DMagazine

Cuộc sống của cô gái Hà Nội có trái tim "chạy bằng máy"

(Dân trí) - Thùy Linh đã sống với máy trợ tim hơn 10 năm, cùng với đó là bao sóng gió cuộc đời và tình yêu, nhưng chưa bao giờ cô có ý định bỏ cuộc.

Cuộc sống của cô gái Hà Nội có trái tim "chạy bằng máy"

Thùy Linh đã sống với máy trợ tim hơn 10 năm, cùng với đó là bao sóng gió cuộc đời và tình yêu, nhưng chưa bao giờ cô có ý định bỏ cuộc.

8h sáng, Nguyễn Thùy Linh (32 tuổi, quận Ba Đình) có mặt tại Bệnh viện Tim Hà Nội để kiểm tra định kỳ trái tim của mình. Cô đã sống cùng máy trợ tim hơn 10 năm và sẽ là suốt đời, kể từ khi biết bản thân mắc block nhĩ thất độ 3 (dị tật tim, hay còn gọi là phân ly nhĩ thất) - độ cao nhất có thể gây ra biến chứng nguy hiểm, thậm chí đột tử.

"Bác sĩ nói sức khỏe tôi bình thường, máy tạo nhịp tim có thể sử dụng thêm 3-4 năm nữa", Linh cười, thở phào với kết luận của bác sĩ, sau gần 4 tiếng đợi làm các thủ tục, xét nghiệm, chụp chiếu tại bệnh viện.

Cuộc sống của cô gái Hà Nội có trái tim chạy bằng máy - 1

Thùy Linh khám tim định kỳ tại Bệnh viện Tim Hà Nội, ngày 11/10.

Ca phẫu thuật tim thất bại

Năm 18 tuổi, không theo học Cao đẳng, Linh quyết định kết hôn với một người đàn ông hơn mình 17 tuổi qua mai mối.

Người đàn ông học thức, gia đình có điều kiện, đến từ một thành phố lớn khiến cô gái vốn sinh ra từ làng quê nghèo choáng ngợp. Sau một tuần nói chuyện, anh đi từ Hà Nội lên Thái Nguyên gặp gỡ bố mẹ Linh và đặt vấn đề cưới hỏi.

Lần đầu tiên gặp gỡ, Linh không mấy ấn tượng với chồng, nhưng vẫn đồng ý tìm hiểu. Anh là mối tình đầu, lại trưởng thành và biết cách chiều chuộng, nên không lâu sau cô đã nhận lời yêu. Sau 10 tháng, họ kết hôn, dù cô đã ít nhất hai lần nói chia tay.

"Tôi yêu anh ấy bằng tất cả những gì mình có", Linh nói. Từ ngày đó, cô chuyển đến Hà Nội sinh sống, không đi làm, toàn tâm toàn ý ở nhà chăm lo gia đình nhỏ.

Đầu năm 2009, Linh mang thai. Trong một lần khám thai, bác sĩ yêu cầu cô làm thêm các xét nghiệm khi phát hiện một số điểm bất thường. Kết quả nêu rõ sản phụ bị hở van tim khi thai nhi chỉ mới 2 tháng tuổi.

Linh không khóc, nhưng chồng cô gần như suy sụp và đau khổ. Cô động viên ngược lại anh, nói rằng "em sẽ không sao".

Các bác sĩ hội chẩn nhiều lần, coi đây là trường hợp nghiêm trọng, yêu cầu Linh xem xét giữ hay bỏ con. Cô nhất quyết giữ lại em bé.

Trong suốt quá trình thai kỳ, Linh đươc gia đình hai bên yêu thương và chăm sóc hết mực. Tháng 4/2010, cô sinh mổ bé trai, sức khỏe ổn định, gần như không có biểu hiện bệnh tim.

Sau một năm Linh nuôi con bằng sữa mẹ, bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị cần phẫu thuật, nếu không "cô có thể chết bất cứ lúc nào".

