Cuộc sống của những người "Tết có như không"
(Dân trí) - Dân thương hồ quanh năm lênh đênh trên sông nước sống cảnh “gạo chợ nước sông”, những ngày giáp Tết họ vẫn còn tất bật mưu sinh ở xứ người và đón cái Tết tạm bợ ngay trên chiếc ghe của mình.
Chiều 28 Tết, ở khu vực kênh Cái Khế, hồ Xáng Thổi (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) còn mấy chục chiếc ghe đang neo đậu để bán hoa, cây kiểng. Phần lớn khách thương hồ là thương lái từ huyện Chợ Lách (Bến Tre) sang đây bán cây kiểng trong những ngày giáp Tết. Ông Đặng Tấn Hữu, chở 700 chậu mai vàng từ xã Vĩnh Thành (Chợ Lách, Bến Tre) cho biết: “Dân thương hồ quanh năm suốt tháng ở dưới ghe và đón Tết cũng ở dưới ghe luôn. Khi về đến nhà thì đã hết Tết”. Theo ông Hữu, dân mua bán cây kiểng dù muốn hay không thì phải đón giao thừa ở xứ người, sớm nhất cũng sáng mùng 1 Tết mới về đến nhà rồi chuyển hàng bán không hết lên bờ rồi chăm sóc cây coi như hết Tết.
Những ngày cận Tết, gian bếp tạm phía sau chiếc ghe chẳng có bánh mứt, thịt kho mà là những món ăn hết sức tạm bợ. Bà Trần Thị Thu, ngụ huyện Châu Thành (tỉnh Trà Vinh) cho biết: “Tôi cùng chồng chở thuê cho thương lái buôn mai vàng nên cắm sào ở đây ăn Tết luôn. Nói là ăn Tết chứ sống ở dưới ghe chỉ ăn tạm cho no thôi, sau đó khi về đến nhà mới tính chuyện ăn Tết muộn”.
Trước Tết nửa tháng, hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Hoài Thanh (ngụ Vĩnh Thành, Chợ Lách, Bến Tre) cùng đứa con gái 4 tuổi chở mấy trăm chậu mai vàng đến chợ hoa xuân tại TP Cần Thơ để bán Tết. Gian bếp ngày cận Tết cũng chỉ mấy món ăn gồm cá, rau như những ngày thường. Bà Phạm Thị Hồng Châu, vợ ông Thanh cho biết: “Quanh năm suốt tháng ở dưới ghe nên riết rồi cũng quen. Dù là gần Tết cũng chỉ nấu một vài món vì phải lo tất bật buôn bán”.
Dân thương hồ ai cũng ăn uống đơn giản vì không gian chật hẹp, không có điều kiện để nấu nướng. Chiếc ghe bé xíu thì phía trước dành để chất cây kiểng, trên mui là chỗ ngủ, nghỉ ngơi còn phía sau chỉ mấy mét vuông là chổ tắm giặt, nấu ăn nên phải tận dụng tối đa.
Năm nay mai vàng trổ bông sớm, dân thương hồ buôn bán mai càng “rầu thúi ruột” và gian bếp cũng buồn hiu hắt dù Tết đã cận kề.
Minh Giang