Chủ quán ở Sài Gòn: "Cho ngồi ăn bị phạt mười mấy triệu thì khổ, ế lắm rồi"

Phương Nhi Lại Hậu

(Dân trí) - Khách năn nỉ được ngồi ăn tại chỗ nhưng các chủ quán đều từ chối thẳng thừng vì sợ bị phạt tiền do không tuân thủ việc phòng, chống dịch Covid-19.

Từ tối 28/5, hàng loạt quán ăn vặt quen thuộc với các bạn trẻ Sài thành như ốc, bánh flan, bánh bạch tuộc… mở dọc trục đường 20 Thước (quận 4) vắng bóng người ăn, lác đác có tiệm đón khách tới mua mang về. 

Cảnh buôn bán buồn tẻ này diễn ra ngay sau khi UBND TPHCM ra công văn hỏa tốc yêu cầu các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố không phục vụ tại chỗ.

Chủ quán ở Sài Gòn: Cho ngồi ăn bị phạt mười mấy triệu thì khổ, ế lắm rồi - 1
Chị Vân đang làm nóng há cảo để bán cho khách mua mang về.

Thấy 2 nữ khách yêu cầu được ngồi ăn tại chỗ, chị Nguyễn Bảo Vân (33 tuổi, chủ tiệm há cảo) thẳng thắn từ chối.

"Do dịch bệnh phức tạp nên tôi chỉ bán mang về dù độ ngon của bánh giảm đi vài phần. Nhiều khách năn nỉ cho ăn tại chỗ, mình cũng phải thuyết phục họ chấp hành chỉ đạo. Có khách đồng ý mua về, có khách bỏ đi luôn", chị Vân kể.

Tương tự, cô Trương Thị Quỳnh Hoa (chủ tiệm bánh flan) kể một số khách mua hàng đòi ngồi ăn tại chỗ, họ nói có một dĩa bánh mà mắc công đem về nhà.

"Đợt dịch lần này ảnh hưởng đến việc kinh doanh hơn. Nếu lúc trước bán được 10 phần, giờ chỉ bán được 5, trời mưa bán được có 3. Khách muốn ăn tại chỗ tôi cũng không cho. Ngồi ăn rồi bị phạt mười mấy triệu nữa thì khổ. Buôn bán đã ế ẩm rồi", cô Hoa chia sẻ.

Rút kinh nghiệm từ các đợt dịch trước, chị Bảo Vân, cô Hoa đã liên kết với các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến và đăng bài quảng cáo, bán hàng thông qua mạng xã hội.

Là "khách ruột" của tiệm há cảo, chị Kim Ngân (quận 1) cho rằng cách bán mang về có sự bất tiện nhất định cho khách hàng, nhưng vì sức khỏe phải chấp hành khuyến cáo từ cơ quan chức năng và chỉ mua đem đi.

"Mình đi chung với bạn bè nên ngồi lại ăn uống, trò chuyện vui hơn nhưng vì sức khỏe của cộng đồng nên đành mua mang về", chị Ngân nói.

Chủ quán ở Sài Gòn: Cho ngồi ăn bị phạt mười mấy triệu thì khổ, ế lắm rồi - 2

Cô Hoa chỉ bán cho khách mang về để chung tay với chính quyền trong việc phòng, chống dịch Covid-19.

Vừa ghé tới phố ẩm thực quận 4 sau khi đi hơn 10km di chuyển, anh Nguyễn Minh Trí (quận 6) nói việc mua đồ ăn mang về thật sự rất bất tiện. Nếu đặt hàng và thanh toán trực tuyến phải chịu phí vận chuyển cao.

Cũng trong cảnh tương tự các quán ăn vặt dọc trục đường 20 Thước (quận 4),  hàng quán trên con đường ẩm thực Tạ Quang Bửu (quận 8) cũng vắng bóng người mua.

Chị Nguyễn Thùy Linh (34 tuổi, chủ tiệm trà sữa) kể đang chịu lỗ nặng trong đợt dịch lần này, ước tính tới 70%. Do doanh thu giảm, giá nguyên liệu tăng và buôn bán ế ẩm, chị Linh nói đang suy nghĩ đến việc đóng cửa.

"Tiền bán một ngày chưa lại vốn nữa nói gì đến tiền lãi. Nản lắm", chị Linh rầu rĩ.

Qua ghi nhận, khá nhiều khu ẩm thực, hàng quán tại quận 4 và quận 8 chấp hành nghiêm túc việc bán mang đi, chủ và khách đều đeo khẩu trang để phòng chống dịch bệnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm