Đại dịch tạm qua, nhưng nhiều nỗi lo còn đè nặng lên vai tài xế công nghệ

(Dân trí) - “Nghe được đi làm lại là cô mừng lắm, chứ cả nhà 4 người đều làm tài xế công nghệ, thời gian rồi thu nhập lúc có lúc không, cũng may bữa cơm vẫn đảm bảo nhờ gạo với mì mà Grab hỗ trợ", cô Trần Thị Mùi (tài xế GrabBike, Bình Tân, TPHCM) chia sẻ.

Chênh vênh cơm áo

Thức dậy từ sớm, nấu cơm, chiên trứng để cả gia đình ăn sáng là thói quen bắt đầu từ hơn một tháng qua của cô Trần Thị Mùi. Cô Mùi năm nay đã qua tuổi 60, nhưng vẫn miệt mài lao động. Cô cùng chồng và hai người họ hàng đang thuê chung một căn trọ nhỏ ở quận Bình Tân, cả gia đình bốn người đều theo nghề tài xế công nghệ. “Con cô đi làm xa, hoàn cảnh nó cũng khó, nên tuổi này rồi nhưng còn sức thì cô vẫn lao động. Hồi trước dịch cô với chú chạy Grab cũng khá con à, không có lo ăn lo mặc gì mấy đâu”, cô tài xế kể với nụ cười hiền lành.

Để trang trải cuộc sống, cô Mùi và chồng không chỉ chạy GrabBike mà còn chạy thêm các dịch vụ giao hàng, giao thức ăn. Dù vậy, mùa dịch với thời gian giãn cách xã hội kéo dài vẫn khiến cô và gia đình lâm vào cảnh khốn khó, chỉ có thể “ăn bữa nay, lo bữa mai".

“Chỗ cô ở hẻo lánh lắm nên nhu cầu dịch vụ cũng không nhiều. Bình thường cô hay chở mấy cô cậu dân văn phòng đi làm, xuống trung tâm, đến tối thì đi dần về nhà. Mùa này thì người ta nghỉ làm hết nên một ngày chẳng còn được bao nhiêu", cô Mùi thở dài.

Đại dịch tạm qua, nhưng nhiều nỗi lo còn đè nặng lên vai tài xế công nghệ - 1
Do ảnh hưởng của dịch mà nhiều tài xế rơi vào cảnh chênh vênh cơm áo

Chẳng riêng những người lớn tuổi như cô Mùi, lao động trẻ như anh Hoàng Thế Sơn (tài xế công nghệ, TPHCM) cũng bị vây trong hoàn cảnh tương tự. Chưa đầy hai tháng trước, Sơn chạy mỗi ngày bảy đến tám tiếng đồng hồ là có thể về nhà nghỉ ngơi. Còn giờ, miệt mài ngoài đường cả ngày mà chưa được hai phần ba thu nhập ngày trước. “Tháng vừa rồi hai vợ chồng đã phải xài tới tiền tiết kiệm, nếu tình hình còn kéo dài thì không biết làm thế nào để cầm cự nổi", vẻ mặt chàng trai tài xế 9x vương đầy nét lo toan.

Tiền sữa, tiền bỉm cho thằng bé con mới một tuổi, rồi tiền nhà, điện nước, xăng xe, ăn uống sinh hoạt phí của hai vợ chồng… không khoản phí nào có thể cắt giảm. Cả nhà ba miệng ăn tồn tại bằng những cuốc xe của người trụ cột trong gia đình.

Lạc quan bước tiếp

“Mình giảm một phần ba cuốc xe cũng là may mắn rồi”, Sơn lạc quan chia sẻ tình trạng. Anh biết trên khắp thế giới, nhiều lao động đã mất việc, thất nghiệp hay giảm lương. Có công việc đã là một điều may mắn với Sơn lúc này. “Kiên trì chạy thì rồi cũng ổn thôi", tài xế trẻ chia sẻ.

Đại dịch tạm qua, nhưng nhiều nỗi lo còn đè nặng lên vai tài xế công nghệ - 2
Tài xế công nghệ đối mặt với nhiều khó khăn trong mùa dịch

Thói quen bắt đầu ngày làm việc của anh bây giờ cũng thay đổi. Xịt khử khuẩn, đeo khẩu trang, găng tay, mang kính chắn bọt, mở ứng dụng và khai báo thân nhiệt. Anh cũng lướt qua một loạt thông báo Grab thường xuyên gửi qua tin nhắn để cập nhật thông tin và nắm bắt những biện pháp phòng dịch cho bản thân và khách hàng.

“Nới lỏng giãn cách xã hội rồi nhưng Grab vẫn khuyến cáo phải làm đủ các bước an toàn như khi dịch còn căng thẳng. Nghe thì thấy hơi phiền hà, vất vả nhưng cũng nhờ hãng nhắc nhở thường xuyên nên mình cũng yên tâm chạy”, anh nói.

Còn gia đình cô Mùi thì may mắn được nhận hơi ấm từ những tấm lòng hảo tâm của doanh nghiệp, xã hội. “Đang lo cái ăn thì cô được tổ đội bên Grab báo là cô nằm trong danh sách hoàn cảnh khó khăn, được nhận 10 ký gạo, một thùng mì hỗ trợ, thiệt sự là cảm kích vô cùng”, cô phấn khởi kể. Rồi chủ nhà cũng giảm cho gia đình cô 500 ngàn tiền thuê, lại cho thêm ít gạo để gia đình cô trang trải, cuộc sống của người tài xế lớn tuổi phần nào bớt chông chênh.

“Nhận được gạo với mì của Grab là cô đem chia cho con một ít, chia cho cả họ hàng, nói Grab hỗ trợ đó, vui lắm", nụ cười giản dị và chân tình của cô Mùi khiến ánh nắng chiều ở xóm trọ xa xôi nơi Sài Gòn cũng trở nên ấm áp.

Trong căn nhà trọ nhỏ, cô Mùi và chồng vẫn luôn sẵn bộ đồng phục màu xanh. Khi điện thoại reo lên tiếng đơn hàng của khách, hai cô chú lại tiếp tục rong ruổi trên những con đường. Hai vợ chồng già vẫn cứ thế chia sẻ công việc, chia đôi bữa cơm, chia cả những niềm vui nhỏ nhoi trong cuộc sống.

Khi ánh mắt trời dần tắt, Sơn không nhớ đã chạy bao nhiêu cây số kể từ đầu ngày. Những lúc rỗi rãi đợi chờ những cuốc xe mới, Sơn mở điện thoại xem ảnh đứa con trai kháu khỉnh ở nhà. Niềm hy vọng trên ánh mắt sáng trong của đứa trẻ tiếp thêm cho anh nhiều động lực.

Những chặng đường vẫn chờ người tài xế phía trước, khi giãn cách xã hội nới lỏng và sinh hoạt lại vào nhịp. Trong một niềm tin rằng cuộc sống sẽ lại sớm ấm no.

Trong khuôn khổ chương trình “Cùng Grab chung tay - Vững vàng vượt khó”, Grab đã phối hợp với hệ thống cửa hàng thực phẩm Co.op Food, tặng gần 80 tấn gạo và 8.000 thùng mì ăn liền cho các đối tác tài xế Grab có hoàn cảnh thực sự khó khăn và hoạt động tích cực trên nền tảng. Toàn bộ kinh phí của hoạt động này được trích từ nguồn ngân sách 70 tỷ đồng mà hãng đã phê duyệt để chung tay cùng Chính phủ, cộng đồng và các đối tác ứng phó dịch Covid-19.

Từ ngày 19/04/2020, Grab đang triển khai chương trình “Tiếp sức bác tài, cùng nhau vượt khó” nhằm trao tặng hàng ngàn phần quà gồm gạo và đường cho các bác tài 2 bánh thuộc mọi màu áo tại TP.HCM, Hà Nội & Đà Nẵng, với mong muốn san sẻ một phần nỗi lo để các bác tài vượt qua mùa dịch.

Trường Thịnh