Columbus mang bệnh giang mai vào châu Âu?

(Dân trí) - Các nhà khoa học Mỹ đã đưa ra một bằng chứng mà họ khẳng định là thuyết phục nhất từ trước nay liên quan tới giả thuyết nhà thám hiểm Christopher Columbus, người đầu tiên khám phá ra châu Mỹ, đã đem bệnh giang mai vào châu Âu.

Thông tin trên được các chuyên gia Mỹ đưa ra hôm 14/1 đã làm sống lại cuộc tranh luận kéo dài nhiều thập kỷ về nguồn gốc của căn bệnh giang mai.

 

Christopher Columbus và các thủy thủ lâu nay bị nghi ngờ là đã đem căn bệnh giang mai từ châu Mỹ về châu Âu vào thế kỷ thứ 15 và do đó căn bệnh này lan tràn ở châu Âu thành một đại dịch rộng, cướp đi sinh mạng của nhiều người.

 

Qua phân tích di truyền học của tiền sử bệnh giang mai, các chuyên gia đã phát hiện ra rằng họ hàng gần nhất của nó là một người Nam Mỹ bị bệnh ghẻ cóc, căn bệnh lây nhiễm gây ra do cùng một loại vi khuẩn với bệnh giang mai.

 

Kristin Harper, nhà nghiên cứu sinh vật học thuộc đại học Emory ở Atlanta và là một thành viên của nhóm nghiên cứu, nói: “Một số người nghĩ đó thực sự là căn bệnh cổ nhất mà tổ tiên loài người đầu tiên của chúng ta mắc phải. Một số người nghĩ căn bệnh đó có nguồn gốc từ châu Mỹ”.

 

Bà Harper nói thêm: “Điều mà chúng tôi phát hiện ra là bệnh giang mai lây nhiễm từ Thế giới Mới (châu Mỹ) sang Thế giới Cũ (châu Âu, châu Á, châu Phi) và điều này xảy ra gần đây trong lịch sử loài người”.

 

Bà Harper cũng cho rằng cuộc nghiên cứu đã góp thêm bằng chứng khẳng định giả thuyết Columbus và các thành viên thuỷ thủ của ông bị nhiễm giang mai và gây ra dịch bệnh ở châu Âu vào năm 1495 khi trở về.

 

Bệnh giang mai là một bệnh nhiễm khuẩn do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây nên. Nó chủ yếu lây truyền chủ yếu qua đường tình dục. Triệu chứng ban đầu của bệnh là đau nhức sau đó phát ban, sốt và cuối cùng có thể gây ra mù, liệt và mất trí nhớ.

 

Hầu hết các bằng chứng khoa học trong những năm gần đây về nguồn gốc của bệnh giang mai là từ các di tích xương người được tìm thấy tại cả Thế giới Mới và Thế giới Cũ. Tuy nhiên, các phân tích xương luôn bị trục trặc do không thể xác định chính xác tuổi tác của xương và thiếu các bằng chứng dịch tễ.

 

Ánh Ninh

Theo Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm