Chuyện tình qua mạng của nữ y tá Việt nên duyên cùng doanh nhân Ấn Độ
(Dân trí) - Sau hai tuần trò chuyện qua mạng, chị Ý "đánh liều" vượt hơn 3.000km sang Ấn Độ gặp người đàn ông ngoại quốc mới quen.
Chuyến đi này cũng chính là khởi đầu cho chuyện tình yêu xuyên biên giới đẹp như mơ của nữ y tá U40 với vị doanh nhân Ấn hơn 8 tuổi.
Trở về nhà ở thành phố Bangalore sau 3 ngày cùng chồng tới trang trại cà phê của gia đình, chị Yuly Shetty (tên tiếng Việt là Đỗ Ý) không cảm thấy mệt mà còn thích thú vì được thư giãn, "đổi gió" dịp cuối tuần.
Từ khi làm dâu Ấn Độ, đều đặn hàng tuần, chị lại được chồng đưa tới khu vườn cà phê rộng hơn 40ha, nằm tách biệt ở "khu khỉ ho cò gáy". Nơi này "không internet, không mạng xã hội" nhưng bù lại chị được hít hà bầu không khí trong lành, tận hưởng thiên nhiên tối đa, tạm gác mọi ồn ào, khói bụi nơi phố thị.
Vườn cà phê chỉ là một trong số bất động sản mà gia đình chồng chị Ý đang sở hữu, bên cạnh khu resort 20.000m2 (vừa để ở, vừa kinh doanh tiệc cưới), một bệnh viện tư và một ngôi nhà cổ gần 150 năm ở thành phố biển.
Đến bây giờ, nghĩ lại, chị Ý vẫn không tin mình đã kết hôn cùng với người chồng ngoại quốc luôn chu đáo, chiều chuộng vợ và được tận hưởng cuộc sống sang chảnh như giới thượng lưu nơi đây.
Cơ duyên gặp gỡ của nữ y tá Việt và doanh nhân Ấn Độ
Anh Shetty (44 tuổi, quốc tịch Ấn Độ) vốn có thói quen mỗi năm xuất ngoại một lần, đến những nơi có bãi biển xinh đẹp để thư giãn, nghỉ dưỡng. Tháng 10/2019, anh quyết định tới Việt Nam, chọn Đà Nẵng làm điểm đến để trải nghiệm lặn biển - sở thích mà bản thân duy trì hàng chục năm nay.
Khi quá cảnh tại TP. HCM, anh Shetty vô tình nhìn thấy hình ảnh của chị Ý (36 tuổi, làm y tá tại một trung tâm y tế ở Quận 5) trên một ứng dụng hẹn hò. Tò mò trước bức hình của người phụ nữ Việt Nam có dáng người nhỏ nhắn, nụ cười thân thiện, người đàn ông Ấn Độ mạnh dạn nhắn tin làm quen. Vài ngày trôi qua, những dòng tin gửi đi nhưng không nhận được hồi đáp.
"Thời gian đó, tôi vừa chia tay mối tình với bạn trai. Trong lúc buồn chán, rảnh rỗi thì chị gái bảo tải thử ứng dụng hẹn hò xem sao. Cài đặt được một tuần thì tôi thấy anh Shetty nhắn tin. Anh gửi lời chào và khen những tấm hình của tôi đẹp.
Nhưng tôi không trả lời vì có chút dè chừng sau khi đọc được những tin tức không tốt về đàn ông Ấn Độ. Chỉ khi thấy được sự chân tình từ anh, tôi mới phản hồi. Nhưng bản thân chưa từng nghĩ đến chuyện sẽ kết hôn với đàn ông Nam Á", chị Ý nhớ lại lần đầu nói chuyện qua mạng với Shetty.
Trở lại Ấn Độ, anh tiếp tục gửi tin nhắn, gặng hỏi lý do vì sao đối phương không phản hồi. Lúc này, chị Ý mới lịch sự trả lời: "Tôi không quan trọng bạn đến từ đâu, quốc tịch, màu da gì. Tôi tìm kiếm người chân thành, nghiêm túc để tìm hiểu và đi đến hôn nhân vì tôi không còn trẻ. Nếu chỉ vui chơi qua đường thì đừng làm tốn thời gian của tôi".
