Covid-19 bào mòn lao động nhập cư TPHCM: Mất việc, không thu nhập, lo lắng

Xuân Hinh Nam Thái

(Dân trí) - Sau khi khu trọ được gỡ phong tỏa, anh Hòa gọi điện khắp nơi vay tiền lo sinh hoạt. Hơn một tháng ở nhà, vợ chồng anh đã tiêu hết tiền tiết kiệm, chưa biết sống ra sao trong những ngày tới.

Công nhân thẫn thờ vì thu nhập bấp bênh khi dịch lan rộng

Khó khăn bủa vây

Covid-19 bào mòn lao động nhập cư TPHCM: Mất việc, không thu nhập, lo lắng - 1

Khu trọ của anh Hòa và anh Khẩn đang lưu trú có mức giá thuê là 1,5 triệu đồng/tháng chưa tính tiền điện, nước.

Đến khu nhà trọ dành cho công nhân tại phường Thạnh Lộc (quận 12, TPHCM) sau khi nơi đây vừa được gỡ bỏ phong tỏa theo chỉ thị 16. Xóm trọ nghèo có hơn 30 căn phòng, với giá thuê 1,5 triệu đồng/phòng/tháng.

Ngồi trong phòng nhìn ra phía cửa, anh Nguyễn Minh Hòa (28 tuổi) thở dài buồn bã. Gần một tháng qua, anh và gia đình nằm trong diện phong tỏa để phòng dịch Covid-19 nên không có thu nhập. Anh Hòa nói đã hết sạch tiền để lo chi phí sinh hoạt những ngày tiếp theo.

Covid-19 bào mòn lao động nhập cư TPHCM: Mất việc, không thu nhập, lo lắng - 2

Khi vừa mới xin vào làm trình dược viên của một công ty dược được vài tháng thì anh phải tạm nghỉ ở nhà và không có thu nhập do dịch.

"Trước đây tôi chạy xe ôm công nghệ. Tới năm 2019, vì muốn cuộc sống gia đình ổn định hơn, tôi xin đi làm trình dược viên với lương cứng là 4 triệu đồng/tháng. Khi đó, mỗi tháng thu nhập từ lương và hoa hồng nếu đạt chỉ tiêu cũng được hơn chục triệu. Tuy vậy, vừa làm được vài tháng thì dịch bùng phát", anh Hòa thở dài.

Từ khi dịch ập đến, công việc của anh bắt đầu bị ảnh hưởng, thu nhập vì thế bấp bênh. Hai năm qua, dù đã xoay xở rất nhiều nhưng lương của vợ chồng cũng chỉ đủ chi phí sinh hoạt gia đình.

Anh bảo vừa phải gọi điện "cầu cứu" bạn bè và người thân để lo tiền trả phòng trọ và chi phí sinh hoạt gia đình.

Covid-19 bào mòn lao động nhập cư TPHCM: Mất việc, không thu nhập, lo lắng - 3

Vợ anh là công nhân của công ty dệt may với mức lương 9 triệu đồng/tháng nhưng nay phải tạm nghỉ việc ở nhà do dịch, không có thu nhập.

Vợ anh Hòa là công nhân một công ty dệt may, mức lương khoảng 9 triệu đồng/tháng. Cũng như chồng, từ khi dịch bùng phát, thu nhập của chị bị giảm quá nửa.

"Gần một tháng nay, dịch bệnh khiến hai vợ chồng phải nghỉ làm ở nhà, không có thu nhập. Hiện giờ, tiền trang trải chủ yếu dựa vào khoản tiết kiệm và đi mượn bạn bè, người thân", anh Hòa kể.

Covid-19 bào mòn lao động nhập cư TPHCM: Mất việc, không thu nhập, lo lắng - 4

Hiện tại mọi chi phí sinh hoạt trong nhà, anh Hòa đều phải dùng tiền tiết kiệm hoặc đi vay của người thân, bạn bè

Cùng hoàn cảnh với vợ chồng anh Hòa, anh Trần Văn Khẩn (41 tuổi) - nhân viên kỹ thuật của một công ty đo đạc địa chính cũng khó khăn không kém.

"Công việc của tôi cả năm chỉ có khoảng 3 tháng làm việc thực địa với mức lương cao khoảng 10 triệu đồng/tháng. Thời gian còn lại, chủ yếu làm việc tại văn phòng, lương chỉ 4,5 triệu đồng. Giờ lại phải ở nhà do dịch, không biết lấy tiền đâu mà trang trải chi phí sinh hoạt", anh Khẩn lo lắng.

Để giảm bớt chi phí, anh Khẩn đã gửi các con về quê nội ở Hải Dương nhờ ông bà chăm sóc. Mọi chi tiêu của hai vợ chồng phải cắt giảm tối đa nhưng vẫn thiếu trước hụt sau.

Covid-19 bào mòn lao động nhập cư TPHCM: Mất việc, không thu nhập, lo lắng - 5

Anh Trần Văn Khẩn-nhân viên kỹ thuật của công ty đo đạc địa chính, phải ở nhà vì không có việc. 

"Bình thường vợ chồng tôi cố gắng gửi về quê ít tiền nhờ ông bà chăm lo cho 2 cháu. Nhưng thời gian này, cả hai đều  ở nhà nên không còn dư đồng nào để gửi", anh Khẩn nói buồn rầu.

"Nếu dịch chừng 2 tháng thì chúng tôi còn vay mượn cầm cự được. Tình hình kéo dài thế này có thể vợ chồng phải nắm tay nhau về quê làm ruộng" - vợ chồng anh Khẩn nói vui nhưng đầy tâm tư. 

Biết ơn mọi sự hỗ trợ

Covid-19 bào mòn lao động nhập cư TPHCM: Mất việc, không thu nhập, lo lắng - 6

Anh Khẩn đã gửi 2 con về quê nhờ ông bà chăm sóc nhằm giảm bớt gánh nặng mưu sinh. 

Kể về quãng thời gian vừa qua, anh Khẩn nói những lúc khó khăn thế này mọi sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, chủ nhà trọ, từ gạo, rau củ… hay ổ bánh mì anh chị cũng biết ơn.

Thông qua báo đài, vợ chồng anh Khẩn biết về gói an sinh xã hội thứ 2 của UBND TPHCM. Tuy nhiên, anh chị đều lo lắng không biết gia đình mình có nằm trong danh sách được nhận hỗ trợ hay không.

"Vợ chồng tôi hy vọng sẽ được hỗ trợ vì gia đình thì ở trọ, hộ khẩu thì ở xa. Nếu được nhận hỗ trợ, đây chính là sự động viên tinh thần, giúp tôi vững tin vượt qua giai đoạn khó khăn này", anh Khẩn chia sẻ.

Rồi người đàn ông quê Hải Dương tâm sự: "Nhận được hỗ trợ đương nhiên ấm lòng, nhưng điều mà tôi mong mỏi nhất bây giờ là được tiêm được vắc xin. Có như vậy người lao động, công nhân mới thêm tự tin tiếp tục đi làm đảm bảo kinh tế gia đình".

Covid-19 bào mòn lao động nhập cư TPHCM: Mất việc, không thu nhập, lo lắng - 7

Anh Khẩn mong mỏi sớm được tiêm được vắc xin để đi làm trở lại. 

Cùng suy nghĩ như anh Khẩn, vợ chồng anh Hòa bày tỏ phấn khởi khi hay tin về gói hỗ trợ thành phố sắp triển khai.

"Đây là lần đầu tiên tôi nghe thông tin về gói hỗ trợ an sinh lần 2 này. Đây chính là thứ mà công nhân, người lao động như tôi đang cần. Việc hỗ trợ là minh chứng cho thấy sự quan tâm của Nhà nước đến lao động nghèo gặp khó khăn trong mùa dịch", anh Hòa tâm sự.

Theo anh Hòa, thời gian vừa qua gia đình nhận được hỗ trợ nhiều nhu yếu phẩm từ chính quyền địa phương. Anh kỳ vọng gói an sinh xã hội lần 2 kịp thời đến với người lao động tự do, công nhân gặp khó khăn để có điều kiện ổn định cuộc sống.

TPHCM thông qua gói hỗ trợ Covid-19 886 tỷ đồng

Kỳ họp thứ nhất HĐND TPHCM khóa X vừa thông qua đề xuất của UBND TPHCM về gói hỗ trợ Covid-19 với 886 tỉ đồng cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch. Gói hỗ trợ này quy định cụ thể đối tượng, điều kiện nhận hỗ trợ.

Theo đó, hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người lao động/lần đối với hai đối tượng người lao động tại các doanh nghiệp; các cơ sở sản xuất kinh doanh; cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên ở các cấp mầm non, tiểu học, THCS, THPT; cơ sở giáo dục dạy nghề dân lập, tư thục tại TP.HCM.

Cụ thể:

- Người lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 30 ngày liên tục trở lên, từ ngày 1/5 - 31/12/2021 và đang tham gia đóng BHXH bắt buộc trước khi tạm hoãn, nghỉ việc không lương… Số người dự kiến được hỗ trợ: 80.000 người.

- Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Số người dự kiến được hỗ trợ: 20.000 người.

Riêng đối tượng người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người hoặc người đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người là mẹ hoặc cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng.

Hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc do dịch Covid-19, giảm sâu thu nhập hoặc không có thu nhập trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để kiểm soát dịch Covid-19. Số người dự kiến được hỗ trợ: 230.000 người.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm