Cười sái quai hàm là có thật

(Dân trí) - Mới đây, một người phụ nữ Trung Quốc đã phải nhờ bác sĩ nắn lại quai hàm. Nguyên nhân là vì cô bị trật khớp hàm sau khi cười to quá cỡ.

Cười sái quai hàm là có thật - 1

Vụ việc kỳ lạ xảy ra vào ngày 1/9 vừa rồi, trên một chuyến tàu cao tốc hướng đến ga Nam Quảng Châu. Bác sĩ Luo Wensheng đã lên tàu ở Côn Minh (thủ phủ của tỉnh Vân Nam, phía Tây Nam, Trung Quốc) và đang trên đường đi đến bệnh viện Liwan - bệnh viện trực thuộc Đại học Y Quảng Châu thì bỗng nghe thấy một lời kêu gọi hỗ trợ y tế khẩn cấp được phát ra từ loa trên tàu. 

Bác sĩ Luo vội vàng đến giúp đỡ và tìm thấy một nữ hành khách đang há miệng lớn, nước dãi chảy ra không ngừng. Điều đầu tiên mà anh nghĩ đến là người phụ nữ này bị đột quỵ, nhưng huyết áp của người đó lại hoàn toàn bình thường. Chỉ sau khi nói chuyện với các nhân chứng, anh mới biết bệnh nhân không thể ngậm miệng lại vì cười. 

“Cô ấy đang chảy nước dãi, vì vậy ban đầu tôi nghĩ rằng bệnh nhân đã bị đột quỵ. Nhưng tôi đã đo huyết áp, sau đó hỏi một số câu hỏi và biết rằng cô ấy thực ra bị trật khớp hàm”, bác sĩ Luo nói với báo Guancha News. 

Thật không may, bác sĩ Luo không phải là một chuyên gia trong lĩnh vực này và cảm thấy bối rối khi nắn lại khớp hàm giúp người phụ nữ khốn khổ. Anh nói với bệnh nhân rằng mình sẽ cố gắng giúp nhưng có nguy cơ cao là anh không thể đặt hàm của người phụ nữ trở về vị trí ban đầu. Tuy nhiên, cô ấy vẫn muốn anh thử. 

Cười sái quai hàm là có thật - 2
Người phụ nữ bị sái hàm trong khi đi tàu

Bác sĩ Luo cho biết bệnh nhân khá lo lắng và cơ mặt của cô ấy rất căng thẳng. Do đó, việc nắn khớp hàm đã thất bại ngay lần đầu tiên. 

“Thay vào đó, tôi khuyên cô ấy nên đến bệnh viện nhưng nhân viên trên tàu nói rằng có thể chúng tôi sẽ phải chờ một giờ nữa. Hành khách trở nên rất kích động và muốn nắn bộ hàm cho cô ấy ngay lập tức. Vì vậy, tôi đã đồng ý thử lại”, bác sĩ kể. 

Lần này, bác sĩ Luo đã cố gắng nắn khớp khi bệnh nhân mất tập trung và anh ấy đã thành công. Một lần nữa có thể ngậm miệng trở lại, người phụ nữ hết lòng cảm ơn bác sĩ đã giúp mình.

Cô ấy nói rằng từng bị trật hàm một lần trước đây do hậu quả của việc nôn ói trong thời kỳ mang thai. Rõ ràng, một khi đã bị trật khớp hàm một lần, bạn hoàn toàn có khả năng bị lại một lần nữa, trong khi ngáp, cười hoặc chỉ là mở miệng quá lớn. 

Trà Xanh

Theo OD