"Chợ tình" ở Trung Quốc: Đa phần người già kiếm cơ hội mong con thoát ế

Huy Hoàng

(Dân trí) - Biết gia cảnh không khá giả nên ông Shen ở Trùng Khánh, không dám "soi nhiều" biển thông tin cá nhân của các đối tượng xung quanh. Người đàn ông 50 tuổi này đến đây chỉ vì muốn kiếm vợ cho con.

"Chợ tình" kiếm vợ chồng lại tấp nập người già

Sau đại dịch Covid-19, "góc mai mối" tại công viên nhân dân ở thành phố Trùng Khánh lại nhộn nhịp người qua lại vào dịp cuối tuần. Đa phần tới đây đều là người già với mục đích muốn kiếm vợ hoặc chồng cho con.

"Biết rằng tỷ lệ thành công thấp lắm, chắc chẳng tới 10% nhưng đây là cách duy nhất để con trai tôi có vợ. Nên dù thế nào, tôi sẽ cố hết sức", ông Shen Zaicheng, 50 tuổi, vừa quệt mồ hôi trên mặt, vừa tâm sự.

Chợ tình ở Trung Quốc: Đa phần người già kiếm cơ hội mong con thoát ế - 1
"Khu chợ tình" tấp nập người già ở Trùng Khánh (Ảnh: Think China).

Gia đình ông Shen vốn không khá giả gì. Hơn 20 năm nay, ông sống ở khu Jiefangbei của Trùng Khánh. Tuần nào cũng đến "chợ tình" kiếm cơ hội, nhưng ông vẫn thừa nhận khó tìm được cô gái nào phù hợp với hoàn cảnh con trai mình.

"Họ không chỉ để ý học vấn, công việc của người đàn ông, mà còn xét xem gia cảnh thế nào, có nhà riêng xe cộ chưa, biết phấn đấu trong cuộc sống hay không. Rồi tiếp đến là ngoại hình, chiều cao nữa", ông than vãn.

Nằm gần con phố mua sắm sầm uất Jiefangbei, công viên nhân dân Trùng Khánh xây trên một ngọn đồi với diện tích khiêm tốn chỉ 1,2ha. Đây cũng là công viên đầu tiên của thành phố này, có tuổi đời hơn 100 năm. Không biết từ bao giờ, nơi này xuất hiện "góc mai mối", còn được truyền thông Trung Quốc gọi với cái tên dân dã "chợ tình".

Dịp cuối tuần là lúc các bậc phụ huynh lại nô nức mang theo thông tin con em mình tới "phiên chợ". Đáng chú ý là, rất ít người trẻ tuổi có mặt tại đây.

Liu Jun, một bà mối 60 tuổi, tâm sự, phần lớn các phụ huynh ngày nay đóng vai trò tích cực giúp con cái tìm kiếm bạn đời. Họ đồng cảm với khối lượng công việc, những căng thẳng của thế hệ trẻ nên "muốn hỗ trợ một tay".

Chợ tình ở Trung Quốc: Đa phần người già kiếm cơ hội mong con thoát ế - 2
Một "bà mối" mang thông tin của người muốn tìm bạn đời (Ảnh: News).

Trên mỗi "tấm biển quảng cáo", phụ huynh thường liệt kê rất chi tiết thông tin về con em mình. Chiều cao, cân nặng, nghề nghiệp, trình độ học vấn, gia cảnh, có nhà riêng hay xe chưa, đều là những yếu tố được nhiều người quan tâm nhất.

Nhiều bậc phụ huynh than thở, "góc mai mối" như một đại siêu thị và họ đang trong cuộc ganh đua với những người khác để tìm kiếm ứng viên phù hợp cho mình. Đây cũng là mô hình thu nhỏ của sự phân chia kinh tế xã hội.

Ông Shen ví von cha mẹ ở "chợ tình" như "người gác cổng" của con em mình. Tìm được người tương đối phù hợp, họ sẽ gọi điện, kiếm WeChat tìm hiểu mọi thứ về đối phương. Thậm chí lai lịch và tài sản cũng được kiểm tra kỹ lưỡng. Việc sắp xếp cho đôi trẻ gặp nhau chỉ diễn ra khi mọi điều xác minh đều thỏa đáng.

Biết gia cảnh mình không khá giả nên ông Shen không dám "soi nhiều" các đối tượng xung quanh. "Chúng tôi không đáp ứng được tiêu chí của họ, nên hỏi nhiều cũng vô ích", ông giãi bày.

Nữ giới nắm lợi thế chọn bạn đời

Kết quả từ Tổng điều tra dân số lần thứ 7 của Trung Quốc công bố vào tháng 5/2021 cho thấy, nam giới trong độ tuổi từ 20 đến 40 nhiều hơn 17,52 triệu người so với nữ giới. Điều này tạo ra sự mất cân bằng giới tính liên tục ở độ tuổi đang kết hôn tại quốc gia này. Các chuyên gia nhận định, đứng ở góc độ này, nữ giới đang "nắm giữ lợi thế".

"Nếu một cô gái có bằng cử nhân sẽ muốn bạn đời của mình đạt bằng cấp cao hơn. Ngay cả khi chàng trai cao 1m8, ngoại hình tốt, nhưng không có công việc ổn định và nhà riêng, thậm chí cơ hội tìm vợ không cao", ông Shen nhận định.

Chợ tình ở Trung Quốc: Đa phần người già kiếm cơ hội mong con thoát ế - 3
Phiên chợ chật kín vào dịp cuối tuần (Ảnh: China).

Chen Zihan, một bà mối 32 tuổi đứng điều hành ở góc mai mối, cũng đồng tình nhận định cơ hội kiếm vợ chồng tại đây không cao.

"Giới trẻ ngày nay chẳng mặn mà kết hôn. Chủ yếu cha mẹ đến vì tâm lý", cô nhận xét.  

Theo các "ông mai", "bà mai", mức lương người trẻ ở Trùng Khánh trung bình khoảng 4.000 - 6.000 tệ/tháng (13 triệu đồng - 20 triệu đồng). Con số này không quá cao so với mặt bằng chung. Trong khi các thanh niên làm việc ở trung tâm gặp áp lực thuê nhà, phương tiện đi lại, ăn uống sinh hoạt.

Gu Jia, 30 tuổi, là người trẻ hiếm hoi có mặt ở "chợ tình". Cô đến đây vì áp lực phải kết hôn từ gia đình. Nhưng bản thân Gu Jia cho rằng, không phải mình chưa muốn lấy chồng, mà mọi thứ quá khó khăn.

"Ở thời điểm hiện tại, tôi thấy mình chưa đủ khả năng", cô nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm