Đảm bảo quyền của phụ nữ DTTS tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe

PV

(Dân trí) - Việc bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe của người DTTS nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng có ý nghĩa quan trọng nhằm tạo điều kiện để phụ nữ DTTS có cơ hội phát triển bình đẳng.

Trải qua các giai đoạn cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán chủ trương, nguyên tắc trong đường lối chính sách dân tộc, đó là xây dựng khối đoàn kết, bình đẳng giữa cộng đồng các dân tộc, phát triển toàn diện về kinh tế - chính trị - xã hội.

Nhìn dưới góc độ quyền con người và quyền của các dân tộc thiểu số (DTTS), có thể nhận thấy hệ thống pháp luật của nước ta đã có những bước phát triển và tiến bộ đáng kể trong quá trình hòa nhập vào sự phát triển chung các giá trị tiến bộ của nhân loại.

Bên cạnh những quy định bảo đảm quyền con người nói chung còn có những điều luật quy định đặc thù và các chính sách cụ thể như chính sách về đất đai, giáo dục, y tế, vay vốn tạo việc làm, chính sách bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội cho phụ nữ DTTS và các dân tộc rất ít người...

Dựa trên quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm quyền của DTTS nói trên, có thể khái quát quan điểm bảo đảm quyền của phụ nữ DTTS trong tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe gắn với phát huy dân chủ và tăng cường cơ chế tự quản ở cơ sở và gắn với việc chống tư tưởng "trọng nam, khinh nữ", "phân biệt đối xử với phụ nữ", loại bỏ các hủ tục lạc hậu có hại cho phụ nữ.

Các cấp đồng thời cần phải quan tâm tạo điều kiện nhằm giúp phụ nữ DTTS phát huy vai trò, tiềm năng to lớn trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới; nâng cao địa vị của phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực từng bước tiếp cận đầy đủ cơ hội phát triển.

Đảm bảo quyền của phụ nữ DTTS tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe - 1

Chị Giàng Thị Chở được hướng dẫn chăm sóc cho mẹ và bé khi sinh tại BVĐK huyện Bắc Hà (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Sở Y tế tỉnh Lào Cai).

Tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe ra sao?

Trước hết, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật. Đây là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tạo ra tiền đề, điều kiện về chính trị, pháp lý, kinh tế, xã hội, văn hóa và thực hiện các biện pháp để phụ nữ DTTS có cơ hội được tiếp cận, thụ hưởng đầy đủ tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe cao nhất có thể đạt được theo quy định.

Trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật do Quốc hội ban hành, Chính phủ xây dựng các cơ chế, chính sách, biện pháp, chương trình có tính đến các điều kiện đặc thù của phụ nữ DTTS. Đây được coi là công cụ pháp lý hữu hiệu hay nói cách khác đó là hoàn thiện cơ chế nhằm đảm bảo, thúc đẩy quyền của phụ nữ DTTS, bao gồm thể chế và thiết chế.

Trong đó, thể chế về bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ DTTS trong tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam được thể hiện rõ trong các văn bản pháp luật.

Đó là: Xác định mục tiêu và trách nhiệm, nghĩa vụ của Nhà nước nhằm bảo đảm quyền của phụ nữ DTTS trong tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe; Thể chế về bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ DTTS trong tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam đáp ứng tiêu chí đồng bộ thống nhất; Phù hợp với yêu cầu thực tế, nhu cầu thiết yếu của phụ nữ DTTS đồng thời đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật pháp lý, rõ ràng, minh bạch; Nội dung luật pháp Việt Nam phù hợp với các quy định của luật pháp Quốc tế về nhân quyền.

Bên cạnh đó nhiều quy định của luật pháp Việt Nam còn mang tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh đất nước đổi mới và hội nhập nhằm bảo đảm một cách tốt nhất quyền của người DTTS. Điều này cho thấy những nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền của người DTTS khi mà đất nước còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức.

Các thiết chế Nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm quyền con người nói chung và của phụ nữ DTTS nói riêng ở Việt Nam rất đa dạng, gồm các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các cơ quan thông tin đại chúng và quần chúng nhân dân. Mỗi thiết chế này đều có một số chức năng của cơ quan nhân quyền quốc gia (NHRIs).