Cuộc sống của cô gái Hà Nội có trái tim chạy bằng máy - 2

Linh được chẩn đoán hở van tim, sau sinh phải tiến hành phẫu thuật.

Để chuẩn bị cho ca phẫu thuật với hy vọng khỏi bệnh hoàn toàn, cô đến từng bệnh viện lớn nhỏ ở Hà Nội làm các bài kiểm tra, tham gia các buổi hội chẩn với bác sĩ.

Một ngày mùa đông năm 2011, Linh bước vào ca đại phẫu "sửa chữa" quả tim. Bác sĩ gây mê, đặt ECMO (tim phổi nhân tạo), cắt 6 xương lồng ngực bằng dao mổ điện, rạch thêm 3 lỗ trên bụng đặt ống dẫn dịch cũng như dây điện nối từ tim ra ngoài và nối xuống các ống dẫn dưới giường bệnh.

6-7 tiếng sau, cô tỉnh dậy từ trong cơn mê man, cảm giác đau đớn bao trùm khắp cơ thể. "Tôi như nhân vật chính trong một bộ phim kinh dị, xung quanh thật kinh khủng dù đã chuẩn bị trước tâm lý", Linh nhớ lại.

Cô mất một tháng để phục hồi, mỗi lần tái khám đều như cơn ác mộng. Trong cùng phòng bệnh, có cả người già lẫn trẻ em, dù mổ cùng ngày, có người tỉnh trước Linh mấy tiếng, cũng có người đến ngày cô ra viện mãi mãi không tỉnh lại.

Sẹo mổ khắp cơ thể, do dị ứng nên hầu như không lành, sần sùi khắp da thịt. Nhưng với Linh, sẹo không phải điều bận tâm lớn nhất, thay vào đó là lời thú nhận của bác sĩ.

"Ca phẫu thuật thất bại, em bị block nhĩ thất độ 3, tức là trái tim đập quá chậm", nhắc lại từng lời bác sĩ, Linh bật khóc nức nở, nói như cầm án tử trong tay, trở thành gánh nặng của gia đình.

Cô về nhà, lên mạng tìm đọc tất cả các tài liệu về block nhĩ thất độ 3. Nhịp tim của Linh chỉ có 43 nhịp/phút trong khi con số này ở nữ giới bình thường là 60. Việc này khiến khả năng bơm máu lên các cơ quan của tim không đủ, có thể gây ngất do tim ngừng đập tạm thời hoặc đột tử do tim ngừng đập kéo dài mà không được cấp cứu kịp thời.

Biện pháp điều trị tốt nhất với bệnh nhân block nhĩ thất độ 3 là đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn. Đây là một thiết bị điện nhỏ được đặt vào buồng tim, giúp tạo nhịp tim theo tần số bình thường, đủ khả năng bơm máu nuôi các cơ quan trong cơ thể.

Cuộc sống của cô gái Hà Nội có trái tim chạy bằng máy - 3

Sau ca phẫu thuật thất bại, Linh được chẩn đoán bị block nhĩ thất độ 3, buộc cấy ghép máy trợ tim vào cơ thể.

Cuộc sống của cô gái Hà Nội có trái tim chạy bằng máy - 4

Mỗi lần tái khám, bác sĩ sẽ kiểm tra tuổi thọ của chiếc máy trợ tim.

Liên tục một tháng rưỡi, Linh ra vào bệnh viện thăm khám. Sau các xét nghiệm, cô được đeo máy monitor cảm biến theo dõi nhịp tim suốt 24 giờ. Cô như một người máy, sống phụ thuộc vào thiết bị.

Bệnh tật và cuộc sống gia đình không như mong muốn, đẩy Linh đến bờ vực trầm cảm khi mới chớm 20 tuổi. Cô tủi thân, không có ai tâm sự, một mình ôm hết những gánh nặng và đã từng nghĩ sẽ tìm đến cái chết để được giải thoát một cách nhẹ nhõm.

Sức khỏe sa sút trầm trọng, nhưng Linh đắn đo việc lắp máy hỗ trợ nhịp tim. Cô biết có thể chết bất cứ lúc nào, thậm chí ra đi trong một giấc ngủ.

Mọi thứ xung quanh bỗng mờ mịt và tăm tối.

Một đêm, trong cơn đau đầu dữ dội, Linh cảm tưởng cái chết cận kề. Cô bắt đầu nghĩ về lời bác sĩ, rằng một chiếc máy hỗ trợ nhịp tim tuổi thọ trung bình 10 - 12 năm, có thể giúp cô tiếp tục sống, có thêm kỷ niệm với con trai.

Sáng hôm sau, cô vào bệnh viện, quyết định làm phẫu thuật đặt máy tạo nhịp tim, chấp nhận chung sống vĩnh viễn với nó.

Từ đó, Linh quay lại cuộc sống bình thường, làm việc ít hơn, hạn chế một số hoạt động mạnh. Cô sống giữ gìn, cố gắng bảo vệ trái tim của mình tốt nhất có thể, duy trì tập thể dục điều độ hàng ngày trên 30 phút như chạy bộ, đạp xe, bơi lội,…

Cuộc sống của cô gái Hà Nội có trái tim chạy bằng máy - 5
Cuộc sống của cô gái Hà Nội có trái tim chạy bằng máy - 6

Chế độ dinh dưỡng cũng được chú trọng không muối, ăn nhiều rau củ, quả, các loại hạt, ngũ cốc,…

Cuộc sống của cô gái Hà Nội có trái tim chạy bằng máy - 7

Mỗi ngày, Linh dành 30 phút tập thể dục như chạy bộ, đạp xe,...

"Mong ước duy nhất của tôi là được làm một người bình thường"

Một thời gian sau, hai vợ chồng Linh ly hôn do không hợp nhau. Con trai được gia đình nội chăm sóc.

Cô sống chật vật một mình ở Hà Nội: Không gia đình, không bằng cấp, không công việc, cơ thể lại bệnh tật.

Dù bế tắc, nhưng Linh cảm thấy may mắn vì luôn có con trai là động lực phấn đấu trở thành một phiên bản tốt nhất. Cô tự nhủ phải sống tốt để con luôn tự hào về mình.

Linh tìm việc làm, dù bị từ chối nhiều lần với tiền sử bệnh tim. Cô đến ứng tuyển tại một công ty vàng bạc đá quý, may mắn được nhận sau hai lần phỏng vấn. Đồng lương không nhiều, nhưng giúp cô tự chủ tài chính, dần thay đổi cuộc sống vốn chỉ phụ thuộc người khác như trước đây.

Sau này, Linh tìm cơ hội từ bất động sản, có một chút vốn, cuộc sống nhờ thế cũng khấm khá hơn.

Cô hạnh phúc mỗi sáng thức dậy trong ví có 200.000 đồng, xe đầy xăng, điện thoại đầy pin. Cô sẽ gọi cho con trai, hẹn ăn trưa, tiêu hết 200.000 đồng. Khi con trai đến trường, cô về nhà uống một cốc cà phê thật ngon, không phải lo nghĩ hay bận tâm muộn phiền.

Với cô, cuộc sống đơn giản như vậy chính là thiên đường.

Cuộc sống của cô gái Hà Nội có trái tim chạy bằng máy - 8
Cuộc sống của cô gái Hà Nội có trái tim chạy bằng máy - 9

Vì đã từng suy nghĩ nghiêm túc về cái chết và cảm tưởng bên cạnh cái chết, Linh trân quý cuộc sống hiện tại. Cô không biết ngày mai như thế nào, nên luôn sống trọn vẹn hết hôm nay.

"Trong hơn 10 năm qua sống cùng máy tạo nhịp tim, mong ước duy nhất của tôi là được làm một người bình thường", Linh nói.

Cô vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp với chồng, thường xuyên qua nhà anh chăm sóc con chung. Nhiều người nói rằng Linh nên hận chồng, nhưng cô không thể. Họ vẫn như một gia đình, chỉ khác giữa cô và anh không còn tình cảm.

Năm 30 tuổi, cô đã tự hứa sẽ không bao giờ nhắc lại câu chuyện cuộc đời. Dù nhiều lúc cảm thấy tuyệt vọng, cô đơn, tự xem bản thân là một kẻ thất bại, hay cố tỏ ra mạnh mẽ để che lấp những phần yếu đuối bên trong, nhưng Linh biết rằng mình đã nỗ lực ra sao để được sống và sống hạnh phúc.

Cuộc sống của cô gái Hà Nội có trái tim chạy bằng máy - 10

Linh tìm tới những chiếc cốc, sưu tập chúng như một động lực để đi khắp nơi mà cô muốn.

Tình yêu mới, hạnh phúc mới

Năm 2020, trong một lần vào Phú Quốc công tác, Linh gặp người yêu hiện tại. Cô đã từng lo sợ tình yêu, mặc cảm bệnh tật, nên tỏ ra dè dặt khi một người đàn ông chủ động tiếp cận.

Thời điểm này, Phú Quốc với Linh là một vùng đất mới, cuộc sống trôi qua nhẹ nhàng. Sáng cô gặp gỡ khách hàng, làm việc trong hạnh phúc, chiều đi bơi, dạo chơi dọc bãi biển.

Khi đang làm việc trong quán cà phê quen, một chuyên gia người Đức, hơn Linh 9 tuổi, vì Covid-19 mà mắc kẹt tại Việt Nam, đã chủ động làm quen với cô.

Qua cuộc trò chuyện, Linh đồng ý kết bạn và làm hướng dẫn viên cho người này dù tiếng Anh không tốt. Ngay từ đầu, cô đã vạch ra ranh giới, rằng "tôi đã từng ly hôn, có một người con, không thích kết hôn".

"Nếu anh ấy nói tìm kiếm một mối quan hệ yêu đương, tôi sẽ từ chối ngay. Nhưng chúng tôi quyết định làm bạn", Linh nói.

Một lần, người đàn ông ngoại quốc vô tình thấy vết sẹo dài của Linh. Cô cũng không che giấu bệnh tật, thừa nhận mình đã sống với máy trợ tim suốt thời gian dài.

Anh ấy bàng hoàng, nhưng mấy hôm sau, nghiêm túc ngỏ lời: "Đừng làm việc nữa, hãy để anh chăm lo cuộc đời em. Chuyện em từng ly hôn, có con… Với anh, không là gì cả".

Linh đã từng né tránh tình yêu, nhưng thời gian đủ để quen và hiểu người đàn ông này, xúc động trước lời tỏ tình "bảo vệ cả cuộc đời em", cô bắt đầu rung động và mở lòng. Cả hai yêu xa trong những năm tháng Covid-19, kết nối với nhau qua điện thoại.

Cuộc sống của cô gái Hà Nội có trái tim chạy bằng máy - 11

Linh bên người yêu hiện tại - người đàn ông Đức hơn cô 9 tuổi.

Đầu năm 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát, họ đã cùng nhau bay đến Thái Lan du lịch 15 ngày. Dừng chân tại một ngôi đền bất kỳ trên đất Thái, anh đã dừng lại, cầu hôn người mình yêu: "Linh ơi, có thể không bằng một cách chính thức, nhưng dưới sự chứng giám của các vị thần, em có thể ở bên cạnh anh mãi mãi được không? Em đồng ý làm vợ anh nhé!".

Nói xong, anh tháo sợi dây chuyền vàng trên cổ, đeo cho Linh, như một tín ước.

Người con gái khẽ gật đầu đồng ý, khóc òa trong hạnh phúc.

"Một lần được sống trong giấc mơ màu hồng như thế này, tôi cũng chấp nhận", cô tâm sự.

Thực hiện lời hứa của mình, anh bay về Việt Nam nhiều lần, gặp gỡ và nói chuyện với gia đình Linh. Cả hai cùng mua nhà ở Hà Nội, hẹn cuối năm về Đức gặp bố mẹ anh, ước mơ về một cái kết hạnh phúc.