Thấy vậy, người đàn ông ngoại quốc không ngần ngại tiết lộ bản thân cũng tìm người nghiêm túc để kết hôn. Điều này khiến cả hai như "bắt sóng" được nhau, cứ thế kéo dài những cuộc trò chuyện thâu đêm suốt sáng dù phải nhờ tới google dịch.
Khi mối quan hệ đã trở nên thân thiết, anh Shetty gọi video cho chị Ý nhiều hơn. Dù tiếng Anh chưa tốt, có khi chưa hiểu đối phương nói gì nhưng chị vẫn thấy gần gũi và tin tưởng người đàn ông ngoại quốc. Qua những tin nhắn, cuộc gọi sau đó, tình yêu giữa hai người cứ thế chớm nở, lớn dần theo. Vậy nên khi nhận được lời mời sang Ấn Độ du lịch từ anh, chị Ý đã gật đầu đồng ý.
"Nói chuyện với nhau khoảng 2 tuần thì anh đề nghị lên kế hoạch gặp nhau. Lúc đầu, tôi muốn anh sang Việt Nam nhưng anh rất bận, không thể qua lâu được, cùng lắm chỉ khoảng 3-4 ngày. Rồi Shetty nói, tôi có thể qua Ấn Độ thăm anh ấy trước cũng được. Tôi suy nghĩ và cũng muốn sang đó một lần để tìm hiểu con người, gia đình, công việc và bạn bè của anh thế nào.
Tiếp đến là xem bản thân có thích nghi được với cuộc sống, ẩm thực, văn hóa ở quốc gia này hay không. Bởi tôi và anh từng đổ vỡ hôn nhân và không còn trẻ nên không muốn lãng phí thời gian. Thế là tôi đồng ý và anh nhanh chóng làm visa rồi đặt vé cho tôi qua Ấn Độ tham quan", chị nói.
Buổi trưa một ngày mùa đông năm 2019, chị Ý vượt hơn 3.000km từ TPHCM sang Bangalore - thành phố lớn phía nam Ấn Độ để gặp mặt Shetty.
Lần đầu tiên nhìn thấy Shetty ở sân bay, nữ y tá làm việc tại TPHCM có chút "đứng hình" khi đối phương có vẻ ngoài "bình dân" với áo thun, quần jeans và đi dép lào. Còn người đàn ông Ấn Độ đã nhận ra chị Ý, bất giác mỉm cười trước cô bạn gái dáng người nhỏ nhắn, mặc chiếc đầm dịu dàng vẫn nổi bật giữa đám đông.
Từ sân bay về nhà, cả hai đều tỏ ra ngại ngùng, còn Shetty chủ động giữ khoảng cách. "Nhầm tưởng" đối phương không thích mình, chị Ý ngỏ lời bảo anh đổi vé để về Việt Nam sớm. Lúc đó, Shetty mới tiến lại gần, ôm lấy "nửa kia" và nói "anh nghĩ vồ vập quá làm em sợ và nghĩ anh không thật lòng".
Chuyện tình xuyên biên giới, vượt qua rào cản văn hóa và khoảng cách
Chuyến đi này, chị Ý ở lại Bangalore 20 ngày, tham quan không gian sống và gặp gỡ các thành viên trong gia đình anh Shetty. Đây là một thành phố lớn nằm ở phía Nam của Ấn Độ, có khí hậu mát mẻ như Đà Lạt nên người phụ nữ Việt dễ dàng thích nghi.
Vừa đặt chân tới nhà của anh Shetty, chị đã ngỡ ngàng bởi cơ ngơi rộng tới 20.000m2, chia thành hai khu vực. Một khu để cả gia đình sinh sống, không gian còn lại phục vụ cho hoạt động kinh doanh sự kiện và tiệc cưới.