Để tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm quyền của phụ nữ DTTS, các cấp cần đầu tư tài chính thỏa đáng cho hệ thống chăm sóc y tế; bảo đảm chất lượng dịch vụ y tế; đầu tư xây dựng trạm xá xã đủ tiêu chuẩn quốc gia, đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng đội ngũ y bác sĩ đủ năng lực, trình độ.

Ngoài ra, tập huấn kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ; áp dụng mức phí khám chữa bệnh hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế của vùng DTTS, miễn phí khám chữa bệnh cho các đối tượng phụ nữ DTTS như: phụ nữ tàn tật, phụ nữ cao tuổi, phụ nữ nghèo, neo đơn...

Cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản; phòng ngừa và điều trị các bệnh không lây nhiễm; đầu tư các chương trình bảo hiểm sức khỏe cho phụ nữ DTTS và các chương trình khác cũng nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho họ.

Người dân ở khu vực DTTS cũng như các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo, người đứng đầu thôn bản, dòng tộc và nam giới cũng cần được nâng cao nhận thức về quyền của phụ nữ và trẻ em gái DTTS. Việc này nhằm hướng đến mục tiêu loại bỏ thái độ và hành vi phân biệt đối xử của xã hội, đặc biệt là cần loại bỏ tình trạng bạo lực về giới tính.

Thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm hành chính về quyền của phụ nữ DTTS. Thậm chí, thực hiện các hoạt động tố tụng bảo vệ quyền của phụ nữ...

Tuy nhiên, những quy định tạo khung pháp lý bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe nằm rải rác trong nhiều văn bản khác nhau. Mỗi văn bản chỉ có một vài điều luật. Điều này gây khó khăn trong quá trình tiếp cận quy định không chỉ đối với các cơ quan thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm bảo đảm quyền mà còn là rào cản cho chính đối tượng được thụ hưởng quyền là phụ nữ DTTS do đó hiệu lực pháp lý còn thấp.

Ở nước ta hiện nay cũng chưa có cơ quan nào có thể coi là cơ quan nhân quyền quốc gia (NHRIs) để có thể thực hiện bảo đảm quyền cho phụ nữ mà mới chỉ có một số cơ quan đang thực hiện chức năng của NHRIs. Điều này cũng ảnh hưởng đến hiệu quả công tác bảo đảm quyền của phụ nữ DTTS.

Do đó cần phải có hệ thống các giải pháp hoàn thiện cơ chế và thiết chế nhằm bảo đảm quyền của phụ nữ DTTS trong tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe để đáp ứng với điều kiện mới, tình hình mới như hiện nay.

Cần làm gì?

Trước hết, cần tăng cường truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm bảo đảm quyền của phụ nữ DTTS trong tiếp các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe.

Trong đó, phải quán triệt sâu sắc các chủ trương, Nghị quyết của Đảng về vị trí, vai trò của phụ nữ và công tác phụ nữ, đặc biệt là quan điểm, mục tiêu công tác phụ nữ trong tình hình mới nhằm thống nhất nhận thức về trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, tạo bước chuyển biến rõ rệt về hiệu quả công tác phụ nữ ở từng ngành, địa phương, đơn vị.

Việc phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quyền và trách nhiệm bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ DTTS trong tiếp các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe cũng không kém phần quan trọng. Cần có kế hoạch bố trí, bồi dưỡng nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ làm công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người DTTS, cũng như các lãnh đạo địa phương, chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản về quyền bình đẳng của phụ nữ và trẻ em gái DTTS.

Cạnh đó, phải trang bị đầy đủ kiến thức về bình đẳng giới cho phụ nữ DTTS để họ tự bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, không ngừng nỗ lực, cố gắng vươn lên, xóa bỏ tự ti, mặc cảm, vượt qua mọi định kiến, rào cản để khẳng định vị thế, vai trò trong mọi lĩnh vực để phát huy phẩm chất, giá trị cho sự phát triển gia đình, cộng đồng, xã hội.

Thứ hai, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ DTTS trong tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe.

Nội luật hóa các cam kết quốc tế về quyền của phụ nữ nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng nhằm đảm bảo cho pháp luật quốc gia tương đồng với pháp luật quốc tế. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu lực pháp lý cho các quy định nhằm đảm bảo tính toàn diện, thống nhất và tính pháp lý cao. Luật Bình đẳng giới cần dành riêng một chương quy định về biện pháp đảm bảo quyền của phụ nữ DTTS, trong đó quan tâm đến các vấn đề đặc biệt đặt ra đối với phụ nữ DTTS.

Sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành, các quy định đặc thù cho phụ nữ DTTS: Cần lồng ghép vấn đề giới trong Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Luật Khám chữa bệnh; Quy định những biện pháp đảm bảo cho phụ nữ DTTS được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng; Hoàn thiện các quy định tạo cơ sở cho việc vận hành các thiết chế đảm bảo quyền của phụ nữ DTTS hiện nay.

Thứ ba, cần đa dạng hóa các biện pháp và đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan chức năng có thẩm quyền trong bảo đảm quyền của phụ nữ DTTS trong tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe.

Ví dụ, chú trọng đến việc kiểm định chất lượng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng dịch vụ y tế; đầu tư xây dựng trạm xá xã đủ tiêu chuẩn quốc gia, quan tâm xây dựng đội ngũ y, bác sĩ đủ năng lực trình độ; tăng cường đưa đội ngũ y, bác sỹ giỏi về đến thôn, bản khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho phụ nữ...

Ngoài ra, tuyên truyền phổ biến chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình; chính sách tiêm chủng, dinh dưỡng, tạo mọi điều kiện DTTS tiếp cận tốt hơn dịch vụ công, dịch vụ xã hội thiết yếu và các dịch vụ tư vấn về hôn nhân, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống bạo lực gia đình.

Hoàn thiện cơ cấu, tổ chức bộ máy; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan có thẩm quyền; chỉ rõ nội dung, cách thức đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động, từ đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của từng chủ thể trong bảo đảm quyền của phụ nữ DTTS trong tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe.

Thứ tư, cần phát triển đội ngũ cán bộ y tế cả về số lượng, chất lượng và phát triển hệ thống y tế cơ sở, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế nhằm bảo đảm quyền của phụ nữ DTTS trong tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe

Về vấn đề này, trước hết cơ quan chức năng cần xây dựng và thực hiện chính sách đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ, nhân viên y tế, "cô đỡ thôn bản"; chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật lao động và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhân viên y tế, chấn chỉnh và khắc phục những biểu hiện tiêu cực tại các cơ sở y tế. Kết hợp quân y và dân y trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phụ nữ DTTS ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe phải củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và cán bộ; tổ chức các đợt chăm sóc lưu động về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục thân thiện và toàn diện.

Tiếp tục đổi mới chính sách tài chính y tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng các nguồn tài chính công bao gồm ngân sách Nhà nước, bảo hiểm y tế (BHYT), giảm dần hình thức thanh toán viện phí trực tiếp từ người bệnh; bảo đảm phụ nữ DTTS đều tự nguyện tham gia BHYT; xây dựng và thực hiện chính sách viện phí phù hợp trên cơ sở tính đúng, tính đủ các chi phí trực tiếp phục vụ bệnh nhân.

Nhà nước cần có chính sách trợ giúp đối với phụ nữ có thu nhập thấp và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và người nghèo DTTS; công khai minh bạch việc thu, chi viện phí ...

Ngoài ra, chúng ta cũng cần tập trung những vấn đề liên quan đến vai trò, tính chủ động, ý thức trách nhiệm của chủ thể là phụ nữ DTTS và giải pháp liên quan đến gia đình, cộng động, phong tục tập quán ở các cộng đồng DTTS.

Quyền bình đẳng của phụ nữ DTTS trong tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe chỉ có thể được bảo đảm trong điều kiện ổn định về chính trị, kinh tế, xã hội và một chế độ dân chủ rộng rãi. Nó phải đặt trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; hoàn thiện cơ chế bảo đảm quyền của phụ nữ DTTS nói riêng; đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm quyền này là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và xã hội nhằm tạo điều kiện để người DTTS có cơ hội phát triển bình đẳng.

Tài liệu tham khảo:

-Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị Quốc gia, Sự thật, Hà Nội.

-Nguyễn Thị Thanh Nhàn (2017), "Đảm bảo quyền của phụ nữ ở nông thôn Việt Nam hiện nay", luận án Tiến sĩ Luật học, mã số 62.38.01.02.

-Nguyễn Lâm Thành (2015), Quan điểm và giải pháp đảm bảo quyền của các dân tộc thiểu số, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 17 (297).

                                                                                      Thạc sĩ Phan Thu Hằng

Giảng viên Học viện Chính trị khu vực I

Bình luận (0)
để gửi bình luận