Sinh nhật vừa rồi của Linh hồi tháng 9 là ngày đặc biệt nhất trong hơn 30 năm qua, khi cô được bên cạnh người mình yêu thực sự.

"Sau nhiều sóng gió, cuộc sống bây giờ dễ dàng quá đôi khi khiến tôi sợ hãi, liệu sẽ kéo dài bao lâu? Nhưng với tôi, mỗi ngày đều thật đáng sống và sống một cách đặc biệt", cô nói.

"Tôi ấy, sẽ không bao giờ bỏ cuộc"

Linh khát khao làm những việc tưởng như bình thường, như chạy trên đôi chân, bay lên bầu trời, lặn dưới đáy biển. Mỗi ngày, cô đều dành thời gian chạy bộ, đạp xe, bơi lội, mong muốn học khóa lặn chuyên nghiệp.

Tháng 6 vừa rồi, cô đăng ký tour khám phá Hang Én - hang động lớn thứ ba thế giới để được trải nghiệm đi rừng, lội suối và háo hức cắm trại ngủ qua đêm trong hang.

Linh băng qua 22km đường rừng trong hai ngày, hăm hở với balo trên vai, tự hào "tôi bị bệnh tim, nhưng trông khỏe mạnh như mọi người đây này".

Cô gái cảm thấy tuyệt vời khi vượt qua một giới hạn nữa của bản thân, để nhận được phần thưởng xứng đáng là một dòng suối mát lạnh, màu xanh lam trong suốt. Cô thỏa sức bơi lội, rồi lên bờ ngồi bên bếp lửa rực đỏ uống ly cà phê nóng trên tay.

Cuộc sống của cô gái Hà Nội có trái tim chạy bằng máy - 12
Cuộc sống của cô gái Hà Nội có trái tim chạy bằng máy - 13
Cuộc sống của cô gái Hà Nội có trái tim chạy bằng máy - 14

Đoạn đường về khó khăn hơn, với đường leo dốc 2 tiếng, và đương nhiên trái tim đã… phản chủ. Linh leo 3 bậc thang, sau đó dừng nghỉ vài phút. Cứ như vậy, 3 - 4 bậc lại nghỉ.

Khi được các anh hướng dẫn viên động viên, dìu đỡ, cô lại mếu máo, "Em ổn, đừng khiến em cảm thấy mình như kẻ thất bại, để em tự đi. Em đi được, đi chậm là được". Cô cố giải thích cho mọi người về cơ chế hoạt động của máy trợ tim để họ đỡ… sợ và lo lắng.

Thế là đoàn tách ra làm hai. Một nhóm đi trước, nhóm còn lại tụt phía sau vì Linh. Mỗi lần cô khóc, mọi người đều động viên "Cố gắng lên, em làm được mà".

Cô như được tiếp thêm sức mạnh, hùng hổ lao phăm phăm về phía trước. Nỗi đau như tan biến vào hư vô, trong lồng ngực cô tràn đầy sự mạnh mẽ của ý chí.

Những con dốc cứ thế nối tiếp nhau, dài hun hút, mãi chẳng chịu dừng lại. Quả tim vẫn chưa chịu hài lòng, khiến cô một lần nữa khóc nức nở, chân tay bất lực. Dù nghỉ liên tục, nhưng đôi chân vẫn đi, với khát khao chiến thắng bản thân. 

Cuối cùng, chỉ chậm hơn một tiếng so với đoàn trước, nhóm của Linh cán đích trong niềm hạnh phúc ngập tràn. Anh hướng dẫn viên nói với cô, "Lần đầu tiên có người bệnh tim lại đi leo núi đấy".

Linh cười sung sướng trong lòng, tự hào: "Tôi ấy, sẽ không bao giờ bỏ cuộc, dù cuộc đời phía trước có bao gập ghềnh đi chăng nữa".  

Nội dung: Minh Nhân

Ảnh: Mạnh Quân, NVCC