"Ngay từ cổng vào đã có bảo vệ mở cửa và cúi chào, đi thêm 2 vòng cửa nữa mới vào tới khu vực gia đình ở. Đến khu nhà ở thì tôi thấy gara rất rộng, chứa cả chục cái xe hơi và mô-tô. Ngoài ra còn có tới 10 người giúp việc, gồm một đầu bếp, một phụ bếp, một người quét dọn nhà cửa, giặt đồ, một người ủi đồ, một người làm vườn, một người chăm sóc thú cưng, hai tài xế, một y tá chăm sóc mẹ anh Shetty,...", chị nhớ lại.
Lần đầu gặp nhau cũng là lần đầu ra mắt gia đình anh Shetty, chị Ý không khỏi lo lắng. Cả hai sợ rằng, mẹ Shetty sẽ không ủng hộ chuyện họ quen nhau vì đa số phụ huynh Ấn Độ không muốn con trai kết hôn với phụ nữ nước ngoài.
Thậm chí, anh Shetty còn tỉ mỉ ghi ra giấy cách để giới thiệu bạn gái với mẹ. May mắn thay, ngay từ lần gặp đầu tiên, mẹ anh đã có cảm tình với chị Ý, khen chị xinh và hiền. Bà cũng bày tỏ quan điểm rằng, cả hai cứ ở với nhau, tìm hiểu thật kỹ, khi nào muốn kết hôn thì nói cho bà.
Ngày cuối cùng ở Bangalore trước khi về Việt Nam, anh Shetty và chị Ý ngồi lại nói chuyện với nhau, thổ lộ tình cảm của mình với đối phương. Người phụ nữ Việt cũng chủ động hỏi đối phương suy nghĩ, cảm xúc ra sao. Còn vị doanh nhân Ấn bày tỏ muốn mối quan hệ của cả hai phát triển hơn nữa.
Đúng một tháng sau khi về nước, chị Ý quyết định xin nghỉ công việc đã gắn bó 8 năm để quay trở lại Ấn Độ lần hai, xua tan nỗi nhớ của cặp đôi yêu xa.
Lần này, chị dành thời gian ở đây tới 3 tháng. Tình cảm của nữ y tá Việt và doanh nhân Ấn vì thế ngày càng sâu đậm và gắn kết hơn. Chị cũng dần thích nghi với cuộc sống xa xứ.
Lần thứ hai sang Ấn, chị được gia đình bạn trai hướng dẫn, giới thiệu về nhiều nét văn hóa đặc biệt của quốc gia này, những lưu ý cần nhớ trong quá trình sinh hoạt, ăn uống,...
Chị cũng được anh Shetty đưa đi du lịch, khám phá một số điểm đến nổi tiếng tại địa phương hay dành thời gian tìm hiểu về cuộc sống, công việc của gia đình bạn trai cũng như người dân Ấn Độ.
Hết hạn visa 3 tháng, chị Ý về Việt Nam làm thủ tục chuẩn bị đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở nước ta, cặp đôi không thể gặp nhau, phải yêu xa 1 năm 7 tháng. Chị cũng tranh thủ thời gian này để trau dồi khả năng tiếng Anh, giúp cả hai có thể thấu hiểu và chia sẻ với nhau được nhiều hơn.
Tháng 10/2021, Ấn Độ mở cửa cho các loại visa như chữa bệnh, học tập, vợ chồng, công việc,... Vì gia đình có bệnh viện tư nhân nên anh Shetty làm thư bảo lãnh cho chị Ý sang đoàn tụ. Cặp đôi cũng tranh thủ hoàn tất thủ tục đăng ký kết hôn.
Nửa năm sau, cả hai chính thức làm đám cưới ngay tại khu resort rộng rãi của gia đình anh Shetty. Vì cả hai từng đổ vỡ hôn nhân nên lần kết hôn này không có các phong tục truyền thống giữa hai nước. Tiệc cưới kéo dài tới gần sáng, được tổ chức theo phong cách hiện đại với sự tham gia của người thân, bạn bè hai bên.
Trong ngày vui của cuộc đời, chị Ý mặc 3 bộ trang phục, gồm: Đồ truyền thống Ấn Độ để chụp hình cùng các thành viên nhà chồng trong cơ ngơi của gia đình; bộ váy cưới màu trắng hiện đại chụp riêng cùng chú rể và bộ áo dài đỏ truyền thống Việt Nam mặc khi tiếp quan khách tới dự lễ.
Theo truyền thống Ấn Độ, khi về nhà chồng, người phụ nữ phải mang theo quà hồi môn nhưng ở nhà anh Shetty từ trước đến nay không có tục lệ đó. Nàng dâu không phải mang theo bất cứ thứ gì.
Trước khi đám cưới diễn ra ít ngày, mẹ chồng còn gọi chị Ý vào phòng riêng, lấy ra một hộp trang sức bằng kim cương chứa các món bông tai, nhẫn và dây chuyền rồi cho con dâu lựa những thứ mình thích. Riêng bà ngoại của chồng cũng tặng cháu dâu Việt một cây vàng.
Cuộc sống làm dâu nhà hào môn
Sau kết hôn, chị Ý đổi tên theo chồng, đặt là Yuly Shetty. Với chị, cuộc sống làm dâu ở Ấn Độ không có gì khó khăn. Trong nhà, mọi thứ đều có người giúp việc lo toan, xử lý. Chị hiếm khi phải làm việc nhà nên thời gian rảnh sẽ tập thể thao, cùng chồng đi công tác hoặc học hỏi, trau dồi thêm văn hóa Ấn.
"Tôi muốn đi đâu thì có tài xế đưa đón, chăm sóc rất chu đáo. Muốn mua gì thì đặt hàng online, có thể thoải mái đổi trả theo ý thích. Đôi lúc cần gì, tôi ghi ra giấy sẽ có tài xế đi mua", chị nói.
Sống xa nhà vài nghìn cây số, chị Ý thấy may mắn vì có chồng thấu hiểu và luôn quan tâm, động viên. Anh luôn cố gắng làm mọi thứ để vợ vui, thoải mái. Khi chị cần gia vị để nấu món Việt, anh sẽ tìm khắp nơi và mua bằng được cho vợ trổ tài. Những ngày chị mệt mỏi, đến kỳ kinh nguyệt, anh lại chườm nóng, mát-xa lưng cho vợ đỡ đau.
Chị ăn được đa số các món Ấn nhưng chỉ thưởng thức 1-2 lần/tuần. Những bữa khác, chị tranh thủ nấu món Việt để cả gia đình hoặc hai vợ chồng cùng ăn. Vốn là người gốc Bắc, chị cũng thường nấu các món ăn đặc trưng của Hà Nội, giới thiệu với gia đình chồng về văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Anh Shetty cũng yêu thích các món Việt mà vợ nấu như phở heo, phở gà, bún chả Hà Nội, bánh tôm, chả giò,... Ở Ấn Độ, những người theo đạo Hindu không ăn thịt bò tại nhà nên anh thường đưa vợ ra nhà hàng để thưởng thức món beefsteak.
Người Ấn ăn bằng tay phải. Mẹ chồng sợ chị ăn bằng tay không quen nên thường nhắc chị ăn bằng đũa, muỗng. Nhưng chị muốn ăn bằng tay giống mọi người để cảm nhận rõ nhất về đồ ăn và văn hóa của đất nước chồng. Mẹ chồng chị cũng rất vui và khen con dâu ăn bằng tay khéo.
Biết con dâu thích ăn hải sản, bà còn đặt hàng từ quê ở thành phố biển Mangalore. Bà coi chị như con gái, luôn dặn chị cứ ăn mặc và làm những điều mà bản thân thấy thoải mái nhất.
Giờ giấc sinh hoạt của người Ấn cũng khác người Việt. Buổi sáng, chị thức giấc lúc 9h rồi được giúp việc phục vụ món Chai (trà sữa truyền thống nóng của Ấn Độ được pha với sữa tươi nguyên chất). Trong lúc chị uống Chai, người giúp việc sẽ dọn đồ ăn sáng. Bữa sáng của gia đình chị thường có nước ép trái cây (mùa nào trái đó).
14h, cả gia đình sẽ ăn trưa, gồm cơm với cà ri các loại như cà ri gà, cà ri hải sản... Ngoài các món Ấn, nàng dâu Việt còn làm thêm mấy món rau mang đậm hương vị quê nhà như rau luộc, canh, gỏi. Đây cũng là những món mà các thành viên trong gia đình chồng chị đặc biệt yêu thích.
Buổi tối, gia đình chị không ăn cơm, chỉ ăn trái cây và uống sữa tươi. Nhà chị nuôi bò lấy sữa, nếu còn dư thì người giúp việc mang ra trước cổng bán vào buổi chiều.
Thỉnh thoảng, chị Ý chế biến thêm món Việt để hai vợ chồng thưởng thức. Khi chị nấu, người giúp việc sẽ chuẩn bị sẵn các nguyên liệu như bóc vỏ tỏi, hành, gừng, vắt sẵn chanh,... Lúc rảnh, anh Shetty cũng vào bếp phụ vợ nấu nướng, xem đó như cách thể hiện tình cảm với bà xã.
"Bất cứ bữa ăn nào, anh ấy đều dành tặng tôi một nụ hôn và nói lời cảm ơn vì đã nấu cho anh những món ngon, dinh dưỡng. Ngoài mẹ, tôi cũng là người phụ nữ đầu tiên nấu ăn cho anh nên anh rất trân trọng điều đó", nàng dâu Việt tâm sự.
Anh Shetty là một doanh nhân (quản lý bệnh viện tư của gia đình và khu resort kinh doanh tiệc cưới) nên có nhiều bạn bè.
Mỗi lần tiệc tùng cùng bạn, anh đều đưa vợ đi. Các bữa tiệc thường diễn ra vào đêm muộn, có những hôm hai vợ chồng phải tham gia vài bữa tiệc nên về nhà khi đồng hồ đã điểm 2,3h sáng.
May mắn, gia đình chồng có tư tưởng hiện đại, mẹ chồng rất tâm lý nên không để con dâu dậy sớm vào sáng hôm sau. Chị cũng không phải mặc đồ truyền thống giống nhiều chị em dâu Ấn Độ khác.
Mỗi lần nhà có khách hay bạn bè đến chơi nhà, anh không để chị phải làm gì. Vì ở Ấn Độ, đàn ông thường là người phục vụ phụ nữ, quan tâm họ từ những việc nhỏ nhất nhưng thể hiện sự tinh tế như lấy đồ, rót nước uống,...
Người Ấn cũng có thói quen ôm, hôn má nhẹ để chào hỏi khiến chị ban đầu hơi ngại nhưng dần đã quen và thấy điều đó rất lịch sự, văn minh.
Nàng dâu Việt tiết lộ, ở Ấn Độ, ngay trong gia đình chị cũng có những nguyên tắc riêng. Ví dụ, người giúp việc sẽ ở khu vực riêng, sử dụng riêng WC, nhà tắm và bếp. Nhà chồng chị có 3 khu bếp, hai khu ở ngoài để người giúp việc nấu và 1 bếp trong nhà để gia đình dùng.
Người giúp việc sẽ cúi đầu nhẹ và tránh sang một bên khi gặp gia chủ. Tuy nhiên, người Ấn thường đi bên trái, còn người Việt đi bên phải nên đôi khi chị bối rối, nhầm lẫn, tránh qua tránh lại nên đụng nhau.
Trong thời gian sống ở nhà chồng, thỉnh thoảng tiện đường, chị lại đi vào nhà bằng cửa sau bếp. Thấy vậy, mẹ chồng gọi chị lại và dặn, phải đi cửa chính đằng trước vì cửa sau chỉ dành cho người giúp việc đi.
Hiện tại, chị Ý đang tận hưởng những ngày tháng vô cùng hạnh phúc bên người chồng ngoại quốc. Cặp đôi dự tính sẽ tận hưởng cuộc sống vợ chồng son đến hết năm 2022. Năm sau, cả hai sẽ tập trung vào chuyện con cái.
"Hai vợ chồng đều từng trải qua cuộc hôn nhân đổ vỡ nhưng chưa có con. Tôi nói với chồng, sang năm, nếu để tự nhiên nửa năm mà không có thai thì sẽ làm IVF. Anh rất ủng hộ vợ và đồng ý chuyện này", chị tâm sự.