Chuyển khoản nhầm 500 triệu đồng tiền ăn ốc: Làm gì khi bỗng dưng có tiền?
(Dân trí) - Hiện nay nhiều kẻ lừa đảo thường sử dụng chiêu trò chuyển khoản nhầm để lừa cho vay nặng lãi hoặc đánh cắp thông tin cá nhân nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản thật.
Cảnh báo lừa đảo từ việc chuyển nhầm 500 triệu đồng tiền ăn ốc
Tối 3/8, anh Thắng, chủ một quán ốc hải sản trên đường Hồ Tùng Mậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhận được 487 triệu đồng từ một vị khách tới dùng bữa. Sáng hôm sau, anh ra ngân hàng nhờ nhân viên tra soát, đồng thời đăng tải thông tin lên mạng xã hội tìm kiếm khách hàng.
Sau khi có số điện thoại của khách, anh Thắng chủ động liên lạc và tìm được anh Đ. - người chuyển khoản nhầm số tiền lớn nhưng vẫn chưa hay biết.
"Sáng 4/8, tôi có cuộc họp gấp với khách nên chưa có thời gian rà soát các khoản tiền ra/vào trong ngày. Đến khi anh Thắng gọi điện, tôi mới biết", anh Đ. nói.
Chiều cùng ngày, cả hai hẹn gặp tại một ngân hàng trên địa bàn quận Cầu Giấy. Tại đây, chủ quán ốc hải sản đã gửi lại toàn bộ số tiền chuyển khoản nhầm cho anh Đ.
Từ vụ việc trên, nhiều người thắc mắc "Phải làm gì khi nhận được một khoản tiền lớn?". Trên thực tế, trong các giao dịch hàng ngày việc chuyển nhầm tiền có thể xảy ra do nhiều lý do. Tuy nhiên, không ít trường hợp việc chuyển khoản nhầm qua tài khoản ngân hàng là một thủ đoạn lừa đảo tinh vi đã được ghi nhận trong nhiều năm qua.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, các đối tượng thường cố tình gửi nhầm tiền vào tài khoản của người khác để lừa đảo hoặc đẩy chủ tài khoản vào đường dây vay nặng lãi.
Phương thức lừa đảo này nhắm vào những người hiền lành và nhẹ dạ, cả tin. Sau khi có một số thông tin cá nhân của người dùng như: tên, tuổi, số điện thoại hay địa chỉ, các đối tượng lừa đảo sẽ cố ý chuyển nhầm một khoản tiền đến "con mồi".
Kẻ lừa đảo sẽ giả danh là người thu hồi nợ của một công ty tài chính nào đó để liên hệ với "con mồi", yêu cầu người dùng trả lại số tiền kia như một khoản vay cùng với một khoản lãi "cắt cổ".
Một chiêu thức khác của các đối tượng lừa đảo là lập ra website giả mạo ngân hàng, sau đó tìm kiếm trên mạng những trường hợp khách hàng chuyển khoản nhầm và đóng giả nhân viên ngân hàng hỗ trợ khắc phục sự cố.
Khi bị hại tin thật, nhóm này gửi đường link để họ đăng nhập vào website giả mạo để chiếm đoạt thông tin, chiếm đoạt tiền trong tài khoản thật của khách hàng.
"Khi tình cờ nhận được khoản tiền lạ từ người chưa từng có mối quan hệ với mình và cũng không có bất cứ giao dịch nào với họ liên quan đến số tiền này, người nhận được xem là người đang chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật", ông Tiền nói.
Do đó, người nhận phải hoàn trả cho chủ sở hữu hoặc giao nộp số tiền đó cho UBND hoặc Công an cấp xã, phường nơi gần nhất nhằm thông báo công khai cho chủ sở hữu biết để nhận lại.
Làm gì khi "bỗng dưng có tiền"?
Theo luật sư Trần Xuân Tiền, nếu "bỗng dưng nhận được tiền" từ tài khoản ngân hàng lạ, người dân cần bình tĩnh xử lý theo các bước sau.
Thứ nhất: Không sử dụng khoản tiền đó vào việc chi tiêu cá nhân. Nếu đó là tiền chuyển nhầm thật thì sẽ có đại diện ngân hàng liên hệ để làm việc hoặc người dân có thể chủ động liên hệ với ngân hàng để thông báo.
Thứ 2: Nếu là khoản tiền nhỏ, chủ tài khoản có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp sao kê rồi đối chiếu với những thông tin nhận được và chuyển lại.
Đối với số tiền lớn, chủ tài khoản trực tiếp đến chi nhánh ngân hàng để xác minh hoặc liên hệ với cơ quan công an để giải quyết.
Thứ 3: Người dân tuyệt đối không chuyển lại tiền cho người lạ khi không có bên thứ 3 làm chứng, đồng thời không chuyển hoàn vào một tài khoản khác với tài khoản đã chuyển cho mình, phải chờ xác minh từ ngân hàng.
Thứ 4: Khi nhận được điện thoại từ ngân hàng, người dân cần kiểm tra xem có đúng số của ngân hàng hay không. Để chắc chắn hơn, chủ tài khoản nên ra ngân hàng làm việc trực tiếp.
Thứ 5: Người dân không bao giờ cung cấp mã OTP, tên đăng nhập, mật khẩu tài khoản ngân hàng cho bất cứ ai, kể cả người tự xưng là bạn bè nhân viên ngân hàng hay cơ quan chức năng.
Cố tình chuyển khoản nhầm để lừa đảo bị xử lý ra sao?
Theo luật sư Trần Xuân Tiền, chiêu trò cố tình chuyển khoản nhầm nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản được coi là tội xâm phạm quyền sử hữu. Tùy vào mức độ, tính chất của hành vi lừa đảo, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021: "Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả".
Đối với trường hợp có hành vi dối lừa nhằm chiếm đoạt tài sản người khác mà chưa đủ dấu hiệu để cấu thành tội phạm, thì sẽ bị phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng; đồng thời bị tịch thu tang vật, phương tiện hành vi vi phạm.
Đối tượng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 theo các khung hình phạt, nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2 đến 500 triệu đồng.
Khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm (từ 2 đến dưới 50 triệu đồng); 2 đến 7 năm tù (từ 50 đến dưới 200 triệu đồng); 7 đến 15 năm tù (từ 200 đến dưới 500 triệu đồng); 12 đến 20 năm tù hoặc chung thân (từ 500 triệu đồng trở lên).
Người phạm tội còn bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.