Cuộc sống xa hoa không tưởng của Từ Hy Thái hậu (P1)
(Dân trí) - Người đàn bà quyền lực cai trị triều đại nhà Thanh trong gần 5 thập niên, đến nay, 109 năm sau cái chết của bà, câu chuyện cuộc đời xung quanh Từ Hy Thái hậu vẫn còn gây nhiều tranh cãi trong hậu thế.
Từ Hy Thái hậu sinh ngày 29/11/1835, là phi tử của Thanh Văn Tông Hàm Phong Đế. Năm 1856, bà sinh hạ một Hoàng tử đặt tên là Đồng Trị, cũng đồng thời là người kế vị ngai vàng sau này. Kể từ đây, bà sống một cuộc đời xa hoa và đặc quyền trong triều đình, khác hẳn với những khó khăn phải nếm trải trước kia.
Cùng Lã Hậu thời Hán, Võ Tắc Thiên đời Đường, Từ Hy Thái hậu được xem là những phụ nữ nắm quyền lực cao nhất của lịch sử Trung Hoa suốt thời gian dài.
Các nhà sử học tại Trung Quốc và nước ngoài có rất nhiều tranh luận khác biệt về những đóng góp của bà. Một số người mô tả, Từ Hy là người độc đoán và tàn nhẫn, đổ lỗi đó là nguyên nhân dẫn tới sự kết thúc của triều đại. Số khác lại nhấn mạnh những thay đổi và cải cách bà tạo ra là rất quan trọng trong thời điểm đó.
Vậy, cuộc sống đặc quyền của Thái hậu Từ Hy phía sau bức tường của Tử Cấm Thành có gì khác biệt?
Thái hậu rất sành chọn trang phục và có gu thời trang đặc biệt
Người đàn bà quyền lực nhất trong triều đại nhà Thanh được mô tả là người rất sành sỏi khi lựa chọn trang phục và có gu thời trang đặc biệt. Thái hậu rất biết cách ăn mặc và thích chụp ảnh.
Hiện Bảo tàng Cung điện ở Bắc Kinh vẫn còn lưu giữ hơn 100 tấm ảnh còn sót lại của Từ Hy Thái hậu trong hơn 30 bộ trang phục lộng lẫy khác nhau. Theo tư liệu để lại, trang phục của bà được thêu bằng ngọc trai cao cấp, kèm thêm nhiều món đồ quý giá như vòng ngọc, tram cài tóc bằng vàng, ngọc bích.
Nhìn bộ dụng cụ làm tóc trong triều đại nhà Thanh cũng thấy, quá trình làm tóc cho Thái hậu tốn không ít thời gian. Cả bộ gồm 25 món dụng cụ để tạo nên kiểu tóc búi cầu kỳ.
Thái hậu có đường sắt riêng trong cung
Để giành được sự ủng hộ của Thái hậu trong việc phát triển mạng lưới đường sắt quốc gia, Lý Hồng Chương, một đại thần trong triều nhà Thanh, đồng thời là nhà chính trị ngoại giao nổi bật, đã gợi ý xây dựng tuyến đường sắt độc quyền ở Tây Uyển. Đó là một vườn thượng uyển nổi tiếng nằm phía tây Tử Cấm Thành. Tuyến đường này là độc quyền dành riêng cho Từ Hy.
Tuyến đường sắt nằm ở vườn thượng uyển phía tây Tử Cấm Thành
Vườn thượng uyển gồm bắc hải, trung nam hải, là nơi Thái hậu thường xuyên lui tới sau năm 1888. Đây cũng là tuyến đường sắt Hoàng tộc đầu tiên ở Trung Quốc, bắt đầu xây dựng năm 1886 và hoàn thành năm 1888. Tuyến đường dài 1510m, gần cung của Thái hậu Từ Hy.
Để tăng thêm quyền lực, rèm cửa của toa xe lửa được trang trí bằng những gam màu khác nhau sao cho phù hợp với địa vị của người ngồi. Toa tàu chở Thái hậu và Hoàng đế Quang Tự có màu vàng, còn với các thành viên Hoàng tộc sẽ là màu đỏ. Màu xanh dùng cho các quan trong triều đình.
Rất đáng tiếc, trong cuộc chiến tranh nha phiến, toàn bộ tuyến đường sắt đã bị quân đội liên minh 8 nước phá hủy năm 1900.
Hoàng Hà
Theo scmp/WK