Thanh Hóa:

Dân kêu trời vì xe tải băm nát đường

(Dân trí) – Tuyến đường giao thông dài hơn 5km chạy qua hai xã Hà Bình, Hà Tân (huyện Hà Trung- Thanh Hóa) bị băm nát bởi hàng trăm xe tải. Tình trạng này đã xảy ra nhiều năm qua thế nhưng cơ quan chức năng vẫn “luẩn quẩn” không tìm ra cách xử lý.

Dân từng đổ đá chặn đường

Con đường giao thông chạy từ QL1A đi vào hai xã Hà Tân và Hà Bình dài 5,2 km, được đổ nhựa từ năm 2006. Trong đó có 2,8 km thuộc xã Hà Tân lấy từ nguồn vốn ngân sách xã và nhân dân trong xã đóng góp. Thế nhưng, người dân được hưởng thụ không được bao lâu đã bị các xe tải chở vật liệu xây dựng vào cày nát.

Theo phản ánh của rất nhiều bà con hai xã Hà Tân và Hà Bình thì tại xã Hà Tân có một mỏ đá có diện tích chừng 50 ha. Khoảng 2-3 năm trở lại đây mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe tải đi ra đi vào cày nát. Hiện trạng con đường rất ít chỗ còn dấu hiệu của đường nhựa mà hoàn toàn bị biến dạng. Đá từ các xe chở quá trọng tải làm rơi vãi khắp mặt đường.

Đoạn đường dài hơn 5km không khó để bắt gặp những ổ gà, sình lầy như thế này
Đoạn đường dài hơn 5km không khó để bắt gặp những ổ gà, sình lầy như thế này

Theo ghi nhận của PV, thì chỉ cần đứng trên đoạn đường này chừng vài chục phút thì có tới mấy chục chiếc xe loại tải trọng 40-50 tấn đi qua. Đi đến đâu, chúng làm bụi bay mù mịt, đá răm trên xe bay tung tóe đến đó. Nhà cửa, cây cối của các hộ dân dọc con đường bị phủ một lớp bụi dày đặc.

Điều đáng nói là ở hai xã này có tới hàng trăm các cháu học sinh mỗi ngày phải đi trên con đường nguy hiểm này để đến trường. Không những đường bi cày nát, đá văng nguy hiểm, nhiều hộ dân sống bên đường còn chịu ảnh hưởng của khói bụi khiến họ vô cùng bức xúc.

Nhiều người dân sống ven con đường này cho hay: Kể từ ngày bị hư hỏng, đường sá đi lại quá khó khăn, mặt đường không còn dấu vết là đường trải nhựa, đất đá lổn nhổn, ổ gà, ổ voi. Mùa mưa, nước, sình lầy đọng từng vũng. Mùa khô, đất, đá, bụi bặm bay mù mịt. Các hộ dân sống ven đường cả ngày đêm cửa im ỉm đóng. Mang tiếng là sống ở vùng nông thôn nhưng không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nhiều học sinh xã Hà Tân không dám đi con đường này đã phải vòng đi đường khác dài gấp đôi để đến trường. Nhiều người đi vào con đường này đều bị thủng lốp giữa đường phải dắt bộ hàng cây số.

Cuối năm 2013, do không thể chịu được cảnh sống cơ cực từ việc xe tải vào phá đường, hàng trăm người dân xã Hà Bình đã ra xếp đá chặn đường không cho xe tải đi vào trong gần 1 tuần trời. Cuối cùng phải có sự can thiệp của cơ quan chức năng mới giải quyết được việc chặn xe của người dân.

Hiện trạng đường nhựa đã bị biến dạng
Hiện trạng đường nhựa đã bị biến dạng

Trước sự việc con đường bị cày nát, tại các cuộc họp thôn, xóm, xã, các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu quốc hội, hội đồng nhân dân, người dân cho biết đã kiến nghị rất nhiều về tình trạng xe vận tải đá, vật liệu xây dựng phá đường. Tuy nhiên, tình trạng trên diễn ra.

Về vấn đề trên, ông Nguyễn Hồng Thắm, Bí thư xã Hà Tân thừa nhận việc người dân bức xúc, kiến nghị về vấn đề đường giao thông bị hư hỏng nặng là hoàn toàn đúng.

Theo ông Thắm thì hiện có 9 doanh nghiệp khai thác, chế biến tại mỏ đá Hà Tân. Ngoài xe của 9 doanh nghiệp còn có xe của các công ty khác vào mua vật liệu xây dựng. Mỗi ngày có nhiều chuyến xe chạy ra chạy vào khiến đường xuống cấp nhanh chóng. “Xã cũng đã nhiều lần mời các doanh nghiệp khai thác để bàn biện pháp khắc phục nhưng các doanh nghiệp cũng chỉ đóng ít tiền lu lại ổ gà, tưới nước cho đỡ bụi chứ việc xử phạt xe quá trọng tải thì xã không đủ thẩm quyền” – ông Thắm nói.

Cơ quan chức năng “đá bóng” trách nhiệm?

Trao đổi về vấn đề trên, ông Lê Văn Lương, Phó chánh thanh tra giao thông- Sở GTVT Thanh Hóa cho biết: “Tuyến đường trên là đường giao thông nông thôn thuộc huyện Hà Trung quản lý. Mặt khác, đó là con đường độc đạo dẫn vào khu khai thác mỏ, khi lực lượng thanh tra giao thông chốt chặn ngoài đầu đường để kiểm tra, xử lý thì các công ty khai thác lại không cho xe lưu thông mà nằm lại mỏ nên lực lượng chức năng không thể xử lý. Hơn nữa, do lực lượng thanh tra mỏng, không đủ nên cũng chỉ tuần tra qua thôi nên không có báo cáo tổng hợp cụ thể về việc xử lý vi phạm trên tuyến đường này”.

Đường giao thông nông thôn nhưng hầu hết xe vào mỏ đá đều là xe có tải trọng hàng chục tấn
Đường giao thông nông thôn nhưng hầu hết xe vào mỏ đá đều là xe có tải trọng hàng chục tấn

Cũng theo ông Lương thì trách nhiệm chủ yếu là xã và huyện, tuy nhiên không thấy chính quyền địa phương báo cáo. Nếu có báo cáo, chúng tôi cũng sẽ có trách nhiệm xử lý.

Thế nhưng khi trao đổi qua điện thoại với PV, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Công an huyện Hà Trung lại khẳng định: “Xe đã lưu thông ra đường, việc đi cân tải trọng, hạ tải rất phức tạp vì không có bến bãi. Mặt khác, thẩm quyền của công an huyện chỉ có mức độ. Công an huyện không có thẩm quyền kiểm tra ô tô mà chỉ được kiểm tra trong trường hợp bắt quả tang họ đang vi phạm”.

Toàn bộ mặt đường được rải đá răm từ những xe chở quá tải
Toàn bộ mặt đường được rải đá răm từ những xe chở quá tải

Còn ông Phùng Thế Dũng, Trưởng phòng công thương huyện Hà Trung thì cho biết: “Mỏ đá ở Hà Tân do tỉnh cấp phép nên mấy năm gần đây tần suất xe tải đi ra đi vào chở vật liệu xây dựng nhiều khiến cho tuyến đường hư hỏng nặng. Năm 2013, trước bức xúc của người dân 2 xã Hà Tân, Hà Bình, UBND huyện đã trích hơn 1 tỷ từ ngân sách huyện để tu sửa tuyến đường. Huyện cũng đã giao cho Ban an toàn giao thông huyện về trách nhiệm kiểm tra, xử lý và giới hạn tải trọng xe ô tô lưu thông trên. Đồng thời cũng đã làm tờ trình lên UBND tỉnh về hỗ trợ nguồn vốn đầu tư làm đường. Tuy nhiên do khó khăn về kinh phí nên huyện vẫn phải chờ”.

Nguyễn Thùy