Đêm kinh hoàng chạy lũ: Nhà trên cao hỗ trợ nhà dưới thấp
(Dân trí) - Nước dâng lên quá nhanh khiến những chuẩn bị trước đó cũng không thể ứng phó kịp. Với một chiếc xuồng máy, đội cứu hộ của thôn tỏa đi khắp, trắng đêm giúp dân chạy lũ.
Giúp nhau chạy lũ
Sáng 30/9, bà Đậu Thị Hòa (xóm 2, xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương, Nghệ An) bần thần đứng trước con đường về nhà đã ngập mênh mông nước. "Tối qua, sợ mưa lũ nên tôi đến nhà người thân trên này ở.
Đêm mưa to, nóng ruột lắm, sáng nghe tin nhà ngập nặng, nước cao nửa nhà rồi phải về xem thế nào, toàn bộ đồ đạc chắc chìm trong lũ cả rồi", bà Hòa rầu rĩ.
Biết là về cũng không cứu được gì nhưng bà muốn về ngôi nhà của mình. Không thuê được thuyền, bà Hòa đành xắn quần dò dẫm trong làn nước đục ngầu, men theo những tán cây bên đường, mò mẫm trong nước lũ để đi, bất chấp lời can ngăn của những người khác.
"Tối qua lũ lên nhanh quá, nhà trên cao xuống hỗ trợ nhà dưới thấp chạy lúa, chạy gà. Nhà bà Hòa khóa cửa, không ai vào được", ông Nguyễn Văn Tài vừa khua mái chèo, vừa trả lời.
Ông Tài và một người nữa đi từ trong xóm ra, mua xăng về chạy máy phát phục vụ bà con xạc điện thoại hay cắm cơm. Tiện thể, ông Tài ghé nhà ông Đậu Văn Hạ, ở đầu làng, nước đã vào nhà đến nửa mét, giúp chở đàn gà lên nhà phía sau, cao hơn để gửi.
Chị Nguyễn Thị Dung, vợ anh Hạ bị sỏi thận, có chỉ định mổ vào sáng 30/9, nhưng suốt từ 28-29/9, mưa to, nước lũ tràn về, anh Tài đành để vợ lại bệnh viện, lao về chạy lũ.
"Nước lên nhanh quá, vào sân, rồi vào nhà, tôi cuống cuồng tháo lúa trong thùng ra, đóng vào bì, kê lên cao. Vừa mang được trâu đi gửi quay về thì một phần mái chuồng gà đổ sập xuống, phải sơ tán đàn gà lên chuồng trâu. Một mình xoay trắng đêm, sáng nay phải đi mượn cái rọ để chở gà đi gửi tiếp", anh Hạ cho hay.
Sợ lũ tiếp tục lên cao, anh không dám khóa nhà, bỏ trâu, bỏ gà lại, đành phải nhờ người em họ trông nom vợ sau phẫu thuật.
"Mong cô ấy phẫu thuật thuận lợi, chiều tình hình ổn ổn thì tôi mới xuống được", anh Hạ lội trong dòng nước lũ đỏ ngầu, kéo chuồng gà lên gò cao phía sau nhà.
Kê xong gần một tấn lúa, chuẩn bị sẵn rơm cho bò và lá cây cho mấy con hươu, bà Bùi Thị Hồng tất tả đi xuống nhà bà Phạm Thị Hòe giúp đóng lúa vào bao. "Nước chắc còn lên nữa. Nhà tôi chỉ có tôi và bà mẹ chồng hơn 80 tuổi, may có 2 anh nhà thông gia ở xã trên xuống hộ cho chứ không thì cũng đành để thóc lúa ngâm lũ cả thôi", bà Hồng nói.
Sau khi giúp bà Hồng chạy lũ xong, ghé kiểm tra nhà bà Hòe, kê nốt hơn một tạ lúa đã đóng bao lên thềm, người đàn ông tên Tịnh (trú xã Thanh Giang) cùng bạn của mình "rẽ" nước lũ tới nhà khác. "Trên chỗ tôi cao, không việc gì. Xuống đây giúp được ai thì giúp, có gì để nói đâu", anh Tịnh xua tay khi chúng tôi hỏi.
Trắng đêm "rẽ lũ" giúp dân
Xóm Phú Lập là một trong 4 xóm vùng rốn lũ của xã Thanh Xuân (huyện Thanh Chương) với 197 hộ dân. Sáng 30/9, xóm nhỏ này ngập trong nước từ 1-2m, tuy nhiên thiệt hại do ngập lụt gây ra không đáng kể bởi đã có sự chủ động từ trước của chính quyền và người dân.
Giữa biển nước mênh mông, phương tiện di chuyển duy nhất là chiếc thuyền máy.
Ông Nguyễn Văn Cảnh, xóm trưởng xóm Phú Lập cùng các thành viên đội cứu hộ xóm vẫn đi từng ngõ, vào từng nhà nắm tình hình. Đội cứu hộ xóm gồm 20 người là những thanh niên khỏe mạnh và yêu cầu bắt buộc là phải biết bơi, được thành lập từ sau trận lũ lịch sử năm 2020. Chiếc thuyền máy là phương tiện cứu hộ có giá gần 30 triệu đồng được mua bằng nguồn đóng góp của con em xa quê.
"Trận lũ năm 2020, nước mênh mông, trong xóm có một cháu bé đau bụng quằn quại nhưng không có thuyền chở ra trạm xá, gọi lên xã thì thuyền cứu hộ của xã đang đi sơ tán người dân, không vào được.
Phải chờ đến 2h sáng hôm sau, chúng tôi mới có thuyền để chở bệnh nhân đi cấp cứu. May lần đó cháu chỉ bị viêm đường ruột thôi, chứ viêm ruột thừa thì không biết phải làm sao", anh Nguyễn Mạnh Hà - người đứng ra vận động quyên góp mua thuyền máy cứu hộ, kể.
Năm 2021, chiếc thuyền máy không phải sử dụng đến do lũ không về. Nhưng những ngày qua, nó thực sự là cứu cánh giúp người dân chủ động đối phó với lũ lụt. Từ tối 28/9, nước lũ lên nhanh, đội cứu hộ phải chia thành nhiều mũi để hỗ trợ người dân. Người giúp dân xúc lúa, đóng vào bao tải chờ thuyền đến chở đi gửi ở các nhà nền cao, nhóm kê cao các vật dụng, đồ điện tử phòng ngập nước.
Bà Nguyễn Thị Hà (62 tuổi) chỉ có 2 vợ chồng già. Trong đêm 29/9, đội cứu hộ đến hỗ trợ, vận chuyển nửa tấn lúa và đưa trâu đi gửi, số ít còn lại hai ông bà cho vào thùng nhựa, lần lượt chuyển lên gác xép bằng gỗ. "Nước dâng lên nữa cũng không sợ bị ngập", bà Hà nói, không quên cảm ơn đội cứu hộ đã hỗ trợ.
"Từ đêm 28 đến sáng 30/9, đội làm việc liên tục, gần như trắng đêm, không có thời gian nghỉ. Cả xóm có tới 40 hộ phải di dời người, nhiều hộ phải sơ tán tài sản, đội cứu hộ cũng kịp thời đưa một bệnh nhân bị đau bụng đến cơ sở y tế cách đây 4 cây số để khám. Sáng nay lũ đã chững lại, cơ bản là tất cả người dân và tài sản đều an toàn. Hi vọng trong vài ngày tới nước sẽ rút hết", ông Cảnh cho hay.
Ông Nguyễn Khánh Thành - Bí thư Đảng ủy xã Thanh Xuân cho biết, do chủ động trong công tác phòng, chống lũ đến tận từng thôn xóm và từng hộ dân, nên dù là vùng rốn lũ nhưng thiệt hại không đáng kể.
"Có những năm xã chúng tôi đón tới 9 đợt lũ, nếu xóm nào cũng trang bị được thuyền máy và thành lập được đội cứu hộ sẽ giảm tải cho xã, quan trọng nhất là có thể kịp thời hỗ trợ, đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng của người dân tốt hơn", ông Nguyễn Khánh Thành nói.