Chợ đất độc đáo lớn nhất tại Sài Gòn

(Dân trí) - Không tấp nập, không kỳ kèo trả giá nhưng hàng chục năm qua, chợ đất bên dòng kênh Xáng đã trở thành đầu mối cung cấp đất trồng cây kiểng, rau sạch cho khắp Sài Gòn.

Chợ đất tại Sài Gòn.

Chợ nằm ngay chân cầu An Hạ.

Ở Sài Gòn những năm gần đây nhu cầu trồng cây kiểng, rau sạch ngày một tăng nên đất trồng trở nên khan hiếm. Theo chân Bình (người kinh doanh đất sạch tại quận Gò Vấp) đến cầu An Hạ - cây cầu nối liền giữa hai huyện Củ Chi và Hóc Môn là nơi được mệnh danh là chợ đất lớn nhất Sài Gòn. Từ trên cầu có thể thấy những bao đất đủ chủng loại được chất đầy bên bờ kênh Xáng.

Chợ đất nằm sát mé sông rất thuận tiện trong việc giao thương đường thủy lẫn bộ. Theo các chủ hàng ở đây, mặt hàng này chủ yếu nhập từ miền Tây lên nên thuê ghe đi đường sông rẻ hơn xe đường bộ, giúp tiết kiệm được nhiều thứ, nhất là chi phí vận chuyển. Và từ cầu An Hạ đất có thể đi đến bất cứ đâu trong thành phố.

Chỉ tay vào đống đất được bao bọc kỹ Bình nói: “Tuy đều là hàng nhẹ, dễ vận chuyển nhưng một khi đã ngấm nước thì nặng chẳng khác gì… xi măng. Khi đó phải mất công chế biến lại tốn kém nên khâu bảo quản khá quan trọng”.

Đa phần các vựa tập trung theo dạng mua đi bán lại ăn chênh lệch. Tức họ nhập nguyên “con” từ dưới miền Tây lên, xơ dừa mua bên Bến Tre, tro trấu thì nhập từ An Giang, còn những bao phân gia súc thì mua từ nhiều nguồn, cả người chăn nuôi trong thành phố.

Đất được vận chuyển bằng đường và đường bộ chuyển đến các địa điểm tại Sài Gòn.
Đất được vận chuyển bằng đường và đường bộ chuyển đến các địa điểm tại Sài Gòn.

Ở đây vẫn có một vài cơ sở trộn hỗn hợp này lại theo công thức tự đóng gói và bán ra thị trường với sản phẩm mang thương hiệu riêng. Anh Quang Toản, chủ một cơ sở bán đất chia sẻ: “Các cơ sở mở ra là nhiều người quen kết hợp nhau làm ăn, chủ yếu kiếm cái nghề còn lợi nhuận không cao hơn người mua đi bán lại là bao vì mỗi bao đất khi đến tay người dùng đã tiêu tốn nhiều thứ: tiền nhân công, nguyên liệu, chi phí vận chuyển, máy móc… nhưng cái chính là được làm chủ nên ai cũng thích”.

Dù là mặt hàng “chính gốc” miền Tây nhưng “thị trường” đang ngày càng mở rộng ra nhiều nơi khác như lên tận Tây Nguyên, ra cả miền Bắc, miền Trung. Các vựa bên cầu An Hạ trở thành điểm trung chuyển hàng hóa đi khắp nơi. Tuy nhiên, để đưa hàng ra tới ngoài Bắc là điều không phải dễ. Nếu như một bao xơ dừa, tro trấu ở Sài Gòn dao động từ 10.000 đồng, đất sạch khoảng 35.000 đồng nhưng khi ra tới Nghệ An hay Hà Nội, thường cao gấp 5 đến 6 lần, chủ yếu để bù chi phí vận chuyển.

“Ở miền ngoài người ta chủ yếu dùng rơm ủ cho mục nát rồi đem trồng cây, còn đất làm từ tro trấu, xơ dừa chưa có phổ biến. Hơn nữa, những thứ nguyên liệu dùng để chế biến không phải dễ kiếm như trong miền Nam, nên hàng từ Nam ra Bắc là điều dễ hiểu”, Anh Toản thông tin.

Chị Nguyên (một chủ điểm bán đất) kể: “Chúng tôi mà thiếu hàng, chỉ cần cuộc điện thoại là thuyền giao đến tận nơi. Ở Sài Gòn, các cơ sở bán lẻ cần hàng, cũng một cú điện thoại các chủ vựa sẽ cho xe giao đến ngay”.

Hiện cơ sở của chị mỗi ngày đưa ra thị trường khoảng 800 bao đất đủ chủng loại và con số tăng dần theo từng năm. Mỗi năm, chị thường có khoảng 3 đến 4 chuyến xe hàng xuất đi các vựa ở miền ngoài. Mỗi chuyến hàng chục tấn.

Chợ đất tại Sài Gòn

Chợ đất độc đáo lớn nhất tại Sài Gòn - 4

Mỗi ngày chợ tiêu thụ hàng ngàn tấn đất phục vụ cho nhu cầu trồng cây kiểng, rau sạch của người dân thành phố.

Chợ đất có một số khá đông nhân công, chủ yếu làm trong các cơ sở chế biến đất sạch, số còn lại theo dạng bán thời gian với công việc chính là dỡ hàng xuống thuyền, chất bao lên xe tải.

Ở Sài Gòn giờ đây, nhiều người như được “mặc định”, cứ trồng rau, cây kiểng, hoa màu…đều tìm đến các loại đất sạch đã đóng bao sẵn. Vậy nên những vựa đất dọc theo bên bờ kênh Xáng đang góp phần tô điểm thêm cho sự đa dạng của những khu chợ độc đáo nơi đất Sài Thành và giúp những ai đang muốn gác lại sự tri thức, tìm chút thảnh thơi qua việc trải nghiệm công việc nhà nông.

Trung Kiên