“Công dân Thủ đô ưu tú” và cái nghề “rỗi hơi” của thiên hạ
(Dân trí) - Giữ vai trò là Tổ trưởng Tổ tuần tra của phường Khương Mai (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã 17 năm, ông Nguyễn Văn Hùng được người dân quanh đây yêu mến gọi với cái tên “Cảnh sát nhanh 113”. Năm nay, ông được UBND TP Hà Nội xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”.
Những ngày gần đây, ông Hùng vắng nhà nhiều hơn bởi phường sắp diễn ra nhiều hoạt động lớn. Một ngày của ông bắt đầu từ 7 giờ sáng với công tác phân luồng giao thông, sau đó phối hợp với công an phường thực hiện nhiệm vụ. Có hôm, đến quá nửa đêm ông vẫn chưa được nghỉ ngơi.
Vất vả là thế, nhưng khi nhắc đến công việc của mình, ông vẫn kể bằng giọng hào hứng. Không khó để nhận ra ở người Tổ trưởng Tổ tuần tra này cái chất hài hước của người lính, xen vào đó là sự chiêm nghiệm, trải đời của một người đàn ông đã sống quá nửa đời người.
Với những đóng góp và sự tận tâm trong công việc, ông là 1 trong 9 cá nhân được đề cử, xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” nhân kỉ niệm 62 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954- 10/10/2016).
Hai lần phải điều trị phơi nhiễm HIV
Năm 2000, sau khi rời quân ngũ, ông Hùng bắt đầu tham gia công tác phường. Tính đến nay, ông đã tham gia hàng trăm vụ án hình sự và được ví như khắc tinh của tội phạm.
“Ai biết đến công việc của tôi đều nói rằng vất vả quá, có người còn gọi đùa đây là cái nghề “rỗi hơi” vì chẳng mấy ai muốn nhận nhiệm vụ này, vừa do nó chiếm mất hầu hết quỹ thời gian, hơn nữa, nguy hiểm thì luôn cận kề”, ông Hùng tâm sự.
Có những hôm cao điểm, ông đi từ sáng sớm đến chiều muộn, ăn vội bữa cơm rồi lại tất tả đi luôn cho kịp ca trực tối. Ngày nghỉ, ngày cuối tuần là lúc mọi người nghỉ ngơi, nhưng đây mới là thời gian ông và tổ tuần tra bận rộn hơn cả.
Thực hiện nhiệm vụ, không ít lần ông phải đối mặt với các đối tượng bị trung tâm, trại giam trả về do nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối. Hầu hết những người này đều có “máu liều”, sẵn sàng lợi dụng tình trạng bệnh để làm việc trái pháp luật. Cũng chính những trường hợp này đã khiến ông Hùng phải 2 lần điều trị phơi nhiễm HIV.
Vợ ông nhớ lại: “Ông ấy giấu mọi người, mãi sau nhà mới biết. Cứ nghĩ ông ấy bận, nhưng thực ra là vào viện 1 mình rồi tiêm thuốc và điều trị”.
Nói về kí ức mà ai nghe cũng không tránh khỏi hoang mang, ông vẫn nửa đùa nửa thật: “Đối phó với những tình huống như thế, chẳng còn cách nào khác là chống trả đến cùng. Có phải lúc nào cũng lây nhiễm được đâu, tôi nghĩ là do… số cả rồi”.
Dừng lại vài nhịp, ánh mắt ông bỗng trở nên xa xăm: “Nhưng làm công việc này rồi mới biết, nhiều khi, họ thành ra như vậy là vì những yếu tố bên ngoài. Có người từ nhà giam trở về không còn được gia đình chấp nhận nữa, cùng quẫn quá mới quay lại con đường cũ. Có làm, có hiểu, tôi càng mong mình có thể cảm hóa được họ”.
Trong kí ức của người “Công dân ưu tú”, có hàng chục những câu chuyện không thể quên trong suốt gần 20 năm làm công tác trật tự cho phường. Các câu chuyện về những lần truy bắt cướp theo lời kể dí dỏm của ông cũng dần hiện ra như một thước phim sinh động.
Danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” là trách nhiệm nặng nề
Vợ ông Hùng chia sẻ: “Tôi ủng hộ công việc của ông ấy lắm, nhưng có nhiều người trong nhà thì không đồng tình. Ông ấy đi suốt ngày, có hôm về tiếng cũng khản đặc, cứ như “say” với công việc vậy”.
Điều duy nhất khiến ông thấy “gợn” trong lòng không phải sự an nguy của bản thân, cũng không nằm ở số tiền trợ cấp ít ỏi, mà đó là việc đội trật tự chưa có trang thiết bị đầy đủ, hầu như “tay không bắt giặc”.
“Kể cả có những đối tượng dọa dẫm bệnh tật vẫn phải cố bắt bằng được, nếu không, người dân sẽ nhìn mình thế nào? Dù sao vai trò của chúng tôi cũng là đội an ninh. Tôi làm công việc này vì sự an toàn cho nhân dân chứ không ham danh vọng, càng không phải vì tiền tài”, ông Hùng nói.
Được xét tặng “Công dân Thủ đô ưu tú”, với ông Hùng đó là niềm vui, nhưng cũng đồng thời là trách nhiệm. “Tôi chỉ là người bình thường, đơn giản là đang thực hiện nhiệm vụ của mình, được nhân dân và các cấp trên yêu quý, tin tưởng, tôi thấy rất vinh dự.
Bên cạnh đó, điều quan trọng hơn là khi nhận được danh hiệu đó rồi, mình phải hành động ra sao cho xứng đáng. Tôi coi đây cũng là một trách nhiệm nặng nề, nó khiến tôi nhắc nhở bản thân phải cố gắng hơn nữa để không phụ tấm lòng của mọi người. Sau này, sức khỏe sẽ có phần yếu đi, nhưng điều chắc chắn là mình vẫn sẽ cố làm mọi điều có thể để góp sức giữ bình yên cho nhân dân”.
Bài và ảnh: Hoàng Ngọc