Chủ hàng quán sau “ngủ đông” Covid-19: một giải pháp “gỡ rối” trăm lo âu

Trường Thịnh

(Dân trí) - Sau một thời gian chững lại do xu hướng cắt giảm chi tiêu mùa dịch, ngành hàng ăn uống đang dần khởi sắc cùng sự phục hồi của nền kinh tế.

Theo đó, người tiêu dùng cũng có sự thay đổi lớn về thói quen ẩm thực và đặc biệt chú trọng đến vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Cách ly đi qua - “trăm lo” ở lại 

Anh Minh - chủ một cửa hàng chè tại Tân Phú, TP. HCM, cho biết: “Hồi cách ly thì mình lo… ế. Những tưởng hết dịch sẽ hết lo, ai ngờ mình lại thêm cái lo khác. Khách hàng bây giờ có phần nhạy cảm với chuyện vệ sinh. Có hôm tôi bị phàn nàn vì phần đá đi kèm tan ra mà nắp hộp hở do vận chuyển xa."

Chị Tuyết, chủ một quán gà phô mai ở quận Cầu Giấy, Hà Nội lại có mối lo về doanh thu sau vài tháng gần như đóng băng vì dịch bệnh: “Tôi lo lắng, tình hình kinh tế khó khăn hơn, người ta chi tiêu tiết kiệm hơn nên sẽ không ăn ngoài nhiều nữa. Qua thời cách ly mấy tháng rồi mà quán tôi chưa hồi phục. Giờ hàng quán cạnh tranh lắm, người người chạy đua sau dịch, bán tại quán hay qua app cũng nhiêu khê,” chị Tuyết chia sẻ

Trong khi đó, anh Hùng, chủ quán bún chả có cửa hàng online trên app kể: “Hôm trước tôi mới bị khách chấm điểm thấp vì phần rau sống hơi dập. Khách nghĩ quán rửa rau không sạch”. 

Chủ hàng quán sau “ngủ đông” Covid-19: một giải pháp “gỡ rối” trăm lo âu - 1
Các mối lo về câu chuyện kinh doanh dịch vụ ăn uống sau dịch ngày càng căng thẳng

Ở góc độ người tiêu dùng, chị Vân Hương sống tại quận Tân Phú cho biết “Ăn ở quán xá bên ngoài hoặc order thì giá cả hợp lý nhưng lo nhất là đồ ăn kém chất lượng, nấu nướng không sạch và nguồn gốc thực phẩm không rõ ràng.”

Khảo sát của Nielsen cho thấy tại thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam, doanh số mặt hàng tiêu dùng nhanh tăng trung bình ít nhất 20% mỗi tuần, kể từ khi dịch bắt đầu lan rộng vào năm nay. Nhu cầu mua hàng trên mạng tăng vọt, người người nhà nhà chuộng mua sắm online. Thế nhưng ở một góc độ khác, vốn tưởng sẽ "bùng nổ" sau đại dịch là ngành hàng ăn uống giao nhận trực tuyến, thì trăm nỗi lo vẫn hiện hữu từng ngày.

Chủ hàng quán sau “ngủ đông” Covid-19: một giải pháp “gỡ rối” trăm lo âu - 2

77% người tiêu dùng có xu hướng quan tâm giữ gìn sức khoẻ trong tương lai, theo nghiên cứu gần đây của ADM OutsideVoice, đơn vị nghiên cứu độc lập của Tập đoàn ADM. Theo một chuyên gia trong ngành dịch vụ ăn uống, kinh doanh quán ăn nhà hàng nhỏ lẻ lại đang có nhiều thuận lợi, một phần do công nghệ phát triển và thói quen đặt đồ ăn giao tận nơi của người dân tăng cao. Tuy nhiên, khó khăn nằm ở việc mỗi chủ quán có thể tận dụng điều đó, biến khó khăn thành cơ hội ra sao. 

Một giải pháp - dứt điểm mối lo tận gốc rễ

“Trăm lo” không phải là nét vẽ chủ đạo trong bức tranh thị trường F&B sau đại dịch. Bởi ở mặt trận bán thức ăn trực tuyến, nhiều “ông lớn” đang tận dụng lợi thế về dữ liệu, quy trình và sức mạnh công nghệ để “trình bày” loạt sáng kiến cho các cửa hàng.

Đơn cử, GrabKitchen (căn bếp trung tâm) vừa được Grab tiên phong khởi xướng trong năm vừa qua, là giải pháp dành cho các nhà hàng được ưa chuộng trên nền tảng có cơ hội mở rộng kinh doanh và tiếp cận tệp khách hàng vốn đã tiềm năng. Mô hình ra mắt lần đầu tiên vào năm 2019 đến nay vẫn duy trì tần suất phục vụ dày đặc, trở thành “cứu cánh” đúng lúc cho hàng loạt đối tác quán ăn, đặc biệt trong giai đoạn hậu dịch.

Một trong những vấn đề nhức nhối hiện nay là các đơn vị kinh doanh này đều ý thức được việc cần nâng cao chất lượng VSATTP, nhưng lại mơ hồ về các tiêu chuẩn an toàn. Đặc biệt, với các mô hình kinh doanh ăn uống mới, việc xác định những tiêu chuẩn này lại càng phức tạp. Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Qua việc hợp tác với GrabKitchen, Ban Quản lý hy vọng có thể đưa những thông tin, kiến thức chuẩn xác về ATTP đến từng nhà hàng, quán ăn, từ đó nâng cao chất lượng của dịch vụ giao thức ăn nói chung và mô hình căn bếp trung tâm nói riêng.”

Vừa qua, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Grab tổ chức các buổi tập huấn dành cho toàn bộ nhà hàng nằm trong mô hình GrabKitchen về quy định, nghị định, cơ sở bếp ăn tập thể, chế biến suất ăn đến cách thiết kế khu vực gian nấu đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn trên từng đơn vị cơ sở. Theo thông tin ghi nhận, tất cả các thiết kế gian hàng của “căn bếp trung tâm” đều phải tuân thủ chặt chẽ tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y tế, bao gồm không gian rộng rãi cho việc chế biến thực phẩm, không ngập nước, có bể chứa mỡ, hệ thống xả thải tách biệt…

Chủ hàng quán sau “ngủ đông” Covid-19: một giải pháp “gỡ rối” trăm lo âu - 3

Một lớp tập huấn về VSAATP cho đối tác nhà hàng, quán ăn của GrabKitchen

An toàn vệ sinh thực phẩm, đó không hẳn là vấn đề có thể quy trách nhiệm cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức cụ thể nào. Mỗi đối tác, mỗi chủ cơ sở kinh doanh cần phải có ý thức để không ngừng nâng cao chuẩn phục vụ. Song song đó, các nền tảng công nghệ nói riêng hay đơn vị, cơ sở kinh doanh trên thị trường nói chung cần tích cực phát huy những chương trình thiết thực để trau dồi thêm cho các đối tác nhà hàng, quán ăn những kiến thức quan trọng về VSATTP trong kinh doanh nhằm bảo vệ người tiêu dùng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm