Cuộc chiến mua vé xe Tết: Xếp hàng xuyên đêm, gọi hàng chục cuộc vẫn hết vé

Minh Nhân

(Dân trí) - Nhiều người dân quê Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị... cho biết "năm nào mua vé xe khách Tết từ Hà Nội về quê đều như một cuộc chiến".

Xếp hàng xuyên đêm mua vé Tết

6h ngày 10/1, chị Trần Linh (32 tuổi) có mặt lấy số thứ tự tại một điểm bán vé xe khách chặng Hà Nội - Hà Tĩnh ở quận Cầu Giấy (Hà Nội). Dù 7h phòng vé mới mở bán vé Tết Nguyên đán, hàng chục người đã đến từ sớm, kiên nhẫn xếp hàng.

"Tôi cứ nghĩ đã đến sớm, nhưng không ngờ phải bỏ cuộc sau hai tiếng chưa đến lượt", chị Linh nói.

Ngọc Hiền (27 tuổi) quên lịch mở bán vé Tết, song không quá lo lắng do đã "đặt gạch" với nhà xe trước một tuần. Dù 11h30 mới có mặt tại điểm bán vé, cô được ưu tiên, chỉ cần đọc tên và lấy một cặp vé khứ hồi Hà Nội - Hà Tĩnh hết một triệu đồng, tăng 200.000 đồng so với bình thường.

"Rút kinh nghiệm từ các năm trước, tôi đã gọi điện đặt chỗ, đúng ngày mở bán chỉ cần đến lấy vé", Hiền nói, cho hay năm nào mua vé Tết về quê đều như một cuộc chiến.

Ba năm trước, do không kịp đặt vé xe về Hà Tĩnh, Hiền đăng ký đi xe của hội sinh viên tình nguyện. Xe khách dạng 45 ghế ngồi, không giường nằm, giá rẻ hơn so với thị trường đổi lại là sự mệt mỏi suốt 6 tiếng, nhưng "về được đến nhà là hạnh phúc rồi".

Cuộc chiến mua vé xe Tết: Xếp hàng xuyên đêm, gọi hàng chục cuộc vẫn hết vé - 1

Các chuyến xe từ Hà Nội về các tỉnh miền Trung tại bến xe Mỹ Đình, cuối tháng 11/2023 (Ảnh minh họa: Viên Minh).

Theo thông báo mở bán vé Tết từ 7h ngày 8/1, Minh Phương (21 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) gọi điện liên tục qua đường dây nóng của nhà xe nhưng luôn trong trạng thái "đường dây bận". Sau một tiếng với hàng chục cuộc gọi trong vô vọng, Phương bỏ cuộc.

Cô nhờ người thân ở Nghệ An đến trực tiếp phòng vé, may mắn mua lại được một vé về tối 27 Tết do người trước đó đặt nhầm ngày nên trả lại.

"Mức giá tăng nhẹ, không chênh lệch bao nhiêu. Nhiều người bạn của tôi bất lực do không thể đặt vé, đánh liều đến gần ngày ra bến mua vé xe dù", Phương nói.

Đại diện một nhà xe giường nằm tuyến Hà Nội - Nghệ An, Hà Nội - Hà Tĩnh cho biết, các phòng vé bắt đầu mở bán trực tiếp từ 7h ngày 6/1, người dân xếp hàng chờ đến lượt.

Theo vị đại diện, nhiều người đã xếp hàng xuyên đêm hoặc từ 4h sáng, nói "thà trực chờ mua vé giường nằm còn hơn đứng trên xe 6 tiếng về quê".  

Sau 3-4 tiếng mở bán, toàn bộ vé của các chuyến cao điểm từ ngày 23 đến 29 tháng Chạp đã hết. Trước đó, công ty đã dành nhiều chỗ cho khách hàng thân thiết, đặt vé từ trước.

"Số lượng vé năm nay tăng hơn hẳn mọi năm, dù chưa ghi nhận đột biến. Chúng tôi đã tăng cường thêm chuyến xe phục vụ bà con về quê ăn Tết", người này cho biết.

Tương tự, một nhân viên bán vé của một hãng xe chuyên tuyến Hà Nội - Hà Tĩnh, cho hay đã hết vé từ ngày 23 đến 28 tháng Chạp sau một ngày mở bán, còn duy nhất vé tối 29 Tết.

"Nếu bạn không đặt luôn thì mấy tiếng nữa cũng sẽ hết vé", người này giục

Chiều ngược lại Hà Tĩnh - Hà Nội cũng đã hết sạch đến ngày mùng 5 Tết Giáp Thìn, chỉ còn từ mùng 6 Tết.

Trước đó, nhà xe này thông báo mở bán trực tiếp và qua điện thoại từ ngày 10/1, không nhận đặt vé qua tin nhắn hay mạng xã hội. Người dân đến các phòng vé tại Hà Nội và Hà Tĩnh để giao dịch.

Tuy nhiên, đường dây bị quá tải, nhà xe phải xin lỗi khách hàng không thể nghe điện thoại để tư vấn.

Đơn vị này cũng giải thích giá vé tăng từ 50.000 đến 100.000 đồng do nhu cầu đi lại tăng cao, công ty tăng cường thêm xe phục vụ khách hàng, "chiều từ Hà Tĩnh ra Hà Nội sẽ không có khách nên không đủ chi phí tăng cường xe".

Cuộc chiến mua vé xe Tết: Xếp hàng xuyên đêm, gọi hàng chục cuộc vẫn hết vé - 2

Nhiều người cho biết năm nào mua vé Tết từ Hà Nội về quê đều như một cuộc chiến (Ảnh minh họa: Viên Minh).

Bí kíp "sinh tồn"

Sinh sống và làm việc tại Hà Nội 10 năm, nhưng chưa lần nào đặt xe về Tết là điều suôn sẻ với Đức Huy (29 tuổi, quê Quảng Trị). Những năm đầu đại học, cuộc chiến đặt vé "vô cùng khốc liệt" do chưa có kinh nghiệm, anh phải ngồi ghế phụ hoặc giữa hành lang với mức giá bằng ghế giường nằm.

Chàng trai nói từng gọi 7 nhà xe nhưng đều được thông báo hết vé, ngày 29 Tết chấp nhận may rủi đến bến "có xe nào đi xe đấy, ghế ngồi cũng như ghế nằm".

Có năm, do không mua được vé, anh phải ngồi ghế phụ trên tàu hỏa suốt 12 tiếng từ Hà Nội về Quảng Trị.

"Từ đó, tôi rút ra bí kíp sinh tồn", anh nói.

Cuộc chiến mua vé xe Tết: Xếp hàng xuyên đêm, gọi hàng chục cuộc vẫn hết vé - 3

Hành khách chấp nhận nằm giữa lối đi của xe khách từ Hà Nội về Nghệ An do hết vé giường nằm, tháng 10/2023 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Một tháng trước Tết, anh sẽ "canh" các trang thông tin của nhà xe, đợi đến ngày họ thông báo mở bán vé để "đặt gạch" từ sớm. Anh sẽ đặt luôn cặp vé khứ hồi, tránh đến ngày hết vé ra Hà Nội phải xin cơ quan nghỉ làm một ngày như nhiều năm trước.

Huy thường chọn ghế giường nằm tầng hai, tuy không thoải mái so với tầng một, nhưng không phải chịu cảnh xe nhồi nhét khách nằm hai bên, giữa lối đi và hành lang.

"Tôi thường hỏi rõ giường nào, số bao nhiêu, thậm chí hỏi luôn tên người trực tổng đài, ghi âm cuộc gọi làm bằng chứng. Cách đây hai năm, khi đến bến xe, tôi phải nằm ghế phụ dù đã đặt từ trước", anh tâm sự.

Người mẹ 60 tuổi của Huy từng "khiếp sợ" khi ra Hà Nội thăm con rồi cùng về quê dịp Tết. Trải nghiệm lần đầu đi xe giường nằm ở tầng hai không sung sướng gì khi phía dưới tầng một người ngồi và nằm la liệt lối đi, bà không thể di chuyển đến buồng vệ sinh ở cuối xe.

Từ đầu tháng 1, Thùy Dung (28 tuổi, quê Hà Tĩnh) đã gọi điện cho những nhà xe thân quen để hỏi lịch bán vé. Suốt một tiếng đồng hồ vào ngày mở bán, cô gọi liên tục cho 4-5 nhà xe, nhưng nơi thông báo hết vé, nơi quá tải đường dây.

"Cuối cùng, tôi đặt được vé ở phòng vé khá mới, không về thẳng nhà, mà đi qua huyện khác, dừng giữa quốc lộ cách nhà 10km. Sau đó, tôi sẽ gọi người nhà ra đón", Dung kể.

Dù thường đi xe khách vào buổi tối để tiện nghỉ ngơi, Nguyễn Hải - bạn của Dung - chấp nhận về quê trưa 27 Tết.

"Các nhà xe hỏi đến vé Tết là tắt máy luôn vì hết vé", anh nói.

Cuộc chiến mua vé xe Tết: Xếp hàng xuyên đêm, gọi hàng chục cuộc vẫn hết vé - 4

Hành khách ngồi vật vã đợi xe để về quê dịp Tết Dương lịch 2023 tại bến xe ở Hà Nội (Ảnh minh họa: Nguyễn Hải).

Chán cảnh xếp hàng hoặc canh điện thoại mua vé xe khách, Nguyễn Thúy (27 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết ba năm trở lại đây cô đều đi tàu hỏa. Cô sắp xếp công việc, đặt vé tàu trước một tháng.

Một số người bạn của Thúy chọn "phượt" xe máy hơn 300km từ Hà Nội về Hà Tĩnh hoặc đi ô tô ghép với người lạ tìm được trên các hội nhóm. Cô cho rằng hai cách di chuyển này rất nguy hiểm. 

"Tôi chọn đi tàu hỏa vì an toàn, mà không phải chen chúc mua vé xe khách. Có năm tàu vắng, nhưng cũng có thời điểm đông đúc do nhiều người chuyển từ xe khách sang đi tàu hỏa. Dẫu vậy, tôi vẫn có thể mua vé thoải mái, mức giá không đổi", Thúy nói.

* Tên một số nhân vật đã thay đổi