Để phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau

(Dân trí) - Thông qua các đối tác từ nhiều lĩnh vực, dự án GREAT kỳ vọng sẽ hỗ trợ khoảng 40.000 phụ nữ tăng thu nhập và tạo ra khoảng 4.000 việc làm cho phụ nữ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các tỉnh.

Với mục đích nâng quyền cho phụ nữ địa phương tham gia vào thị trường nông nghiệp và du lịch đồng thời tăng cường tiếng nói của phụ nữa trong việc đưa ra quyết định kinh tế, dự án thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch (GREAT) do Chính phủ Australia tài trợ, đã tổ chức thành công sự kiện “Từ bản làng đến thị trường: Nâng quyền cho phụ nữ dân tộc thiểu số” tại Hà Nội.

Để phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau - 1
Một trong những gian hàng trưng bày sản phẩm của phụ nữ dân tộc do GREAT tài trợ

Dự án GREAT có vốn tài trợ 33,7 triệu AUD (khoảng 600 tỷ đồng), hiện đang tập trung vào phụ nữ dân tộc thiểu số ở hai tỉnh Lào Cai và Sơn La.

Thông qua 45 đối tác đến từ nhiều lĩnh vực, bao gồm các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và cơ quan nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch, GREAT đang góp phần nâng cao nhận thức và giúp giải quyết các rào cản để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ và giải quyết các vấn đề nghèo đói và bất bình đẳng kéo dài.

Để phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau - 2
Giới thiệu sản phẩm địa phương với khách tham quan

Sự kiện lần này cũng là cơ hội để các đối tác của GREAT giới thiệu các sản phẩm của họ tại khu trưng bày các gian hàng.

14 đối tác của GREAT bao gồm các ngành hàng khác nhau như thổ cẩm, chè, rau, gia vị, dược liệu, trái cây, hoa và du lịch cộng đồng đã nhận được những phản hồi rất tích cực về các sản phẩm trưng bày. Đại biểu tham dự còn có cơ hội nếm thử thực đơn độc đáo được chế biến từ các nguyên liệu trong vùng dự án của đối tác GREAT.

Để phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau - 3

Trong khi thăm quan các gian hàng, Đại sứ Australia tại Việt Nam, bà Robyn Mudie nhấn mạnh rằng nâng quyền kinh tế cho phụ nữ và bình đẳng giới là một trong những lĩnh vực ưu tiên của chương trình viện trợ Australia tại Việt Nam. “Các đối tác trưng bày sản phẩm của họ ngày hôm nay chỉ là một phần trong những hoạt động của GREAT đang thực hiện. Tôi rất vui khi có cơ hội được trao đổi với các doanh nghiệp do phụ nữ dân tộc làm chủ cũng như các doanh nghiệp lớn đang tích cực hỗ trợ kết nối những nông dân là phụ nữ dân tộc thiểu số với thị trường tiêu thụ trên thế giới.”, bà Đại sứ Mudie phát biểu.

Để phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau - 4
Một số gian hàng thu hút khách nước ngoài

Cũng theo bà Robyn Mudie, chính phủ Australia cũng rất mong muốn tạo ra các mô hình kinh tế bền vững thúc đẩy sự phát triển trong cộng đồng địa phương cũng như hỗ trợ người dân phát triển hơn nữa trong mọi mặt cuộc sống.

Dự án GREAT kì vọng sẽ hỗ trợ được khoảng 40.000 phụ nữ tăng thu nhập và tạo ra khoảng 4.000 việc làm cho phụ nữ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các tỉnh. Trong 12 tháng qua, GREAT đã đạt được một số thành công ban đầu bao gồm: 11.000 phụ nữ giờ đây có kiến thức và kỹ năng mới về nông nghiệp, chế biến, du lịch và kinh doanh; có nhiều hoạt động về đổi mới sáng tạo như người dân được tiếp cận các giống cây trồng mới và các hợp tác xã địa phương đã được kết nối với các nhà bán lẻ lớn như siêu thi Big C.

Hoàng Hà