Hà Tĩnh:

Chuyện về mái nhà đặc biệt nơi cửa biển

(Dân trí) - Không cùng huyết thống nhưng 10 đứa trẻ vẫn gọi ông Tam, bà Hương là cha mẹ. Suốt 4 năm qua, họ quây quần, sống yên vui dưới một mái nhà.

Đó là mái nhà đặc biệt của vợ chồng lão ngư Nguyễn Hữu Tam (63 tuổi) và Trần Thị Hương (65 tuổi) ở thôn Bắc Lạc, xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh).

Những đứa con đặc biệt

Chuyện về mái nhà đặc biệt nơi cửa biển - 1

Bà Hương bên những đứa con đặc biệt của mình

Vợ chồng ông Tam, bà Hương có 6 người con. Đến nay, các con của ông đều đã trưởng thành.

Ông làm nghề đi biển đến nay đã được hơn 30 năm tuổi nghề. Còn bà Hương là giáo viên tiểu học về hưu.

Căn nhà của vợ chồng bà ở cuối con đường bê tông đổ ra cửa biển, luôn ngập tràn tiếng cười nói, đùa giỡn của trẻ thơ.

Điều đặc biệt trong mái nhà ấy là những đứa trẻ không chung huyết thống nhưng tất cả đều gọi ông Tam, bà Hương là bố mẹ và ngược lại.

Chuyện bắt đầu từ khoảng cuối tháng 5/2015, những người dân xung quanh ngạc nhiên khi hai vợ chồng bà đưa về 10 đứa trẻ với các lứa tuổi khác nhau. Rồi từ đó, hai vợ chồng chăm sóc, nuôi nấng như con đẻ của mình.

Bà Hương cho biết, gia đình có người thân lập ra 3 trung tâm cưu mang trẻ mồ côi, cơ nhỡ và những người bị bệnh phong ở TP.Hồ Chí Minh. Thương cho số phận của những đứa trẻ, hai vợ chồng quyết định đón 10 cháu nhỏ về quê, làm thủ tục để chăm sóc.

“Thấy các cháu tôi thương lắm. Các cháu cũng giống như con mình, nhưng sinh ra đã thiệt thòi, thiếu thốn. Nên hai vợ chồng thống nhất đón 10 cháu về nhà để chăm sóc. Đứa lớn thì vài tuổi, đứa bé nhất thì mới 20 ngày”, bà Hương cho biết.

Cũng theo bà Hương, những đứa trẻ ở đây, đứa thì sinh ra bị cha mẹ bỏ rơi, đứa thì do mẹ tâm thần bị người ta lừa lọc đến có thai, có cháu là “thành quả” của những mối tình vụng trộm...

Ngày nhận các cháu về nhà chăm sóc, vợ chồng bà Hương cũng nhận nhiều lời ra vào không hay. Nhưng với tình thương bao la, thấu hiểu cho số phận của những đứa trẻ, vợ chồng bà bỏ tất cả ngoài tai.

“Có nhiều người lo vợ chồng tôi già rồi không thể chăm sóc được. Nhưng ngoài hai vợ chồng thì nhiều người hàng xóm cũng thường xuyên qua giúp đỡ. Vợ chồng tôi muốn thay cha mẹ chúng nuôi nấng và cho ăn học thành người”, bà Hương tâm sự.

Hạnh phúc khi thấy con lớn khôn

Chuyện về mái nhà đặc biệt nơi cửa biển - 2

Thấy các con khôn lớn từng ngày là niềm hạnh phúc vô bờ bến của vợ chồng bà Hương

Suốt 4 năm qua là những cảm xúc khó tả đối với vợ chồng bà: mệt nhọc, lo âu, căng thẳng và niềm vui, hạnh phúc những đứa trẻ mang lại.

“Hai vợ chồng tóc đã bạc gần hết đầu rồi mà cảm xúc chăm những đứa trẻ thì y như lúc mới sinh con lần đầu. Lúc chúng ốm đau thì lo lắng, thức trắng xuyên đêm, lúc thấy chúng vui cười, khỏe mạnh thì thấy thật bình yên, hạnh phúc. Mệt mà vui lắm”, bà Hương nở nụ cười hiền hậu.

Bà Hương kể, những ngày đầu nhận nuôi, bọn trẻ khi đói sữa đồng thanh khóc khiến ông bà trở tay không kịp. Bà phải nhờ chị gái, con gái ở gần nhà và hàng xóm sang phụ pha sữa, thay bỉm.

“Thời gian đầu vất vả lắm. Đêm là hai vợ chồng phải thức dậy đến 3 lần để cho các cháu ăn. Nhưng vợ chồng tôi xem những đứa trẻ như là con của mình nên cũng vượt qua. Bây giờ đứa lớn nhất đã chuẩn bị vào lớp hai rồi. Giờ thì đỡ vất vả hơn rồi”, bà Hương cười.

Những đồng lương hưu của bà Hương, những mẻ cá ông Tam đánh bắt được đem bán, tất cả đều dành hết cho những đứa trẻ.

“Tiền lương hưu, rồi tiền đi biển của ông và một phần của các tổ chức từ thiện hỗ trợ nên bước đầu cũng lo được cho các cháu. Dù khó khăn thế nào thì chúng tôi vẫn luôn dành hết yêu thương và mong các cháu sẽ nên người”, bà Hương chia sẻ.

Dẫu có đôi lúc mệt nhọc, lo âu nhưng thấy những đứa con của mình lớn khôn từng ngày có lẽ là món quà tuyệt vời nhất đối với vợ chồng bà Hương.

Xuân Sinh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm