Cuộc sống khấm khá từ... trồng cỏ

(Dân trí) - Đi lên và làm giàu từ cỏ là điều mà ít ai nghĩ đến. Ấy vậy mà nhiều hộ dân phường Cẩm An (TP Hội An, Quảng Nam) vẫn hằng ngày chăm sóc và sống nhờ vào nó.

Nhiều khách sạn, resort, biệt thự… ven biển Hội An, Đà Nẵng mọc lên đã tạo công ăn, việc làm cho không ít hộ dân. Trong đó, nghề trồng cỏ nhung Nhật để trang trí, làm sân vườn, sân golf… là một điển hình.

Theo tìm hiểu của PV, người đầu tiên đưa giống cỏ nhung Nhật về với Cẩm An là ông Nguyễn Thế Dũng. Năm 2002, khi xây dựng khu Palm Garden Resort, họ tìm đến ông để nhờ nhân giống cỏ Nhật. Lúc đó, giống cỏ này rất quý, được chuyên chở về bằng máy bay. Hơn 3 tháng trồng thử nghiệm và nhân giống thành công, họ đặt vấn đề trả thù lao nhưng ông chỉ xin nhận lại 10% số cỏ này.

Người ta đánh giá chất lượng cỏ phụ thuộc vào màu sắc và độ đồng đều của cỏ
Người ta đánh giá chất lượng cỏ phụ thuộc vào màu sắc và độ đồng đều của cỏ

Ông Dũng cho biết: “Khi đặt vấn đề, họ vui vẻ đồng ý thế là tôi đã có giống để nhân trồng. Lúc đầu, giống còn khá hạn chế nên khi bán ra khá cao 150.000/m², nhưng sau đó giảm dần từ 100 đến 50 rồi nay thì còn lại 30 nghìn/m²”.

Theo ông Dũng, giống cỏ này trồng rất dễ mà ít tốn công, ít sâu bệnh, thu nhập cao. Khu vực Cẩm An gần biển, có đất cát pha là điều kiện tốt nhất để trồng giống cỏ Nhật này. Sau khi xới cát cho mịn, lên luống, xẻ rãnh, hàng cách hàng 15cm và rải phân chuồng hoặc phân vi sinh dưới rãnh. Tách cỏ giống ra trồng, cây cách cây khoảng 5cm. Chú ý khâu tưới nước và thường xuyên nhổ cỏ dại. Ngày nắng tưới 2 lần, khi nào nhiệt độ xuống thấp dưới 30 độ thì chỉ cần tưới 1 lần/ngày là đủ.


Cỏ được cắt bán theo khoảnh vuông vức, mỗi mét vuông có giá 30 ngàn

Cỏ được cắt bán theo khoảnh vuông vức, mỗi mét vuông có giá 30 ngàn

Có xuất bán được hay không, người ta thường dựa vào màu sắc và độ đồng đều của cỏ để đánh giá… Ngoài những khu resort, sân golf ven biển Đà Nẵng, Hội An đến đặt mua thì khách hàng các tỉnh từ Huế, Quảng Ngãi… cũng thường ghé đến.

Đang chăm sóc cỏ, ông Nguyễn Tri (khối phố An Tân) chia sẻ: “Gia đình tôi trồng cỏ từ nhiều năm nay, nhận thấy tiềm năng từ nghề này nên vợ chồng mạnh dạn đầu tư gần 1.000 m² để trồng cỏ nhung Nhật. Ban đầu nhiều người hoài nghi khi người ta phá cỏ bỏ đi không hết, mình lại lấy giống cỏ của nước ngoài về trồng. Nhưng rồi khi các khu resort, khách sạn… đến đặt mua mọi người mới thấy tiềm năng của giống cỏ này rồi cũng lần lượt học hỏi trồng theo. Sau 3 tháng sẽ thu hoạch một lần, mỗi đợt cũng tầm hơn 24 triệu”.

Chăm sóc cỏ nhung tại khu rerort The Nam Hai
Chăm sóc cỏ nhung tại khu rerort The Nam Hai

Hai bên con đường nhựa dẫn đến biển An Bàng, Cửa Đại (Hội An) có khá nhiều vườn cỏ Nhật màu xanh biếc, mượt như nhung, làm dịu đi cái nắng oi bức của tháng 4. Mọi ngóc ngách trong vườn, dưới tán cây, lối đi... người ta đều tận dụng để trồng cỏ nhung Nhật.

Theo ông Nguyễn Huệ (khối Tân Thịnh, Cẩm An) cho biết: “Từ khi đưa giống cỏ Nhật này vào trồng, cuộc sống gia đình chúng tôi đã khá hơn. Mỗi năm trừ đi các chi phí chăm sóc, thu cũng hơn 50 triệu đồng, khá hơn so với nghề biển nhiều rủi ro”.

Nếu trời nắng thì tưới 2 lần/ngày, khi nhiệt độ xuống thấp dưới 30 độ thì chỉ cần tưới 1 lần
Nếu trời nắng thì tưới 2 lần/ngày, khi nhiệt độ xuống thấp dưới 30 độ thì chỉ cần tưới 1 lần

Có thời điểm, nhiều gia đình trồng cỏ ở Cẩm An không có đủ hàng cung ứng cho thị trường, bởi nhiều khu resort, khách sạn, sân golf… mọc lên nhiều nên nhu cầu về cỏ nhung Nhật là khá lớn.

Nhiều khu đất vườn được người dân tận dụng để trồng cỏ. Bà Lê Thị Giàu – một người trồng cỏ ở đây - cho biết: “Gia đình tôi trồng hơn 70m² cho thu hoạch mỗi đợt từ 4-6 triệu đồng tùy theo giá thị trường”.

Tuy nhiên, hiện nay khi diện tích đất ven biển đang dần thu hẹp để mở rộng các khu du lịch hay mở các khu tái định cư cho người dân thì việc trồng cỏ nhung Nhật cũng đang giảm dần.

Trồng cỏ ở Hội An

Còn ông Nguyễn Huệ cho biết, trước đây, người trồng cỏ rất đông cũng trên 200 hộ với tổng diện tích hơn 15.000 m². Nhưng hiện nay, khi diện tích đất sản xuất đang dần thu hẹp thì nhiều người đã dần bỏ không trồng thêm cỏ nhung nữa.

Mặc dù tiềm năng khá cao, nhưng do diện tích đất ngày càng hẹp nên dù muốn nhưng cũng không biết kiếm đâu ra đất sản xuất. Nhiều người ở đây đang dần chuyển sang buôn bán, kinh doanh du lịch khi biển An Bàng được đầu tư. Dù rất tiếc nhưng đành vậy, bởi chỉ có đất ven biển này là thích hợp nhất cho cỏ nhung Nhật sinh sôi, phát triển.

N.Linh-C.Bính