Kon Tum
Chợ phiên cuối tuần trên vùng biên Cao Nguyên
(Dân trí) - Năm nay, bà con đồng bào trên địa bàn huyện vùng biên Sa Thầy (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) đón nhận niềm vui mới khi khánh thành ngôi chợ phiên khang trang, tạo điều kiện cho các bà con buôn bán hàng hóa. Đặc biệt, phiên chợ chỉ mở vào ngày cuối tuần, đồng bào có thể đến chợ để trao đổi hàng hóa…
Cuối tháng 9/2019, huyện Sa Thầy đã tổ chức Lễ khai trương công trình chợ mới và bến xe huyện và chính thức đưa các công trình vào hoạt động phục vụ bà con trong dịp xuân Canh tý.
Đây là các công trình vô cùng ý nghĩa và quan trọng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để bà con các xã vùng biên được giao thương buôn bán trao đổi hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện.
Đặc biệt, phiên chợ này chỉ được mở ra vào ngày cuối tuần (chủ nhật). Chợ ra đời và hoạt động dựa trên tiêu chí miền ngược - xuôi. Đây là điểm giao thương giúp cho bà con vùng sâu, vùng xa đem những đặc sản như: gạo, nếp, dược liệu và các nhu yếu phẩm do chính gia đình làm ra để trao đổi với nhau và có thể bán để kiếm thêm thu nhập lúc giáp tết.
Điều ấn tượng dễ nhận thấy đó là những món hàng trưng bán đều là thủ công, tự tay bà con đồng bào làm và thu hoạch. Những sản phẩm sạch, mang đậm chất núi rừng như: măng khô, heo rừng, mật ong, lan rừng, sâm dây… được những du khách rất ưa thích.
Chị Phan Ngọc Ánh (Thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, Kon Tum) bộc bạch: “Thực phẩm ở đây đều sạch và chất lượng nên gia đình luôn ra mua ủng hộ người bán cũng là đang góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao có cái tết ấm no. Tôi thấy phiên chợ này rất ý nghĩa vì đa số những sản vật rừng núi đều được bà con mang về đây trao đổi, buôn bán chứ không nhập từ nơi khác về”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đình Huân (Chánh văn phòng UBND – HĐND huyện Sa Thầy) chia sẻ: “Chợ này vừa mới được đi vào hoạt động và có quy mô rất lớn. Ngày chủ nhật sẽ là ngày chợ phiên. Lúc đó, bà con trên địa bàn toàn huyện nếu có hàng hóa, vật phẩm gì thì có thể mang ra buôn bán."
"Đồng thời, chợ mở ra cũng tập cho bà con đồng bào vùng cao biết tự trồng lương thực, thực phẩm để buôn bán, giao thương và có điều kiện để phát triển kinh tế bền vững. Trước mắt, chúng tôi xây dựng khu chợ này hoạt động vào ngày chủ nhật để trở thành chợ phiên. Nếu bà con có nhu cầu sẽ tạo mọi điều kiện cho bà con hoạt động trong cả tuần", ông Huân cho biết thêm.
Kiều Giang – Phạm Hoàng