Cuộc đời buồn của những người trúng xổ số độc đắc ở Việt Nam

(Dân trí) - May mắn trúng giải độc đắc với số tiền lên tới hàng tỷ đồng nhưng rồi cuối cùng nhiều gia đình lại rơi vào cảnh nghèo hèn, vợ chồng ly hôn, con cái cũng không được nuôi dạy lên người...

Gia đình tan đàn xẻ nghé vì trúng xổ số

Tháng 5/2016, ông Phạm Văn Đồng (53 tuổi, ngụ huyện Tân Thạnh, Long An) trúng thưởng bốn tờ vé số, trong đó có ba tờ trúng giải độc đắc (1,5 tỷ đồng/tờ) và một tờ trúng giải khuyến khích (100 triệu đồng).

Sau đó ông Đồng đã tặng cho người chị ruột của mình tờ vé số trúng giải khuyến khích, còn lại ba tờ trúng giải độc đắc thì ông giữ trong người.

Hay tin ông Đồng trúng số, ông Nam (con rể ông Đồng) đã đến kêu ông đưa ba tờ vé số độc đắc để đi lãnh thưởng giúp và được ông đồng ý. Tiếp đó, ông Nam đưa ba tờ vé số cho vợ giữ. Vợ ông cùng một người con gái khác của ông Đồng là bà Mai đã đi lãnh tiền trúng thưởng.

Ông Phạm Văn Đồng, người đang kiện con gái để đòi lại 1 tỉ đồng tiền trúng vé số độc đắc. Ảnh: T.VÂN
Ông Phạm Văn Đồng, người đang kiện con gái để đòi lại 1 tỉ đồng tiền trúng vé số độc đắc. Ảnh: T.VÂN

Theo ông Đồng, nhận được tiền trúng thưởng, các con ông đã chia nhau tiêu xài. Còn lại 1 tỷ đồng, bà Mai đem gửi tiết kiệm tại một chi nhánh ngân hàng ở huyện Tân Thạnh.

Ông đã nhiều lần yêu cầu con gái chuyển số tiền này cho ông tự quản lý nhưng bà không chịu. Vì vậy ông đã khởi kiện, yêu cầu TAND huyện Tân Thạnh tuyên buộc bà Mai phải trả lại 1 tỷ đồng cho ông.

Theo ông Đồng, số tiền trúng thưởng các con ông đã chia nhau tiêu xài hết. Bà Mai chỉ mua cho ông một căn nhà để ở. Hàng ngày ông vẫn phải làm vườn, tự kiếm tiền sinh sống.

“Lâu lâu hết tiền, tôi qua xin nó cho được năm chục hoặc một trăm nghìn thôi, như vậy thì làm sao mà sống. Tôi bệnh kêu con lấy xe chở cha đi khám bệnh, nó biểu tôi đi xe ôm đi… Mà nói thiệt, nó lấy hết tiền tôi cũng không buồn bằng cái nó hỗn. Tôi là cha mà nó chửi tôi như…”. Nói đến đây thì ông nghẹn lời, không nói được nữa.”

Kể về hoàn cảnh của mình, ông Đồng buồn rầu kể: “Tôi có bốn người con. Vợ thì đã thôi nhau mười mấy năm rồi. Mấy đứa nhỏ sống với mẹ hết. Tôi ở một mình, có gì ăn đó. Hồi sau có một thằng con trai chạy về ở với tôi. Tôi nghèo lắm, không có tiền để cấp dưỡng, các con cũng không oán trách mà còn thường xuyên thăm hỏi. Hồi đó nghèo vậy chứ mà vui…”.

Người trúng 13 tờ độc đắc và cái kết đau đớn

Hơn 10 năm trước, Huỳnh Văn Thức (32 tuổi, ở xã Thuận An, huyện Bình Minh, Vĩnh Long) mừng rỡ về báo với cha mẹ trúng được 13 tờ vé số đặc biệt. Ngỡ rằng, gia đình từ đây sẽ sang một trang mới thoải mái hơn nhưng nào ngờ lại trở nên bi thảm.

Số tiền trúng số, Thức mua một ngôi nhà mới, ruộng vườn đầy đủ. Sau đó, Thức mua liên tục 3 - 4 chiếc xe để dành thay đổi chạy. Còn gia đình, ngoài số tiền sửa sang lại căn nhà dột nát, Thức không phụ giúp gì thêm.

Qua mai mối, Thức cưới được người vợ vài tháng sau đó. Vườn tược, Thức đẩy hết cho vợ trông coi để mình thỏa sức ăn nhậu. Mùa màng liên tục thất bát, tiền bạc cũng từ đó vơi đi phần nhiều.

Hiện trường vụ án mạng.
Hiện trường vụ án mạng.

Những tưởng Thức sẽ hối lỗi, tu chí làm ăn nhưng ngược lại, nhậu nhẹt ngày một nhiều hơn rồi trở nên nóng nảy, sinh tật chửi bới, đánh đập người vợ cho là “vô dụng”. Chịu không nổi chồng vũ phu, người vợ quyết định bỏ đi khi đứa con gái nhỏ mới vài tháng tuổi.

Mẹ Thức nghẹn lời: "Mất vợ mà thằng Thức vẫn không biết sợ, chứng nào tật nấy. Nhậu riết mà của cải để dành bao nhiêu cũng bán sạch, không còn cục đất chọi chim".

Người cha già tuổi đã gần 70 không nguôi chua xót: "Mở mắt ra là thằng Thức bắt đầu kiếm chuyện chửi. Từ già đến trẻ, nó không nể một ai. Như vợ chồng tôi lớn tuổi, không làm gì nổi, chỉ biết nuôi mấy con gà vịt kiếm tiền, vậy mà nó cũng la dơ sân.

Còn ban đêm thấy nó nhậu về, một là cả nhà qua hàng xóm né; hoặc trốn trong bụi lùm, không thì phải im lặng, nó chửi mà hó hé là bị rượt đánh, té sứt đầu mẻ trán. Nó từng nói xem vợ chồng tôi còn… thua con chó vì nghèo mà đẻ nó ra làm chi. Nghe đau lắm nhưng tụi tôi chỉ biết nuốt nước mắt vào trong".

Chứng kiến sự tàn độc của anh trai, Huỳnh Nhật Trường (29 tuổi, em của Thức) vô cùng bất mãn. Trong một lần đi nhậu trở về thấy anh trai chửi bới bố mẹ, không kiếm chế được Trường xông vào đâm Thức đến tử vong. Sau khi anh mình được gia đình đưa đi cấp cứu, Trường cũng lẳng lặng đến công an xã trình báo sự việc.

Chồng ôm 1,5 tỉ đồng tiền trúng xổ số đi kiếm quý tử

Cách đây hơn 10 năm, vợ chồng bà Lê Thị Lũy (47 tuổi, trú tại khu phố 6, phường Trưng Mỹ Tây, Q.12, TP.HCM) mưu sinh bằng nghề bán vé số. Cuộc sống nghèo khó, chồng bà là ông Nguyễn Văn Nam (49 tuổi) thường ao ước, nếu một ngày trời cho trúng số thì sẽ dùng tất cả số tiền xây dựng kinh tế gia đình cho vợ con bớt khổ.

Bà Lũy đến nay vẫn không biết chồng mình ôm tiền tỷ đi đâu.
Bà Lũy đến nay vẫn không biết chồng mình ôm tiền tỷ đi đâu.

Tháng 8.2009, thời vận cũng mỉm cười với họ thật, khi mấy tờ vé số ế chưa kịp trả cho đại lý trúng giải độc đắc trị giá 1,5 tỉ đồng.

Tay trong tay đi lĩnh thưởng, hai người đã dự tính sau khi cầm tiền trong tay sẽ sớm rời Sài Gòn, về quê làm ăn. Thế nhưng, đến buổi sáng hôm sau, ông Nam lại bảo bà đi mua lễ vật về mang lên chùa cúng dường tạ ơn. Răm rắp nghe theo lời chồng, bà Lũy không ngờ khi trở về thì đã thấy trong ngoài trống vắng, ông Nam đã đi đâu không rõ.

Căn nhà thuê lụp xụp bà Lũy đang ở nuôi con.
Căn nhà thuê lụp xụp bà Lũy đang ở nuôi con.

Thấy lạ, bà Lũy đi vào trong gian buồng thì bắt gặp tờ giấy nhỏ bọc lại một cọc gì đó vuông vức. Bà vội mở ra xem thì thấy cọc tiền 10 triệu đồng, trên tờ giấy ghi nguệch ngoạc mấy dòng chữ: “Xin lỗi em, nhưng anh phải có đứa con trai để sau này còn có người bưng bát nhang, em hiểu cho anh”.

Đến lúc này, bà Lũy mới ngỡ ngàng. Hóa ra lâu nay ông Nam mong chờ một đứa con trai nối dõi tông đường nhưng bà lại gặp trục trặc về đường sinh nở. Giờ có bạc tỉ trong tay, ông mới trở mặt, bỏ vợ đi kiếm người đàn bà khác mong sinh quý tử để có người “chống gậy”.

Cho gần hết tiền sau khi trúng số 7,6 tỉ đồng

Chiều 28 Tết Canh Dần (2010), ông Hết, ở đường Lạc Long Quân, phường 5, TP.HCM thuộc diện xóa đói giảm nghèo được một nhà hảo tâm tặng cho chút tiền lì xì. Dùng số tiền này, ông mua 6 tờ vé số. Chiều hôm ấy, trong số 6 tờ vé số ông mua thì có 5 tờ trúng giải đặc biệt, 1 tờ trúng giải an ủi, tổng cộng 7,6 tỉ đồng. Nghe tin ông Hết trúng số, bà con lối xóm kéo đến chúc mừng.

Có lẽ do trí tuệ không còn minh mẫn nên gặp ai ông cũng móc tiền ra cho, chưa kể ông còn làm từ thiện và đền ơn những người đã từng giúp đỡ ông. Chỉ một ngày sau khi trúng số, gần 1 tỉ đồng đã bay hết.

Ông Hết sau ngày trúng số.
Ông Hết sau ngày trúng số.

Số tiền còn lại, chính quyền địa phương hướng dẫn ông làm thủ tục, gửi ngân hàng, mỗi tháng lĩnh lãi để ổn định cuộc sống. Ai dè đến cận Tết Tân Mão (2011), bà con trong xóm té ngửa khi biết “tỉ phú” Hết chỉ còn vài trăm triệu đồng mà nguyên do là từ ngày trúng số, bỗng có nhiều người tự xưng là “cháu” tấp nập đến thăm ông mặc dù ông Hết không con cái.

Hàng xóm kể, có người lúc gặp ông đã ôm lấy ông khóc nức nở, miệng gọi “ông“, gọi “bác” xưng “cháu” nghe ngọt sớt. Hầu hết những người đến thăm ông đều được ông cho tiền, ít thì vài triệu, nhiều thì cả trăm.

Đến tháng 7/2010, vợ ông Hết qua đời, một số người “cháu” của ông đứng ra lo đám tang, chi phí ước tính khoảng 500 triệu nhưng thực tế số tiền này vẫn là tiền của ông Hết. Một cán bộ ở phường 5 cho biết, số tiền còn lại trong ngân hàng của ông Hết là 850 triệu đồng. Và vì chuyện cho ai, tặng ai là quyền tự do cá nhân của ông nên chính quyền không thể can thiệp.

Hiện tại, ông Hết được một người thân ở Gò Vấp đưa về nuôi. Hàng xóm cho biết đôi lần ông Hết về thăm xóm cũ và lần nào cũng vậy, ông vẫn giữ thói quen mua vé số với lời khẳng định “từ đây tới chết, tui sẽ còn trúng độc đắc một lần nữa!”.

Hà Trang

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm