Chuyện khó tin trong những căn nhà “chật kỷ lục” ở Hà Nội
(Dân trí) - Trái ngược với vẻ hào nhoáng bên ngoài mặt tiền phố cổ, sâu trong những ngõ nhỏ, nhiều căn nhà chỉ vỏn vẹn trên dưới 10m2 chật chội, ẩm thấp nhưng lại là nơi ở của nhiều thế hệ trong gia đình. Có căn nhà bé đến nỗi, người trong nhà muốn đi phải bò, ngủ phải nằm nghiêng…
Nhà 4m2, có 5 người sinh sống
Nằm sâu trong ngõ Phất Lộc (phường Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội), căn hộ của bà Nguyễn Thị Tỉnh được cho là căn hộ đặc biệt bởi chỉ có diện tích hơn 4m2, chật hẹp và cũ nát nhưng lại là nơi ở của 5 người trong gia đình.
Đồ đạc không có nhiều nhưng nhìn nhà chật cứng. Toàn bộ quần áo, đồ dùng, bát đĩa của gia đình đều được treo kín 4 vách tường. Mùa hè, căn phòng trở nên oi bức đến mức không thể ngủ được. Bà Tỉnh thường phải ra đầu ngõ ngồi vì còn thoáng hơn trong nhà.
Cũng chính vì nhà chật quá, người con trai của bà Tỉnh năm nay đã gần 50 tuổi vẫn chưa lấy được vợ. Cô con gái làm mẹ đơn thân của 2 đứa trẻ.
Nói về cuộc sống của gia đình bà Tỉnh, ông Nguyễn Khánh Long, tổ trưởng tổ dân phố số 20 Hàng Buồm cho biết: “Đây là một những hộ thuộc diện khó khăn của phường. Gọi là nhà nhưng thực chất nó là miếng đất nhỏ gia đình anh em nhượng lại. Các thành viên trong gia đình cũng không có kinh tế ổn định, cô con gái thì bán hàng rong ở chợ”.
Không được phép chết trong nhà vì không mang được quan tài vào!
Giữ kỷ lục về ngõ nhỏ phải kể đến số 14 ngõ Gạch ở quận Hoàn Kiếm, khu phố cổ Hà Nội. Ngõ rộng chưa đến 50cm, chỉ xe đạp mới dắt được vào bên trong.
Bà Lại Thị Ân nói: "Ở ngõ này, khổ nhất có lẽ là chuyện ma chay. Hễ gần tắt thở là phải lập tức cõng ra đường rồi đưa đến nhà tang lễ Phùng Hưng, không được phép chết trong nhà".
Theo lý giải của bà Ân, nếu chết trong nhà thì thật gay go vì không có cách nào có thể mang quan tài vào trong nhà được. Một con ngõ siêu nhỏ khác ở số 13 Hàng Giấy rộng chừng 70cm, cao chưa đầy 2m, sâu hun hút như một địa đạo tối đen.
Anh Ngô Thành Công, một người dân sống trong ngõ này cho biết, hiện có 5 gia đình với tổng cộng 25 nhân khẩu đang sinh sống trong ngõ. Với diện tích trung bình khoảng 15m2/căn hộ gồm 5 người ở thì việc mua sắm đồ đạc luôn được giản tiện đến mức tối đa.
"Chưa ở đâu đồ đạc siêu mini lại được trọng dụng như ở đây". Phương tiện để "đối phó" với con ngõ siêu nhỏ này chỉ có thể là xe số nhưng cũng phải tìm mọi cách để đơn giản hóa các bộ phận của xe như: Bẻ bớt núm tay lái, gập gương chiếu hậu…
Anh Công cho biết thêm: "Có tiền chúng tôi cũng không dám mua xe tay ga đắt tiền bởi không thể "vượt ải" lại mất thêm một khoản không nhỏ dành cho việc gửi xe hàng tháng".
Không gian sinh hoạt chật hẹp, lối vào bất tiện nên ngay cả việc người dân muốn làm dăm mâm cơm đám cưới cho con cũng đành ngậm ngùi mượn tạm bãi xe công cộng nơi gầm cầu Long Biên để tổ chức.
Không “dám” đẻ con trai vì nhà chật!
Bao năm qua, ngôi nhà gần 6m2 trên phố Hàng Gà, Hoàn Kiếm, Hà Nội là nơi sinh sống của 3 thế hệ trong gia đình nhà ông Trần Văn Lợi (85 tuổi). Ti tỉ những bất tiện diễn ra với các thành viên trong ngôi nhà này.
Ông Lợi là người Hà Nội gốc, trước đây ông làm công nhân tại một nhà máy ở Hà Nội. Ông kể, ngày trước, nhà ông còn chật chội hơn bây giờ. Vừa rồi, do không chịu nổi cách sống chật chội nên vợ chồng cậu con trai thứ hai đã chuyển ra ngoài ở trọ.
“Đất chật người đông, tối đến cả nhà nằm ngủ la liệt. Để nhường chỗ cho các con, tôi phải trải chiếu ngủ gần góc cửa. Còn vợ và các con ngủ ở sát tường. Nửa đêm ai muốn đi vệ sinh phải lưu ý lắm, nếu không sẽ giẫm phải tôi”, ông Lợi cho biết.
Ông Trần Văn Hải, con trai cả ông Lợi nhớ về khoảng thời gian đầu mới lập gia đình, vợ chồng không có không gian riêng. Bất tiện thì nhiều vô kể nhưng phải kể đến là chuyện sinh hoạt vợ chồng.
Nói về cuộc sống hiện tại của mình, ông bảo: “May chúng tôi không có con trai, thuyền theo lái, gái theo chồng. Chúng nó lớn lên gả chồng mong rằng sẽ có chỗ rộng rãi thoải mái để ở. Bây giờ nghĩ lại, thấy lúc đó mình liều vì vẫn dám đẻ hai đứa. Nếu có con trai chắc vợ chồng tôi đau đầu sợ nó không lấy nổi vợ”.
Căn nhà “đệ nhất nhỏ” giữa lòng phố cổ Hà Nội
Trái với vẻ ngoài hào nhoáng, sầm uất ở mặt tiền phố cổ, sâu trong con ngõ 44 Hàng Buồm là những căn nhà vỏn vẻn trên dưới 10m2. Bước chân vào ngõ, nơi đây như biến thành một căn hầm thực sự.
Nhà anh Xuân là nhà có diện tích nhỏ nhất, rộng 5m2, chiều dài 2,64m, chiều ngang 2,5m, chiều cao 1,1m. Gọi là nhà nhưng giống cái gác xép hơn, người ở trong chỉ có thể nằm hoặc ngồi, thậm chí quỳ bò mỗi khi di chuyển. Đã mấy chục năm nay, trong căn nhà này chưa hề có ánh sáng mặt trời, sóng điện thoại cũng mất.Anh Xuân vẫn thường nói vui: “Nhà tôi phải được đưa vào kỉ lục Guinnes: Ngôi nhà có diện tích nhỏ nhất thế giới" .
Nếu không được chỉ đường, chắc khó có ai có thể tưởng tượng được có một căn nhà như vậy tồn tại. Để lên được nhà phải trèo qua một đoạn tường cao gần 2m. Xung quanh chằng chịt dây điện, cũng không có cửa ra vào.
Trong nhà, ngoài một số vật dụng thiết yếu như tivi, quạt, nồi cơm điện,... gia đình anh không dám sắm thêm bất cứ thứ gì vì không có chỗ để. Quần áo anh cũng chỉ có vài bộ được treo trên mắc cho tiết kiệm diện tích.
Cũng vì nhà quá chật nên nồi cơm điện ngoài nhiệm vụ nấu cơm còn được dùng để luộc rau, nấu canh. Nấu thức ăn thì phải xuống sân tập thể của ngõ để làm. Mọi thứ từ rửa rau, rửa bát, vo gạo tất tật đều ở cái bể nước công cộng ấy.
Lối vào nhà anh Xuân, muốn vào nhà phải 'đánh vật' với 'cầu thang' không giống ai.
Di chuyển trong căn nhà 5m2 mới thực sự là bi hài. Thường thì anh di chuyển quanh nhà bằng cách bò hoặc đi bằng đầu gối. Muốn thay áo thì phải quỳ, thay quần thì chỉ có cách nằm sõng xoài ra giữa nhà.
Anh Xuân tâm sự: "Tổng căn nhà chưa tới 10m2 do ông cha để lại, nhưng mỗi anh em được chia một phần nên mới nhỏ như vậy. Nhà nào có điều kiện thì mua nhà, không thì thuê nhà hoặc đi ở rể. Nhà chật chội lại thấp, sinh hoạt bất tiện lắm. Tôi cũng mơ tới một chỗ rộng hơn, nhưng hàng ngày sống lay lắt bằng nghề chạy xe ôm, thực sự lực bất tòng tâm".
Căn nhà siêu nhỏ ở Hà Nội: Muốn đi phải bò, ngủ phải nằm nghiêng
Ông Chu Văn Cao (70 tuổi) chính là chủ nhân của căn nhà độc đáo “có một không hai” này. Căn nhà có chiều rộng 1m, dài 2,5m và cao vỏn vẹn 1,4m. Dù có diện tích chật chội song đây lại là nơi tá túc, sinh hoạt của hai bố con ông Cao suốt hơn 20 năm qua.
Để vào được căn nhà, phải đi qua một ngõ nhỏ sâu hun hút, không có ánh sáng. Căn nhà nhỏ đến nỗi, người ở trong nhà chỉ có thể nằm hoặc ngồi, muốn di chuyển phải quỳ bò mà không thể đứng thẳng.
Thậm chí, nếu có khách đến chơi nhà, một người ngồi trong, một người phải cho chân ra ngoài mới đủ diện tích. Ông Cao cho biết, căn nhà mình thuộc dạng nhỏ nhất phố cổ và chắc chắn cũng lập kỷ lục nhỏ nhất Việt Nam.
Trong căn nhà ngoài chiếc quạt điện và một số đồ dùng cá nhân, ông không sắm thêm bất cứ thứ gì vì không có chỗ để. Ngay cả quần áo của hai bố con cũng không dám mua nhiều. Mặc bộ nào cũ, rách bỏ đi, ông Cao mới dám mua thêm bộ mới.
Việc tắm giặt, sinh hoạt cá nhân thì phải xuống sân tập thể của ngõ để làm. Bất tiện nhất là lúc đi ngủ, hai bố con thường phải nằm nghiêng hoặc áp sát vào mép tường vì diện tích quá chật. Đến nỗi, ông Cao phải tính toán thời gian để tránh việc ở nhà cùng con trai.
“Thường thì hai bố con đi làm từ sáng sớm. Nếu ngày hôm đó tôi không có việc, cũng chạy loanh quanh hoặc ngồi quán nước đầu ngõ, chỉ tối mới về ngủ. Ngay cả việc ăn uống, hai bố con cũng tranh thủ ăn luôn ở chỗ làm hoặc quán cơm bụi vì nhà không có chỗ nấu nướng”, ông Cao cho hay.
Hà Trang
Tổng hợp