp các công ty đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh giảm được áp lực duy trì nhân viên.

Đi chợ thời... Covid - 2
Một nhân viên chuyển hàng ở Vũ Hán đang nghỉ ngơi trước khi bước vào ca làm mới (Ảnh: AFP)

Mo Xinsheng, phụ bếp một nhà hàng, đã được 1 công ty giao hàng “mượn". Trước đó, anh cũng đã phải trải qua đợt kiểm tra sức khoẻ bởi sẽ phải làm việc nhiều giờ ngoài gió lạnh. Bản thân anh cũng muốn kiếm thêm thu nhập nuôi gia đình khi các nhà hàng bị buộc phải đóng cửa.

Tuy nhiên, giá cả thực phẩm cũng đã tăng gấp 3 lần so với trước khi có dịch và người dân cũng không có nhiều lựa chọn về rau củ ngoài bắp cải, khoai tây và cà rốt. “Tôi không phàn nàn gì. Có rau tươi vào thời điểm khó khăn này là quá tốt rồi", thầy giáo Liu nói.