Chồng trổ tài "cây kéo vàng" mùa dịch, vợ... trùm mũ đi làm
(Dân trí) - Nói không với các dịch vụ vào mùa dịch bệnh, nhiều người dân Sài Gòn xoay xở chuyển qua hình thức "tự lo" tại nhà với không ít tình huống "cười ra nước mắt".
Hai tháng qua, trước tình hình dịch bệnh Covid-19, nhiều người dân đã hạn chế tối đa các hoạt động vui chơi, giải trí, dịch vụ. Khi TPHCM phát động tinh thần "hai tuần sống khác" với quyết định tạm dừng mọi hoạt động tại các khu vui chơi, giải trí, các cơ sở dịch vụ ăn uống, làm đẹp, hớt tóc... , nhiều người đã lập tức tăng thêm liều lượng " cách ly cộng đồng" trong đời sống.
Chị Phạm Ngọc Anh, nhà ở Gò Vấp cho hay, từ sau Tết, theo diễn biến của dịch bệnh, cả nhà chị đều trì hoãn việc đi cắt tóc, làm đẹp... Chị tự cắt tóc cho chồng, cho con. Tóc đàn ông dễ, có thất bại thì dùng tông đơ ủi trọc luôn.
Mới đây, sau thời gian dài nhịn, chị liều giao đầu mình cho chồng xử lý. Dụng cụ chỉ có kéo cắt giấy và lược, anh ngồi tỉ mỉ tỉ tóc cho vợ. Tỉa xong thì chỗ lẹm, chỗ cụt... tóc chị ngắn nên cắt sao chịu vậy chứ không còn tóc để sửa lỗi. Dòm vào gương chị không nín cười mà muốn rớt nước mắt, mái tóc ngắn ngang vai của chị giờ còn có từng tầng, từng lớp.
"Kiểu này tôi chỉ còn nước đội nón đi làm. Nhưng lúc này ngố chút, xấu chút không sao, an toàn là trên hết. Chồng tôi còn đùa, đẹp xấu chưa biết, nhưng chắc chắn đã tốn 200.000 đồng", người vợ cười.
Dịch bệnh đã tác động đến mọi sinh hoạt, cuộc sống của từng người. Các hoạt động giải trí, dịch vụ ăn uống, làm đẹp... là một phần không thể thiếu trong đời sống người dân thành phố. Việc thay đổi thói quen trong thời gian ngắn là việc không dễ dàng, không chỉ gây xáo trộn mà có thể dẫn đến sự ức chế, tác động tâm lý.
Nhiều người, có khi hàng chục năm không điều chỉnh được một thói quen, nhưng sự xuất hiện của "cô Vy" đã tác động ngay lập tức. Họ sẵn sàng điều chỉnh thói quen và kiềm chế các nhu cầu của mình.
Chị Lê Ngân, nhà ở Q.7, TPHCM kể, trước đây chị không nghĩ mình có thể sống thiếu việc đi phòng gym, đi spa, làm tóc, làm móng, ăn uống ở tiệm... và ti tỉ dịch vụ khác. Ban đầu khi mới có dịch bệnh, chưa cảm nhận hết được tình trạng khẩn cấp, chị vẫn còn cố thêm một hai tuần ăn ở bên ngoài, sau đó đã chủ động "thu mình".
Giờ ở nhà, chị tự trải nệm tập yoga, bật nhạc nhảy aerobic. Hai mẹ con lên mạng học cách cắt tóc, làm móng cơ bản. Bây giờ mọi người trong nhà đã có thể tỉa tóc, làm móng, sơn móng cho nhau... tiết kiệm được không ít.
Hạn chế hàng quán, vợ chồng chị chọn cách dậy sớm hơn tự nấu ăn, pha cà phê mang đi làm thay vì la cà ăn tiệm như trước. Mới đầu hơi bất tiện, bức bí nhưng rồi chị thấy cuộc sống "tự lo" này cũng rất thú vị. Gia đình không còn cảnh "mạnh ai nấy lo", có nhiều hoạt động chung nên quan tâm đến nhau hơn. Cho dù đang khá lo lắng vì dịch, việc làm, thu nhập nhưng không khí cuộc sống đã bớt chen chúc, xô bồ.
Anh Ngô Văn Trung, nhà Phú Nhuận cho biết, anh không tin nổi gần hai tháng qua, mình không tham gia một bữa nhậu nào, không tốn đồng nào để chúc nhau "không say không về". Trước anh bê tha đến độ, không ít lần quỳ gối hứa với vợ đây là lần cuối nhưng chán nản nhận ra, đời mình có thể bỏ vợ chứ khó bỏ được nhậu.
Vợ chồng lục đục, cãi cọ, nhiều lần làm đơn ra tòa cũng xuất phát từ việc nhậu nhẹt, bê tha của mình. Thế mà, dịch bệnh ào đến, đã "nắn chỉnh" được anh hướng đều lối sống lành mạnh, an toàn hơn. Giờ thu nhập giảm nhưng bù lại, không nhậu nhẹt, chi tiêu giảm đi thấy rõ.
Anh bộc bạch: "Gia đình tôi đã chuyển sang chế độ tự chăm lo trên mọi mặt. Chồng không còn nhậu nhẹt, vợ bớt la cà. Mỗi người như đang mang một phiên bản mới lành mạnh hơn, tiết kiệm hơn".
Khi TPHCM quyết định đóng cửa nhiều hoạt động giải trí, dịch vụ ăn uống, làm đẹp đến hết tháng 3/2020, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, trong dịch bệnh mà người dân đòi tự do, vui sướng thì sướng trước, khổ sau. Trong hai tuần tới, thành phố sẽ phải sống khác đi, tiết kiệm hơn, ít đi lại hơn... để thực hiện mục tiêu khống chế dịch bệnh với các ca nhiễm thấp nhất có thể.
Ông Nhân nói một cách gần gũi gửi gắm đến từng người dân: "Tóc chưa dài lắm thì đừng đi cắt tóc, giày chưa hư cũng đừng đi mua mà ở nhà cho an toàn".
Hoài Nam