Chuyện tình hơn 7 thập kỷ vẫn mặn nồng của cặp vợ chồng 90 tuổi
(Dân trí) - “73 năm trôi qua, nhưng chúng tôi vẫn vẹn nguyên cảm xúc như thời còn son trẻ. Tuổi cao sức yếu chẳng còn mong tiền tài, giàu sang, chỉ muốn sao đi cùng với bà ấy đến trọn quãng đời này…”.
Dù đã ở cái tuổi gần đất xa trời, nhưng mỗi ngày, ông Lê Văn Ninh (sinh năm 1929) và bà Nguyễn Thị Hân (sinh năm 1928) vẫn trao cho nhau những lời nói yêu thương một cách tự nhiên nhất.
Ngôi nhà của ông bà nằm sâu trong con ngõ 22, phố Tràng Tiền (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ngôi nhà không quá rộng, khắp 4 bức tường treo kín những tấm ảnh kỷ niệm, ảnh của ông, của bà và của đại gia đình mấy thế hệ. Ông Ninh thường xuyên thể hiện tình cảm với vợ bằng cái ôm, cái nắm tay và nụ hôn nhẹ lên trán. Còn bà thì e thẹn hơn, ít nói nhưng ánh mắt chẳng có giây phút nào rời ông.
Ông Ninh và bà Hân là những người bạn chơi với nhau từ thuở tấm bé. Hồi đó, nhà ông bán thịt bò ở phố Hàng Lọng (đường Lê Duẩn ngày nay), nhà bà Hân bán trứng. Thấy hai đứa trẻ hay chơi cùng nhau, hàng xóm cũng trêu đùa, gán ghép nhưng cả 2 vô tư chẳng để ý.
“Thực ra, tôi cũng có một chút thương trộm nhớ thầm cô bạn đáng mến, nhưng đó chưa phải tình yêu. Mãi đến năm 16 tuổi, cha mẹ tôi đem sính lễ qua nhà rồi sắp đặt cho 2 người nên duyên. Cũng nhờ vậy mà tôi mới may mắn có bà ấy làm vợ”, ông Ninh kể.
Ông là con trai của một gia đình khá giả, tài giỏi, phong lưu, lại thêm tài ăn nói khéo léo. Bà cũng là con gái phố cổ, lại người có nhan sắc nên được nhiều chàng trai để ý. Đám hỏi năm ấy diễn ra khá trọn vẹn. Nhà ông chuẩn bị 6 mâm quả sang nhà gái với đầy đủ bánh chưng, bánh dày, vài trăm quả cau và nhiều lễ vật khác.
Ông Ninh dí dỏm nhớ lại: “Mọi lần đi qua nhà bà ấy còn xấu hổ chẳng dám nhìn vào, chăm chăm rảo bước thật nhanh. Mãi sau ngày ăn hỏi, nhờ sự gợi ý của ông anh họ, tôi mới đánh liều rủ bà đi xem xi – nê”. Dù đã là những người bạn cùng khu phố, nhưng trong lần đầu tiên “hẹn hò”, ông cũng lúng túng, chẳng dám cầm tay hay có hành động thân mật.
Bà Nguyễn Thị Hân trước đây là cô gái xinh đẹp ở Hà thành.
Ông kể thêm: “Chúng tôi cưới nhau vào tháng 10/1945. Đám cưới hồi đó hoành tráng lắm. Đoàn rước dâu đi 24 chiếc xe tay, mỗi xe có 2 người kéo. Mọi thứ như bánh chưng, bánh dày, giò, chả… đều do gia đình tự cung tự cấp. Tiếc là thời đó không có ảnh để lưu lại cho con cháu sau này được xem”. Về chung sống với nhau dưới một mái nhà, những ngày đầu cả hai còn ngại ngùng. Nhưng rồi, tình cảm đôi lứa cứ thế nảy nở theo thời gian.
Khi 8 đứa con lần lượt ra đời, cuộc sống của gia đình nhỏ cũng bước vào giai đoạn khó khăn nhất. Bà vì chăm con mà gầy rộc cả đi, có lúc chỉ còn 37kg. Tuy chẳng có tiền nhưng chưa lúc nào ông Ninh thấy vợ kêu ca, than phiền. Nhớ lại những tháng ngày đó, ông luôn tự nhắc mình phải bù đắp cho bà nhiều hơn.
“Tôi yêu và biết ơn cái đức tính khiêm tốn, hiền lành, chu toàn của vợ. Đi làm, tôi chẳng phải lo nhiều việc ở nhà bởi biết vợ là hậu phương rất vững chắc. Các con tôi giờ đều là giảng viên, nhạc công, ca sĩ trong môi trường quân đội. Tất cả đều nhờ công chăm sóc, dạy dỗ của bà ấy”.
Giờ đây, khi đã về già, đến lượt ông chăm sóc, lo lắng cho bà từng chút một. Hàng ngày, cứ 6 giờ sáng là ông đã ra khỏi nhà, mua đồ ăn sáng chiều theo đúng sở thích của bà. Hôm là bát phở, hôm là cái bánh mỳ hay gói xôi… Nếu ăn phở, ông sẽ mua 1 bát 50.000 đồng rồi chia ra làm hai, ưu tiên cho bà phần nhiều.
Lo lắng mọi việc đâu đó xong xuôi, ông mới yên tâm rời khỏi nhà đi tập dưỡng sinh. Tối trước khi đi ngủ, ông pha cho bà cốc sữa, thỉnh thoảng xoa bóp, trò chuyện đến tận khuya. Biết rõ tính hay ăn vặt của vợ nên lúc nào ông cũng mua sẵn gói bánh hay ít hoa quả để trên bàn. Ngày 8/3, 20/10,… ông luôn chuẩn bị những món quà nhỏ như tấm áo, cái khăn, cái cặp tóc hay chiếc lược,…
Câu chuyện nhiều lần bị ngắt quãng vì cứ mỗi khi bà Hân đứng lên di chuyển, ông Ninh lại nhìn theo vợ cho đến khi bà yên vị rồi mới mở lời. Ông kể: “Từ ngày đầu lấy vợ, tôi đã được cha mẹ dạy rằng, là người Hà Nội gốc, phải biết yêu thương vợ, luôn trân trọng, nhường nhịn nhau. Nếu có tức giận, cùng lắm cũng chỉ được đánh vợ bằng cành hoa hồng, tuyệt nhiên không dùng đến roi vọt”.
Ghi nhớ nếp sống của ông bà truyền lại nên trong gia đình ông, con cái không bao giờ cãi cha mẹ, anh em luôn hạn chế lớn tiếng, còn vợ chồng tuyệt nhiên không có sự xô xát hay mâu thuẫn. Đó là điều khiến ông Ninh vô cùng tự hào.
Khi nghe hỏi về bí quyết giữ gìn hạnh phúc hôn nhân, ông Ninh chỉ cười xòa: “Chẳng có gì đáng gọi là bí quyết, đơn giản là tình cảm xuất phát từ trái tim. Chúng tôi gắn bó bằng tình yêu, nhưng tình thương còn nặng hơn gấp bội phần. Mấy hôm trời trở lạnh, bà ấy yếu hẳn đi. Tôi luôn túc trực bên cạnh, chăm sóc vợ cẩn thận hơn. Bất giác nghe tiếng thở dài là cũng phải hỏi han ngay lập tức”.
Thế rồi, giọng ông bỗng trầm hẳn xuống như sợ bà nghe thấy: “Chỉ sợ đến lúc bà ấy rời bỏ tôi mà đi trước. Bà ấy mà mất thì thiệt thòi vô cùng, mà tôi cũng chẳng biết phải làm sao... “
Hoàng Ngọc