Chuyện gì đang xảy ra trong đời sống giới trẻ Việt?
Một đám đông các bạn trẻ chen lấn, túm tụm lại “đánh hội đồng” một nạn nhân nào mà mình không quen biết, a dua hò reo khi “ném đá” một ai đó vì lỡ “phát ngôn nóng” trên mạng, thậm chí nhiều người còn hô hào, xúi giục người trong cuộc đánh nhau bởi những lý do lãng xẹt.
Tu tập để nói xấu, xem đánh nhau
Việc đám đông facebook hùa theo một sự việc để ném đá, lên án, chia sẻ thông tin một cách vô ý thức xảy ra rất nhiều trong thời gian gần đây.
Người ta sẵn sàng ném đá một nữ sinh bị quay cảnh nóng, tích cực chia sẻ những ti n đồn giật gân câu like, hoặc thấy bạn bè đang lên án ai thì mình cũng lập tức lên án người đó dù chưa biết thực hư ra sao.
Năm 2014, Công an TP Đà Nẵng cũng đã từng phải tiếp nhận đơn cầu cứu của chị N.T.P.T. (21 tuổi, trú tại P.Thanh Khê Tây, Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng). Trong đơn thư cầu cứu của mình, chị T. trình bày chính chị là nạn nhân bị trang Facebook “Bộ mặt thật của các hot teen Đà thành” đăng bài lăng mạ với những lời lẽ tục tĩu, bêu xấu, sỉ nhục chị của rất nhiều người. Sau khi chị T bị bêu riếu trên Facebook, cuộc sống, công việc làm ăn của chị bị đảo lộn và không ít người sau đó đã phải đến trụ sở công an để nộp tiền phạt.
Cách đây không lâu, một người phụ nữ đã lập nick ảo để công khai nói xấu người phụ nữ khác trên facebook. Những câu chuyện được chị này chia sẻ thường xoay quanh vấn đề lên án việc ngoại tình cũng như cư xử của người phụ nữ để tìm sự đồng thuận của cư dân mạng. Sau đó cư dân mạng liên tục lăng mạ, chửi bới, chỉ trích những người trong cuộc mà không hề hay biết biết thực hư câu chuyện là có thật hay không.
Hay như mới đây một vụ việc xảy ra cũng khiến cho dư luận hết sức bất bình khi tối 3/8 tại khu vực Nguyễn Huệ, Tp Hồ Chí Minh bỗng náo động, hỗn loạn khi có hàng trăm thanh, thiếu niên từ 15 - 25 tuổi, reo hò kích động. Hỏi ra mới biết nhiều người reo hò, tụ tập nơi đây chính là để chờ đợi 2 nhân vật chính là 2 “cô gái” Hứa V và Thanh V xuất hiện bởi trước đó họ đã có mâu thuẫn qua lại rồi đăng thông tin xúc phạm, hẹn nhau đến 19h đến tại đi bộ Nguyễn Huệ để quyết chiến, giải quyết mâu thuẫn.
Cính vì thế, khoảng 16 giờ, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều lời bàn tán, kháo nhau về việc tối nay đến phố đi bộ vì “có chuyện hay”, “xem đánh nhau”. Đến khoảng 19 giờ, hàng nghìn thanh niên đã xuất hiện, tụ tập tại phố đi bộ để chờ xem “chuyện vui” của hai cô gái.
Thiếu tiết chế
Nhận định về cách nghĩ của một bộ phận giới trẻ ngày nay qua những câu chuyện trên, trên trang tuổi trẻ, thạc sĩ (ThS) Đào Lê Hòa An, giám đốc chiến lược Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Ý Tưởng Việt, cho rằng: “Giới trẻ ngày nay có bộ công cụ hết sức hữu ích là mạng xã hội để thể hiện cái tôi, thể hiện nhu cầu tự khẳng định bản thân, thích người khác chú ý đến mình. Họ tụ tập đông vì người trẻ thích những hành động, sự kiện gây sốc để thỏa mãn sự tò mò, rồi lại rủ rê bạn bè xung quanh ùa theo chứng kiến”.
“Chính những lượt thích, bình luận là chất xúc tác vô cùng lớn gây ra sự kiện này. Ý thức, cảm xúc của bản thân một con người đã bị ảnh hưởng bởi cảm xúc đám đông, họ sẽ hùa theo đám đông dẫn đến tâm lý thất thường, đi từ trạng thái nhiệt tình,cuồng loạn nhất đến ngây dại nhất” - ThS Đào Lê Hòa An đưa ra cảnh báo.
Trên Tri thức trẻ, giải thích về nguyên do xuất hiện thói a dua, hô hào và hùa theo một sự việc để ném đá, PGS.TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn cho biết, không phải ai cũng có thể kiểm soát mình, quản lý bản thân trước những sự hấp dẫn của thông tin, sự "đình đám" của một sự vụ. Đó là mấu chốt dẫn đến sự lôi kéo của người này hay người khác
PGS. TS Huỳnh Văn Sơn cho biết: "Có thể nói mạng xã hội trở nên quá thông dụng và sự lan tỏa của nó quá nhanh chóng đến mức khó kiểm soát. Thực chất của hành động kéo đến xem trận chiến theo lời hẹn xuất phát từ sự tò mò thiếu tiết chế của khá nhiều người”.
“Đó là biểu hiện của hội chứng đám đông, hội chứng của sự lôi kéo thụ động để bị cuốn theo vòng xoáy của thông tin, cảm xúc và sự hiếu kỳ của con người”, PGS. TS Huỳnh Văn Sơn nói.
PGS. TS Huỳnh Văn Sơn cũng cho biết thêm, “Việc sống quá nhanh, quá lệ thuộc vào những giá trị thiếu cân bằng và nhân văn đẩy người ta đi đến những sự lựa chọn mang tính chủ quan và thiếu kiểm soát. Hơn nữa, chính những người trẻ và kể cả những người trẻ về quan điểm sống dễ bị sức mạnh của đám đông, đặc biệt vũ khúc của sức mạnh nhóm, sức mạnh của sự hiếu kỳ lan tỏa lôi kéo mà ít trụ lại được hay cân bằng”.
Bàn về câu chuyện đám đông tụ tập, a dua trên mạng intenet và sẵn sàng tu tập kích động gây mất trật tự, Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA cho rằng đã đến lúc những người có trách nhiệm, có hiểu biết và suy nghĩ về vấn đề xã hội, giáo dục, văn hóa… cần phải ngồi lại với nhau để suy nghĩ một cách nghiêm túc về những vấn đề này.
Bà Vân Anh chia sẻ: “Tôi từng kể một câu chuyện trên status của mình rằng, cách đây gần 35 năm hồi tôi đang còn học đại học. Lúc đó mọi người đi xem phim và bị kẻ gian móc túi, họ đuổi theo để dánh người móc túi đó. Thế nhưng, khi đuổi đánh, họ lại đánh nhầm vào chồng của một cô giáo ở rạp cũng đang đi xem phim bởi hình dáng người, màu sắc quần áo của ông ấy mặc lúc đó nhang nhác với kẻ móc túi nên mọi người nhầm lẫn. Cuối cùng kẻ ăn cắp thì chạy thoát còn người đàn ông đó thì bị đánh đến chết.
Tôi kể câu chuyện trên bởi có một thực tế rằng không phải chỉ hôm nay có mạng xã hội, thanh niên được tiếp xúc với công nghệ nhiều thì mới có tâm lý đám đông, mới có tụ tập a dua, kích động mà chúng ta cần phải nhìn nhận xem tâm lý nào, tác động bên ngoài nào đã khiến cho đám đông dễ bị kích động và sẵn sàng tấn công những người khác, thậm chí chưa biết rõ đầu đuôi đã tấn công như vậy”.
Bà Vân Anh cũng chia sẻ thêm, “Khi xảy ra vụ việc, đối với các cơ truyền thông thay vì mô tả cảnh a dua, cổ vũ cho một cuộc say máu của một đám đông. Chúng ta nên tuyên truyền những kỹ năng, những giá trị tốt đẹp cho giới trẻ như đọc sách, khám phá cuộc sống để làm giàu bản thân… để họ hiểu rằng vấn đề đó có đáng để họ quan tâm, a dua, tức giận và biến tức giận của người khác thành màn biểu diễn hăng máu như vậy không?”.
Theo Thanh Hải
Vietnamnet