Chuyện bà lão 94 tuổi ngày ngày lướt facebook

Máy tính, mạng xã hội đang dần trở nên phổ biến tại Việt Nam, người ta có thể dễ dàng tìm thấy những ông bố, bà mẹ tuổi đã cao cũng sử dụng facebook để liên lạc cùng con cái, người thân. Nhưng chuyện một bà lão 94 tuổi ngày ngày vẫn dùng máy tính “lướt face” thì quả là hiếm gặp.

Dùng máy tính vì… quá già

Tìm về Xa La (Phúc La, Hà Đông, Hà Nội), người dân ở đây chẳng ai không biết tới cụ Lê Thi - người mà họ vẫn quen gọi là “bà còng Xa La” hay “cụ bà xì teen”. Trong căn nhà yên tĩnh, sâu trong con ngõ nhỏ của làng Xa La, cụ bà Lê Thi, nay đã 94 tuổi, vẫn cặm cụi bên chiếc máy tính mà bàn phím được tô vẽ lại bằng mực bút xóa. Nhiều người xa lạ từng tìm đến tận nhà cụ, đích thân gặp cụ chỉ để tin rằng có một bà cụ như thế, một bà cụ gần trăm tuổi vẫn minh mẫn, ngày ngày dùng máy tính, chat facebook, Skype cùng con cháu.

Cụ Thi kể rằng, cụ sinh ra trong một gia đình có đông anh chị em, nhưng do sống dưới chế độ phong kiến nên tất cả các chị em gái trong nhà đều không được đi học. Nhưng vì ham học, muốn học chữ, muốn tự mình đọc truyện, cụ đã lén học lỏm, rồi mãi đến khi thấy cụ - ngày ấy vẫn còn là một đứa trẻ - ngồi dạy học cho cậu em trai, bố mẹ mới biết là con gái mình biết chữ. Rồi từ đó, cụ chẳng bỏ xót một mẩu truyện nào trên các tờ báo mà cụ mượn được. Đến giờ, chính cụ cũng không biết mình đã đọc bao nhiêu cuốn sách từ Đông sang Tây, tên các cuốn sách hay, các tác giả nổi tiếng được cụ đọc ra vanh vách.


Cụ Thi bên những tác phẩm tranh vẽ của mình

Cụ Thi bên những tác phẩm tranh vẽ của mình

Có tình yêu mãnh liệt với văn chương, với hội họa, nhưng vì định kiến xã hội, vì hoàn cảnh sống mà cụ đã không có cơ hội theo đuổi chúng ngày còn trẻ. Thế nhưng khi cơ hội đến thì tình yêu với văn chương của cụ lại trào lên mạnh mẽ. Cụ miệt mài viết truyện khi tuổi đã ngoài 70. Đến năm 2010, cuốn tự truyện “Ngược dòng” do NXB Lao Động xuất bản đã chính thức đưa tên tuổi của cụ đến với công chúng yêu văn học.

Cũng nhờ thành công đó, cụ Lê Thi có thêm động lực để tiếp tục sáng tác, học cách sử dụng các thiết bị công nghệ. Về lý do học sử dụng máy tính, cụ chia sẻ: “Tôi bắt đầu dùng máy tính từ năm 2007, vì già rồi, tay yếu không thể cầm bút viết truyện được nữa. Thấy cháu dùng máy tính, đánh được chữ dễ dàng nên cũng học để sử dụng”. Vậy là sau một thời gian ngắn, chiếc máy tính đã trở thành vật dụng quan trọng của bà lão ở cái tuổi “cổ lai hy”. Ban đầu, cụ chỉ dùng máy tính để viết bài, về sau cụ học cách dùng mạng Internet, đọc báo, đọc truyện trên mạng. “Thấy mấy đứa cháu bảo bà dùng facebook cùng chúng nó cho vui, thế là tôi cũng dùng”, cụ cười nói.

Không những thế, cụ Lê Thi còn ngày ngày tự mình pha màu, vẽ những bức tranh theo sở thích riêng. Tính đến nay, cụ đã vẽ được hơn 2.000 bức. Trong gian phòng nhỏ thường ngồi vẽ tranh, cụ hóm hỉnh nói: “Căn phòng này mới xây riêng để tôi ngồi vẽ tranh, nhưng để cất tranh của tôi thì phải vài căn phòng thế này mới đủ”.

Nhìn những bức tranh tươi sáng xếp chồng lên nhau trong căn phòng nhỏ, chẳng ai dám nghĩ chúng được một cụ bà nay đã ngoài 90 tuổi vẽ lên. Sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa, những bức tranh của cụ thường mang dáng vẻ quê hương.

“Tôi thường vẽ về xứ Thanh yêu mến của lòng tôi bằng những ký ức thời thơ bé. Có bức tôi vẽ Lạch Trường, bức vẽ Diêm Phố, Sầm Sơn, hay mái tranh nghèo những năm đi sơ tán. Bao nhiêu năm trôi qua, cảnh sắc đổi thay nhưng tôi vẫn nhớ rất rõ. Trong mắt tôi, chỗ nào từng đi qua cũng rất đẹp. Bọn trẻ bây giờ chúng nó sống gấp quá, nên bỏ qua rất nhiều thứ đẹp đẽ trên đường đi”, cụ chia sẻ.

Siêng năng lao động, chịu khó học hỏi

Khi tôi hỏi: “Cụ đọc nhiều, nghe nhiều, ngày ngày lên mạng xã hội xem tin tức, vậy cụ thấy giới trẻ ngày nay như thế nào”, cụ nhẹ nhàng quay mặt sang hướng khác như để tránh né ánh mắt của tôi - một người phóng viên trẻ. Sau một khoảng lặng, cụ chậm rãi nói: “Cuộc sống hiện đại hơi khác với thời của tôi. Thanh niên thời tôi sống, tất cả cùng chung một mục đích, một lý tưởng. Bây giờ, thông tin mở rộng, con người đi nhiều nơi nên bản sắc dân tộc ít người để ý tới. Chẳng biết đúng không, nhưng tôi cảm giác, đa số người trẻ không hề đặt cho mình lý tưởng, mục đích, chỉ cố gắng học giỏi, nhưng sau cùng cái giỏi để làm gì thì ít người để ý. Hình như, cái tư tưởng cá nhân trong mỗi người trẻ bây giờ mạnh hơn. Ngày xưa, họ sống cộng đồng hơn. Còn bây giờ, người chơi cứ việc chơi, người sướng cứ việc sướng, người khổ cứ việc khổ. Trở về hoang dã mà người ta lại tưởng là đang phát triển. Lớp trẻ bây giờ ít nghĩ đến tổ tiên, đến nòi giống, đến dân tộc hơn thì phải?”.

Sau những chia sẻ về cảm nhận với người trẻ, cụ dành cho chúng tôi một lời khuyên gói gọn trong 8 chữ “Siêng năng lao động, chịu khó học hỏi”. Cụ cũng tâm sự thêm rằng: “Tôi có sống thêm 100 năm nữa thì cũng vẫn cần phải học. Làm gì cũng nên suy nghĩ, nghĩ đến sự biến đổi vô cùng vô tận của tự nhiên, của xã hội, về tận cùng ý nghĩa của mọi việc. Đạo đức, tư cách làm người mới là điều quan trọng. Học hành giỏi giang để làm gì nếu chẳng lưu tâm đến vấn đề xã hội”.

Cụ cũng vui vẻ bật mí về bí quyết sống để đến khi tuổi cao mà vẫn minh mẫn, làm được mọi việc. “Dòng nước không có mùi vì nước chảy luôn, then cửa không rỉ vì nó được dùng luôn. Trí óc cũng vậy, muốn minh mẫn thì phải suy nghĩ luôn. Ngay như con dao không dùng lâu cũng bị rỉ. Ở tuổi này mà tôi vẫn minh mẫn, tai nghe vẫn rõ, mắt vẫn tinh vì tôi luôn hoạt động, luôn suy nghĩ về mọi thứ”, cụ nói.

Những dòng cuối cùng trong cuốn tự truyện, cụ viết: “Có phải thế chăng, tình yêu cuộc đời, tình yêu tuổi trẻ đã giữ mãi trong tôi, giờ đây đã gần chín mươi năm cuộc đời tôi vẫn khao khát, vẫn yêu thương những con người tâm hồn trong trắng ngây thơ, vẫn thích kết bạn với lứa tuổi mới lớn lên, lòng tin yêu cuộc sống còn nguyên vẹn. Vẫn muốn hát “Tôi là ai mà yêu quá cuộc đời này” (Trịnh Công Sơn)”.

Theo Đoàn Minh Thái

Lao động