Chuyện tình đẫm nước mắt của đôi vợ chồng ngồi xe lăn ở Lạng Sơn

(Dân trí) - Không có loa đài, không cầu kỳ, tốn kém nhưng phút giây cô dâu Phạm Thị Ngọc và chú rể Hoàng Văn Tuấn ngồi xe lăn, được họ hàng hai bên đưa lại gần nhau để trò chuyện khiến nhiều người có mặt rưng rưng rơi lệ. Điều đặc biệt, ngày cưới cũng chính là ngày đầu tiên anh chị được gặp nhau ngoài đời thực.

Chuyện tình của chị Phạm Thị Ngọc (SN 1983, Thái Bình) và anh Hoàng Văn Tuấn (SN 1978, Lạng Sơn) khiến nhiều người rơi lệ vì xúc động. Họ, hai con người, hai số phận kém may mắn trong cuộc sống nhưng vượt lên tất cả là tình yêu chân thành và nghị lực sống mạnh mẽ, đáng trân trọng.

Cách đây 10 năm, trên chuyến xe khách trở ra Bắc, chị Ngọc không may gặp tai nạn. Chuyến xe định mệnh đã khiến chị bị chấn thương nặng, không thể đi lại. Từ một cô gái xinh đẹp, tự tin với nhiều ước mơ, hoài bão, chị Ngọc trở nên sống khép kín và ngại giao tiếp với mọi người.

Cho đến bây giờ, những ngày tháng phải đối mặt với nỗi đau bệnh tật vẫn khiến chị ám ảnh mỗi lần nhớ lại. “Gần 7 năm tôi giam mình trong phòng, không nói chuyện với ai kể cả những người thân thiết nhất. Cảm giác như mọi cánh cửa của cuộc đời đã đóng sập từ sau vụ tai nạn ấy”, chị Ngọc xúc động kể.

Ảnh cưới hạnh phúc của chị Ngọc, anh Tuấn. Ảnh: P.T.N
Ảnh cưới hạnh phúc của chị Ngọc, anh Tuấn. Ảnh: P.T.N

Để vơi bớt nỗi buồn, chị Ngọc tham gia vào nhóm “Nghị lực sống” trên mạng xã hội, nơi hội tụ những con người có chung hoàn cảnh giống mình. Hàng ngày, ngoài thời gian thêu tranh, chị lại dành thời gian chia sẻ, tâm sự với mọi người.

Một lần, thấy cuộc gọi nhỡ trong máy điện thoại, chị Ngọc bèn nhờ người bạn gọi lại. Mất một vài phút ngập ngừng, người đàn ông ở đầu dây bên kia tự giới thiệu tên là Hoàng Văn Tuấn, người dân tộc Tày ở Lạng Sơn. Thấy chị Ngọc và mình có chung hoàn cảnh nên gọi điện làm quen, kết bạn.

Ban đầu, chị Ngọc còn khá e ngại, rụt rè nhưng chính tính cách thân thiện, cởi mở của anh Tuấn đã khiến chị có cảm giác tin tưởng, đồng cảm. Qua điện thoại, anh Tuấn kể, cách đây 13 năm anh cũng bị tai nạn khiến đôi chân không thể đi lại được. Người vợ anh đã bế theo con trai bỏ đi, để lại người con gái ở lại chăm sóc cha.

Hàng ngày, anh Tuấn sống bằng nghề sửa chữa xe máy nhưng không thể ngồi dậy mà phải nằm úp để sửa. Cuộc sống của hai bố con chủ yếu sống dựa vào sự đùm bọc, cưu mang của gia đình, hàng xóm. Mới đây, người con gái cũng đã lập gia đình, anh Tuấn hiện sống một mình trong căn nhà nhỏ bên cạnh nhà người em ruột.

Chị Ngọc chia sẻ: “Dù có hoàn cảnh khá bi đát, đáng thương nhưng anh chưa bao giờ than trách số phận ngược lại lúc nào cũng lạc quan, vui vẻ. Anh hay hát và hát rất hay, trò chuyện với anh mình cũng như được truyền thêm nghị lực sống mỗi ngày”.

Hàng ngày để trang trải cuộc sống, chị Ngọc nhận làm thêm các công việc thêu tranh, làm hoa đá bán online ở nhà. Ảnh: P.T.N
Hàng ngày để trang trải cuộc sống, chị Ngọc nhận làm thêm các công việc thêu tranh, làm hoa đá bán online ở nhà. Ảnh: P.T.N

Cứ như thế, những cuộc điện thoại giữa hai người ngày càng nhiều lên, họ tâm sự và chia sẻ với nhau về mọi chuyện trong cuộc sống. Tình cảm giữa hai người từ đó cũng nảy nở một cách tự nhiên. Sau hai tháng quen biết nhau, chị Ngọc kể lại chuyện về người đàn ông mình đang yêu thương với mẹ và bày tỏ nguyện vọng muốn được cùng anh sống đến hết phần đời còn lại. Lo lắng cho con gái, trong một lần họ hàng về nhà chơi tiện chuyến xe lên Lạng Sơn, mẹ chị Ngọc đã tự mình ghé qua thăm và tìm hiểu gia cảnh của anh Tuấn.

Trái ngược với sự kỳ vọng của chị, trở về sau chuyến đi, mẹ chị một mực bắt con gái phải từ bỏ mối quan hệ này. “Mẹ ôm mình và bảo, nhà anh ấy đường vào thì xa xôi, cách trở, anh ấy sức khỏe lại yếu nếu hai đứa lấy nhau sẽ chỉ khổ suốt đời”, chị Ngọc nói. Nghe mẹ nói, chị Ngọc không giấu nổi đau khổ, vẫn một mực quyết tâm bảo vệ tình yêu của mình đến cùng. Không đành lòng, bố chị lặng lẽ đứng ra thuyết phục mọi người. Ông bảo: “Hãy để cho nó được thử cảm giác trọng đại của đời người con gái một lần”.

Vậy là ngay sau đó, đám cưới giản dị của hai anh chị đã được tổ chức. Ngày đón dâu, đoàn nhà trai vỏn vẹn chỉ có 10 người, anh mặc áo sơ mi trắng, quần âu còn chị xinh đẹp rạng ngời trong chiếc váy thêu hoa xanh. Điều đặc biệt, ngày cưới cũng chính là ngày đầu tiên, anh chị được gặp nhau ngoài đời thực. Không có loa đài, không cầu kỳ, tốn kém nhưng phút giây cô dâu, chú rể ngồi xe lăn, được họ hàng hai bên đưa lại gần nhau để trò chuyện khiến nhiều người có mặt rưng rưng rơi lệ.

Nhớ lại giây phút đó, chị Ngọc không giấu nổi xúc động, kể: “Gọi là đám cưới nhưng chỉ có vài ba mâm cỗ mời họ hàng, người thân. Lần đầu nhìn thấy anh, trong khi mình thì xấu hổ, e ngại còn anh thì cười rất tươi và liên tục động viên mình”.

Sau khi ở lại nhà gái một ngày, chị Ngọc theo anh Tuấn về quê nhà ở bản Châu, xã Tri Lễ, huyện Văn Quan (Lạng Sơn). Nơi hai vợ chồng ở là một bản nhỏ thuộc diện khó khăn, hẻo lánh, cách trung tâm huyện khoảng 20km. Hàng ngày, để trang trải cuộc sống, chị nhận làm thêm nghề hoa thêu tranh còn anh cho thuê loa đài đám cưới.

Sau 3 năm kết hôn, cho đến bây giờ dù cuộc sống vẫn còn thiếu thốn, khó khăn nhưng chị Ngọc cho biết chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình. Chỉ có điều khiến chị lo lắng nhất là sức khỏe của anh Tuấn ngày càng xấu đi, anh hay đau ốm và suy nhược cơ thể không làm được gì.

Để lo cho anh, hai vợ chồng đã phải chạy vạy, vay mượn thậm chí bán một phần đất nhưng bệnh tình vẫn không suy chuyển: “Giờ mình chỉ mong một phép màu giúp anh Tuấn khỏi bệnh, có sức khỏe để làm chỗ dựa tinh thần cho gia đình. Khó khăn, nghèo đói đến đâu hai vợ chồng mình cũng có thể gắng gượng vượt qua được”, chị Ngọc tâm sự.

Hà Trang