Đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nông nghiệp

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Chiều ngày 28/6, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì phối hợp với UBND tỉnh Long An tổ chức diễn đàn "Phát triển nông nghiệp Việt Nam 2023" với chủ đề "Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững".

Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ - NPK Phú Mỹ).

Đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nông nghiệp - 1
Toàn cảnh diễn đàn "Phát triển nông nghiệp Việt Nam 2023" (Ảnh: Lệnh Tĩnh).

Diễn đàn thu hút gần 300 đại biểu đến từ các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, lãnh đạo UBND các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia nông nghiệp, Hiệp hội và doanh nghiệp nông nghiệp,…

Đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nông nghiệp - 2
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu khai mạc diễn đàn (Ảnh: Lệnh Tĩnh).

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết những năm gần đây ngày càng có nhiều doanh nhân, doanh nghiệp tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đồng thời các doanh nghiệp đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản. Tuy nhiên, so với yêu cầu và tiềm năng to lớn của nông nghiệp Việt Nam hiện nay, dư địa đầu tư vẫn còn rất lớn để nông nghiệp Việt Nam bứt phá phát triển mạnh hơn nữa.

Dẫn thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Phạm Tấn Công cho hay hiện cả nước có khoảng trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, một con số rất khiêm tốn so với tổng số trên 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp vẫn đang là bài toán cần lời giải ở nhiều địa phương.

"Để thực hiện mục tiêu của ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới là "Phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nông thôn mới phồn vinh và văn minh, nông dân giàu có", thị trường càng đòi hỏi nhiều hơn sự tham gia và thể hiện vai trò của các doanh nghiệp.

Chính các doanh nghiệp sẽ là những người mở đường để ngành nông nghiệp Việt Nam từng bước tiến lên, khẳng định vị thế trên thế giới và từ đây, mang lại hiệu quả sản xuất, gia tăng thu nhập cho người nông dân", Chủ tịch VCCI nhận định.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp như Nghị định 57 ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Nghị quyết 53  ngày 17/7/2019 về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững.

Theo Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà, những chính sách trên cho thấy Nhà nước đang rất quan tâm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, đầu tư vào nông nghiệp luôn hàm chứa nhiều rủi ro khó lường trước, nên để đưa chính sách đi vào thực tiễn.

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật về thuế có hiệu lực từ năm 2015 quy định phân bón là đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. "Điều này khiến không chỉ doanh nghiệp phân bón chịu thiệt vì toàn bộ thuế giá trị gia tăng đầu vào không được khấu trừ hàng năm mà nông nghiệp, người nông dân cũng bị ảnh hưởng do phải mua phân bón với giá thành cao hơn 5 - 8% vì doanh nghiệp phải hạch toán một phần thuế không được khấu trừ vào chi phí sản xuất", ông Phùng Hà cho hay. 

Cũng theo ông Hà, ước tính, với quy mô ngành công nghiệp phân bón trên 100.000 tỷ đồng mỗi năm, với số thuế giá trị gia tăng không được khấu trừ ở mức 5%, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phân bón phải gánh chịu 3.000-4.000 tỷ đồng/năm.

"Đây là con số rất lớn nếu xem xét đến lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong trung bình nhiều năm qua. Đáng nói, với chính sách thuế hiện nay khiến phân bón Việt thua ngay trên sân nhà vì không có lợi thế cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng phân bón nhập khẩu các loại vào Việt Nam, nhất là Ure đã tăng khoảng 3 lần và con số này liên tục tăng trong những năm qua. Vì vậy, việc đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng giữa các nhà sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu, từ đó, mang lại lợi ích thiết thực cho ngành nông nghiệp, cho người nông dân", ông Hà chia sẻ.