Cà Mau:

Chuyện "nấu cơm thì thôi rửa mặt" ở nơi "đói" nước

(Dân trí) - Cứ đến mùa khô, hàng ngàn hộ dân xã Biển Bạch (huyện Thới Bình, Cà Mau) lại lo lắng không biết năm nay giá nước bán bao nhiêu. Nhiều hộ dân hằng ngày phải ở nhà canh ghe nước đi ngang để chặn lại, giành phần mua nước sử dụng.

Thời gian này, cái nắng hạ rất gay gắt đang bủa vây Biển Bạch. Dù đã có một hai cơn mưa nhưng lượng nước vẫn chưa thể giảm nhiệt cho vùng đất giàu phèn. Những cơn mưa đó cũng chưa làm vơi nỗi lòng người dân vì giá nước hợp vệ sinh nơi đây vẫn rất chát. Nước được chuyển từ những vùng lân cận của Kiên Giang hay các xã cạnh bên về được bán tới 50.000-80.000 đồng/m3.

"Nước không ngọt, giá rất... "mặn"

Chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Trường Sơn - Phó Chủ tịch xã Biển Bạch cho biết, tình hình hạn hán năm nay kéo dài bao nhiêu thì người dân khổ bấy nhiêu. Đã gần bốn tháng nay bà con phải mua nước dùng trong sinh hoạt, cũng tại vùng đất này khắc nghiệt quá. Tại địa phương, người dân không thể khoan giếng lấy nước hợp vệ sinh để sử dụng như những vùng khác được.

Biển Bạch có tất cả 5 ấp, với hơn 2.000 hộ dân, đã có tới hơn 1.400 hộ dân ở hai bên bờ Đông, bờ Tây sông Chẹm, hằng ngày phải mua nước sử dụng. Trong đó, đặc biệt hai ấp Thanh Tùng và ấp 18, toàn bộ các hộ dân không thể dùng nước giếng khoan do mạch nước ngầm bị nhiễm phèn mặn rất nặng.

Để đối phó với mùa khô, bà con địa phương chẳng ai bảo ai, ngay trong mùa mưa đã phải chuẩn bị hàng chục lu nước cỡ lớn (mỗi lu đựng được 1 khối nước) để dự trữ nước mưa nhưng cũng chỉ đối phó được khoảng 1 tháng mùa khô, gia đình nào nhiều lu thì trụ được 2 tháng là cùng. Đến qua Tết Nguyên Đán, ai cũng phải nhăn mặt, "ra tiền" mua nước sử dụng.

Hỏi ra mới biết, nước bà con mua cũng đâu phải nước sạch, chỉ là nước giếng khoan ở các vùng bên chuyển về. Vậy mà giá lên tới năm bảy chục ngàn đồng mỗi khối, còn tùy vào chất lượng nước và đường vận chuyển xa hay gần. Đối với xã có thu nhập trung bình chỉ 13 triệu đồng/người/năm như Biển Bạch thì đúng là nước không sạch, cũng chưa ngọt nhưng giá quá mắc, quá "mặn".

Gia đình anh Lê Thành Vân (ấp Thanh Tùng) có bốn khẩu. Hàng tháng vợ chồng anh cùng hai con nhỏ phải bảo nhau xài nước hết sức chi li, tỉ mỉ. Múc ca nước lên phải tính toán làm xong việc này còn dùng trong việc khác nữa không mới dám đổ ra. Vậy mà 1 tháng gia đình anh cũng hết 9 khối nước, giá 70.000 đồng/khối.

Anh Vân chia sẻ: “Nước mua dưới sông lên xài chỉ dùng tắm giặt, rửa rau và sinh hoạt lặt vặt. Nước để uống và nấu ăn, hàng tháng tôi phải lấy thêm khoảng 7 bình nước lọc, giá 12.000 đồng/bình để dùng. Lương nhà nước trả cho tôi mỗi tháng được trên 900.000 đồng, tính ra cũng chỉ tạm đủ hàng tháng mua nước cho vợ con dùng vào mùa khô”, anh Vân nói.

Người dân xã Biển Bạch phải mua nước đến 80.000 đồng/m3 để sử dụng.
Người dân xã Biển Bạch phải mua nước đến 80.000 đồng/m3 để sử dụng.

Ghé thăm nhà bà Lê Thị Dòi (ngụ ấp 18), chúng tôi mới hiểu hết được cái khó, cái khổ của cảnh thiếu nước cực đến thế nào. Bà Dòi đi ra nơi đặt hơn chục cái lu, múc gáo nước, đi đến nơi có mấy cây kiểng gần đó rửa mặt. Bà rửa mặt bằng những giọt nước nhỏ giọt trong chiếc ca nhỏ xíu. Anh Trần Văn Minh (con trai bà Dòi) cho biết, tại nước mua mắc tiền quá, điều kiện gia đình không được tươm tất nên cả nhà ai cũng phải tiết kiệm nước vậy cho đỡ tốn. Bà ra chỗ mấy cây kiểng rửa mặt, cũng để tới nước cho chúng luôn, chứ đổ đi luôn thì phí quá. Bình thường có rửa rau, hay làm gì cũng chừa nước lại để tới cây, hoặc sử dụng cho việc khác.

Theo bà Dòi, cảnh thiếu nước này đã diễn ra chục năm nay, cứ đến mùa khô là phải mua nước. Năm nay hạn hán lại kéo dài, nguồn cung nước càng thiếu, muốn mua nước, phải đặt cọc trước, sau đó đợi mấy ngày người ta mới chở tới lượt mình. Đôi khi phải tranh nhau mới có nước mà xài.

Cuộc sống “thèm nước” của người dân ở đây buộc họ phải "ở bẩn" hơn. Những người đàn ông như anh Vân, anh Sơn khi đi làm về, nhảy ùm xuống vuông tôm tắm trước bằng nước mặn, sau đó lên dội ca nước ngọt nữa là coi như ổn. Họ phải để dành nước cho mẹ, cho vợ, cho con tắm. “Nóng bức lắm, nhưng sống trong cảnh này đâu dám tắm nhiều, khác nào mang tiền đổ đi”, bà Dòi nói.

Công trình nước sạch đắp chiếu

Theo phản ánh của người dân, tại xã Biển Bạch hiện có 4 công trình cung cấp nước sạch được xây dựng tại các ấp Hào Hứng, Trương Thoại, Thanh Tùng để cung cấp nước cho khoảng 600 hộ dân. Nhưng các công trình này hoạt động không ổn định.

Công trình cấp nước kênh 12, được xây dựng vào năm 2009 – 2010 tại ấp Trương Thoại thời gian “nằm nghỉ” nhiều hơn thời gian hoạt động rất nhiều. Công trình trên được đầu tư hơn 1 tỷ đồng, cấp nước cho 125 hộ dân trong ấp. Sau khi thi công đi vào sử dụng được khoảng 3 – 4 tháng đã liên tục hư hỏng, không đáp ứng nhu cầu, phục vụ người dân. Đã qua khoảng 10 lần sửa chữa, trong đó nhiều lần phải thay bơm chìm, lần mới nhất được khắc phục vào tháng 1/2015.

Gần đây nhất, một công trình nước sạch được xây dựng vào năm 2012 – 2013 tại ấp Thanh Tùng, trên tuyến kênh 16, phục vụ cho 130 hộ dân. Sau thời gian thi công trục trặc, đến khi đưa vào sử dụng chưa được 2 tháng, bị hư hỏng nằm bó chiếu. Đến đầu năm 2015, Trung tâm Nước sạch vệ sinh môi trường Nông thôn Cà Mau mới cho người vào sửa chữa, sử dụng được khoảng 3 tháng, tiếp tục hư. 2 công trình cấp nước sạch còn lại cũng không khá hơn là bao.

Công trình nước sạch đắp chiếu khiến người dân gặp khó khăn hơn.
Công trình nước sạch đắp chiếu khiến người dân gặp khó khăn hơn.

Ông N.V.H. (một người dân ở ấp Thanh Tùng) bức xúc kể, các công trình đã làm thì liên tục hư, không phục vụ được cho dân, còn dự án, kế hoạch xây nhà máy nước lớn để đáp ứng nhu cầu của mọi người thì chẳng thấy triển khai. Tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã nhiều lần hỏi tới mà vẫn chưa thấy đâu.

Theo lãnh đạo xã Biển Bạch, trên tỉnh đã có kế hoạch xây dựng một nhà máy nước sạch lớn, bên xã Tân Bằng (huyện Thới Bình), kéo đường ống khoảng 60 km về bên Biển Bạch Đông, để đáp ứng nhu cầu thiếu nước sạch trầm trọng của 1.400 hộ dân trong mùa khô. Đã khảo sát mặt bằng nhưng chưa thấy triển khai xây dựng. Nhiều lần tiếp xúc cử tri, bà con có đề cập tới việc này và hiện nay họ vẫn hỏi chừng nào mới có nước sạch về.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc- Giám đốc Trung tâm Nước sạch vệ sinh môi trường Nông thôn Cà Mau cho biết, các công trình cấp nước sạch trong Biển Bạch hay bị hư hỏng, nhưng nguyên nhân là do nguồn điện quá yếu, không đủ cung cấp cho các nhà máy hoạt động nên liên tục gây cháy bơm chìm và ổn áp.

Còn về vấn đề công trình nước trị giá hàng chục tỷ chưa được triển khai, ông Phúc nói: “Dự án xây dựng công trình nước sạch để đáp ứng nhu cầu của người dân xã Biển Bạch đã được UBND tỉnh đồng ý, với nguồn vốn khoảng 35 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện còn phải chờ Bộ NN&PTNT duyệt thì mới có thể triển khai. Sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, được sự đồng ý của các cấp, các ngành chúng tôi sẽ cho triển khai thi công ngay, để đáp ứng nhu cầu sớm nhất của người dân”. 

Khánh Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm